Hoàn thuế chậm làm doanh nghiệp mất cân đối dòng tiền

Lãnh đạo một công ty ngành gỗ cho biết những vướng mắc về thủ tục hoàn thuế đã làm cho nhiều doanh nghiệp bị mất cân đối nghiêm trọng về dòng tiền.
Doanh nghiệp Châu Âu lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam Thủ tướng: Không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm

Ông Trịnh Đức Kiên – Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ đã chia sẻ như vậy tại Hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD” do Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 12/4.

Theo ông Kiên, từ năm 2023 đến nay có 3 khó khăn chính đối với ngành gỗ. Khó khăn đầu tiên là do tổng cầu thế giới suy giảm, dẫn đến tụt giảm lượng hàng bán và tăng chỉ số tồn kho.

Tiếp theo là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ, trong thời gian qua gặp vướng mắc về thủ tục hoàn thuế.

Với ngành gỗ, quá trình hoàn thuế có thể trong một tháng, một quý nhưng từ năm ngoái đến nay rất nhiều doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế 6-9 tháng, thậm chí là 12 tháng.

"Vướng mắc về thủ tục hoàn thuế, làm cho nhiều doanh nghiệp bị mất cân đối nghiêm trọng về dòng tiền", ông Kiên chia sẻ.

Hoàn thuế chậm làm doanh nghiệp mất cân đối dòng tiền
Ông Trịnh Đức Kiên – Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ.

Cùng với đó, một số thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Hàn Quốc có các điều tra chống bán phá giá.

Ví dụ như ở Mỹ, ngay khi bắt đầu điều tra họ áp thuế chống phá giá ngay. Khi nào điều tra xong họ sẽ tính sau. Tuy nhiên, khi bị áp thuế tới 100-200-300 % thì coi như chấm dứt việc xuất khẩu luôn.

Theo ông Kiên, để vượt qua khó khăn, mỗi doanh nghiệp áp dụng những giải pháp khác nhau để thích ứng với bối cảnh mới và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Như Công ty TNHH Kẻ Gỗ, thay đổi lớn nhất của của doanh nghiệp là về chính sách bán hàng, marketing.

Trước đây, hoạt động xúc tiến thương mại của công ty vẫn còn khá thụ động, chủ yếu tìm kiếm đơn hàng thông qua các sàn thương mại điện tử quốc tế hoặc thư điện tử để liên hệ với khách hàng. Khi mà thế giới “phẳng” hơn, phương pháp đó không còn hiệu quả, doanh nghiệp sẽ phải tự chủ động đi làm thị trường.

Từ năm 2024, Công ty TNHH Kẻ Gỗ tích cực tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khó khăn như hiện nay, dù các doanh nghiệp nói chung đều đang nỗ lực hết sức để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm thì vẫn rất cần các chính sách hỗ trợ kịp thời và thiết thực của Nhà nước.

Ông Kiên cho rằng, khi tổng cầu thế giới suy giảm suy giảm, lượng bán hàng suy giảm sẽ dẫn đến chỉ số hàng tồn kho tăng cao, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì dòng tiền, thứ được coi là mạch máu của tất cả các doanh nghiệp.

Do đó, việc có được nguồn tín dụng cung cấp bổ sung với các điều khoản mang tính hỗ trợ cao hơn bình thường thì đặc biệt quan trọng với doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại không chỉ doanh nghiệp gỗ mà cả những doanh nghiệp khác đang trong tình trạng tương tự.

Trên cơ sở đó, ông Kiên kiến nghị tăng thời gian của các khoản vay, bởi ngành gỗ có đặc thù hàng hóa có thể tồn kho lâu hơn so với các ngành như thủy sản hoặc mặt hàng nông nghiệp là hàng tươi sống…

Theo ông Kiên, trước đây các khoản vay đối với doanh nghiệp xuất khẩu là 3-4 tháng phải đảo vay 1 lần. Thế nhưng tồn kho hiện nay không chỉ 3 tháng mà có thể lên tới 6 tháng, rất nhiều doanh nghiệp gỗ tồn kho trong thời gian dài đang gặp áp lực rất lớn về đảm bảo thời gian đảo các khoản vay này. Doanh nghiệp đề xuất tăng thời hạn tín dụng cho các khoản vay tăng lên 6 hoặc 9 tháng.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cũng đề xuất có cơ chế xét duyệt các khoản vay linh hoạt. Các doanh nghiệp vẫn có các đơn hàng, nhưng do lượng hàng tồn kho lớn nên gặp khó khăn về dòng tiền để thực hiện đơn hàng mới và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp ở Việt Nam đa số là vừa và nhỏ, tài sản chủ yếu là máy móc và hàng tồn kho, không có nhiều bất động sản. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể có những chính sách tài sản đảm bảo là hàng tồn kho, hoặc cho vay từ trên đơn hàng.

Ngoài ra, ông Kiên cũng đề xuất xem xét tăng tỷ lệ thế chấp của doanh nghiệp. Ngân hàng có thể đánh giá độ tín nhiệm của doanh nghiệp hoặc người vay trong suốt thời gian hoạt động sản xuất của những năm trước để tăng tỷ lệ thế chấp lên để giúp doanh nghiệp vượt quá giai đoạn khó khăn này.

Hậu Lộc
Phiên bản di động