Phó Thống đốc định hướng cấp tín dụng cho năm 2024
Tín dụng tăng trưởng âm tháng đầu năm Năm 2024, tín dụng bất động sản sẽ là mối lo của ngân hàng |
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, vốn cho nền kinh tế đến từ nhiều kênh khác nhau, trong đó tín dụng ngân hàng chỉ là một trong các kênh cung ứng.
Theo đó, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh tín dụng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng cần có chính sách tổng thể từ phía các bộ, ngành, cơ quan, địa phương.
Năm 2024, về ngành ngân hàng, Phó Thống đốc yêu cầu các nhà băng quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Đối với lĩnh vực bất động sản, Phó Thống đốc yêu cầu tiếp tục rà soát, phân loại các dự án để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với doanh nghiệp, dự án đủ điều kiện, đặc biệt là các DN có dự án BĐS đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thu nhập của người lao động.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. |
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn về nhà ở; đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...
Đối với các dự án trọng điểm, Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng nâng cao trách nhiệm thẩm định, xem xét quyết định cho vay đối với các dự án lớn, trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn hiệu quả; tăng cường đồng tài trợ đối với các dự án lớn, trọng điểm để tăng cường khả năng cung ứng vốn, chất lượng tín dụng.
Đối với lĩnh vực xăng dầu, các ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay hợp lệ của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo danh sách công bố trên website của Bộ Công thương) và thương nhân phân phối xăng dầu phục vụ việc mua xăng dầu trong nước, nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu đã được phân giao, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Phó Thống đốc cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt qua các kênh bán hàng, sản phẩm, dịch vụ được số hóa.
Mặt khác, các ngân hàng hàng cần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.
Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng yêu cầu các nhà băng tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, đảm bảo thực hiện đúng quy định, giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi.