Tín dụng tăng trưởng âm tháng đầu năm
Năm 2024, tín dụng bất động sản sẽ là mối lo của ngân hàng Ngân hàng Nhà nước “nóng ruột” vì tăng trưởng tín dụng đầu năm khá thấp |
Sáng 20/2, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Trong đó, mức giảm ở 5/9 nhóm tổ chức tín dụng: Nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước giảm 0,88%, nhóm gân hàng thương mại cổ phần giảm 0,51%, nhóm ngân hàng TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu giảm 2,22%, nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài giảm 0,32%, nhóm ngân hàng liên doanh giảm 3,41%.
Theo lý giải của đại diện Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân tín dụng tăng trưởng âm là do tính chất quy luật, giai đoạn đầu năm tín dụng thường không tăng.
Quang cảnh hội nghị. |
Đồng thời, khó khăn từ nền kinh tế và khả năng hấp thụ của doanh nghiệp, nhất là cho vay tiêu dùng khó khăn nên tín dụng chững lại chứ không phải do cơ chế, chính sách hay là do hoạt động của ngân hàng hiện nay.
Cũng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2024, định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng là 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng, thông báo công khai nguyên tắc xác định để chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng nhằm cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.