Năm 2024, tín dụng bất động sản sẽ là mối lo của ngân hàng

Năm 2024, trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, rủi ro tín dụng của các lĩnh vực liên quan tới bất động sản vẫn là mối lo trọng yếu của ngành ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước “nóng ruột” vì tăng trưởng tín dụng đầu năm khá thấp Doanh nghiệp nhỏ kêu rất khó tiếp cận tín dụng do thủ tục rườm rà

Theo nhóm chuyên gia của tổ chức FiinRatings, tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt khoảng 13,7% và tăng nhanh vào tháng cuối năm.

Mặc dù việc tín dụng tăng mạnh vào cuối năm là thường thấy do nhu cầu vốn của một số doanh nghiệp tăng, FiinRatings nhận định sự tăng trưởng này được thúc đẩy phần nào cũng bởi tăng trưởng tín dụng dành cho các đơn vị phát triển bất động sản.

Trong năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 15% và trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, rủi ro tín dụng của các lĩnh vực liên quan tới bất động sản vẫn được nhóm phân tích của FiinRatings đánh giá là một trong những rủi ro trọng yếu của ngành ngân hàng hiện nay.

Năm 2024, tín dụng bất động sản sẽ là mối lo của ngân hàng
Năm 2024, tín dụng bất động sản sẽ là mối lo của ngân hàng

Mặc dù vậy, với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt như chính sách cho phép ngân hàng cơ cấu lại thời hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ trong Thông tư 02/2023/TT-NHNN từ tháng 4/2023, đã góp phần làm giảm xu hướng gia tăng của nợ xấu và giảm áp lực trích lập dự phòng cho ngân hàng.

Tính đến cuối năm 2023, nợ xấu điều chỉnh (bao gồm nợ xấu nội bảng và VAMC) của các ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động (không thuộc diện kiểm soát đặc biệt) được ước tính ở mức trên 2%, tương đương so với con số của năm 2022, nhưng có sự giảm nhẹ so với đầu năm 2023.

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của FiinRatings cũng lưu ý mức tỷ lệ nợ xấu này chưa bao gồm các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn từ các cam kết ngoại bảng, cũng như các khoản nợ được các ngân hàng chủ động tái cấu trúc trước với doanh nghiệp (với lý do khả năng trả nợ của doanh nghiệp bị ảnh hưởng), hay tái cấu trúc theo Thông tư 02; do đó FiinRatings nhận định con số này chưa thực sự phản ánh đầy đủ tình hình chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, việc nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng cao trong năm 2023 ở một số ngân hàng là dấu hiệu cho thấy các ngân hàng này có thể phải đối mặt với áp lực đáng kể trong vòng 12 tháng tới.

Do vậy, mặc dù đánh giá về rủi ro hệ thống ở mức tương đối thấp, nhưng FiinRatings cho rằng, chất lượng tài sản của các ngân hàng sẽ chưa cho thấy sự cải thiện ngay trong năm 2024.

Về pháp lý, FiinRatings kỳ vọng việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng sẽ góp phần tạo điều kiện, hỗ trợ các ngân hàng trong công cuộc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt với tài sản bảo đảm liên quan tới bất động sản.

Hậu Lộc
Phiên bản di động