Phát triển công nghiệp văn hóa từ sản phẩm thủ công
27,86 triệu lượt khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 Luật Thủ đô 2024 tạo đà để công nghiệp văn hóa Thủ đô “cất cánh” Để Hà Nội là nhịp đập văn hóa của cả nước |
“Khoác áo mới” cho sản phẩm thủ công truyền thống
Mỗi lần Hội chợ Makers Market - Child Routes do Hanoi Indie Troupe (HIT) tổ chức, khách hàng vô cùng ngạc nhiên về các chủng loại sản phẩm do gần 80 doanh nghiệp, nhà sáng tạo đem đến. Đơn giản nhất là chiếc lót cốc cũng có hàng chục phong cách khác nhau, lấy cảm hứng từ những viên gạch hoa phổ biến trong cuộc sống của người Hà Nội, Sài Gòn mấy chục năm trước, đến những miếng vải bò được trang trí hoạ tiết hoa văn, những sắc màu bohemia và cả những chiếc lót cốc đan móc từ len xinh yêu dễ thương…
Chỉ một dòng sản phẩm, nhưng mỗi nhà cung cấp lại có những phong cách khác nhau, mà chỉ kể tên thôi cũng… đủ mệt. Điều đó cho thấy sức sáng tạo vô tận của cộng đồng. Những món đồ “không đơn giản”, tất nhiên, sẽ phức tạp… hơn.
Những sản phẩm thủ công truyền thống đang trở nên hút khách |
Nếu bắt đầu bằng những mặt hàng có tính chất truyền thống, thì có thể kể đến những mặt hàng như giấy dó, tò he, cải lanh… Cả miền Bắc chỉ có một làng nặn tò he ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) thì Nguyệt Viên Ký đem đến một thế giới tò he “khác”. Vẫn được nặng bằng bột, nhưng tò he của Nguyệt Viên Ký tinh tế hơn, cầu kỳ hơn; có nhiều sáng tạo “mới mà cũ”. Thí dụ như hình tượng chị Hằng, mẫu “thỏ ngọc bưởi xanh” với chú thỏ chui ra từ quả bưởi… và đặc biệt là cả thế giới lưỡng cư bò sát với ếch, nhái, rắn… quen thuộc với tuổi thơ.
Hay Chạm Dó “khoác áo mới” cho giấy dó với hàng loạt mặt hàng thủ công như: Sổ, quạt, bưu thiếp, tranh… làm từ giấy dó. Trong đó, có những tấm bưu thiếp trang trí bằng hoa khô, lá khô hoàn toàn từ thiên nhiên.
Vô vàn sản phẩm khác nhau, nhưng nếu phân nhóm theo chất liệu, gồm đồ giấy, đồ da, đồ vải, đồ kim hoàn, đồ gỗ…; phân loại theo công năng thì các sản phẩm chủ yếu là đồ thời trang, trang trí nhà cửa… Qua đó để thấy rằng, đồ thủ công hiện nay đã được “khoác áo mới” nhờ sự sáng tạo của các bạn trẻ.
Biến tiềm năng thành “tài sản”
Với 1.350 làng nghề, Hà Nội hiện đang chiếm hơn 30% tổng số làng nghề trên cả nước. Đây vừa là nơi lưu giữ, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, vừa là những cơ sở kinh tế hết sức quan trọng. Trong các làng nghề nói chung, Hà Nội có số lượng lớn các làng chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, một trong sáu lĩnh vực công nghiệp văn hóa có thế mạnh mà thành phố ưu tiên phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Về giá trị sản xuất, hiện nay, thành phố có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 tỷ đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 tỷ đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm. Khối làng nghề tạo công ăn, việc làm cho khoảng 740 nghìn lao động.
Khách tham quan Bảo tàng sinh thái Bát Tràng |
Trong bối cảnh thành phố đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, làng nghề đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển. Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh cho biết, phát triển làng nghề, du lịch làng nghề của huyện luôn được thành phố và huyện quan tâm, tạo sự chuyển biến tích cực. Nhiều làng nghề nổi tiếng như: May mặc Vân Từ; giày da Phú Yên; đồ gỗ ở các xã Tân Dân, Văn Nhân; khảm trai Chuyên Mỹ; mây giang đan, cỏ tế Phú Túc; tò he Xuân La… Các làng nghề phát triển mạnh và tạo việc làm thường xuyên cho lao động trong và ngoài địa phương với mức lương từ 7 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Các làng nghề của huyện Phú Xuyên hoạt động đã và đang tạo việc làm thường xuyên cho 25.400 hộ với 41.000 lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp (chiếm 40% tổng số lao động toàn huyện), đóng góp cho ngân sách địa phương hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo ra những “phố nghề” sầm uất như: Túi xách xã Sơn Hà, giày da xã Phú Yên, nghề may xã Vân Từ, nghề mộc xã Chuyên Mỹ…, mang nét đặc trưng riêng của huyện vùng trũng phía Nam Hà Nội.à Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội chia sẻ về Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng-Từ ý tưởng sáng tạo đến hiện thực hóa việc phát huy giá trị làng nghề truyền thống, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Theo bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội chia sẻ, Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng từ ý tưởng sáng tạo đến hiện thực hóa việc phát huy giá trị làng nghề truyền thống, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng được thiết lập bằng việc bảo vệ và gìn giữ những công trình kiến trúc truyền thống của làng cùng với những hiện vật là vật dụng của người dân và cả cảnh quan tự nhiên sống động cùng cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân Bát Tràng, với đầy đủ các phong tục tập quán, thói quen lao động, nghi lễ, âm nhạc và ẩm thực truyền thống và đặc biệt là nghề gốm Bát Tràng...
Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng đóng vai trò cùng lúc là: Một tổ chức xã hội; Một ngôi làng cổ; Một bảo tàng; Một nơi sinh sống hằng ngày của cư dân địa phương; đảm nhiệm tốt vai trò của một ngôi làng và một bảo tàng độc đáo với tính đa dạng của các hoạt động mà trọng tâm là nghề gốm, được thể hiện sống động bởi chính dân làng Bát Tràng.
Đây là một không gian công cộng quy tụ dân làng Bát Tràng, dựa trên di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, truyền thống và tập quán của làng như là những công cụ gắn kết và hòa giải, cùng thành tựu kinh tế để vừa có thu nhập, bảo vệ, chia sẻ và quảng bá di sản, vừa phát triển cộng đồng làng…
Với sự vào cuộc tích cực của cộng động, mô hình bảo tàng này đang thu hút đông đảo khách du lịch đến với Bát Tràng.
Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” của TP Hà Nội đã tạo tiền đề cho ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội phát triển mạnh mẽ.
Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống trở thành ngành “Công nghiệp sáng tạo” có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những mô hình phát triển của các làng nghề như Bát Tràng, Phú Xuyên... đã tạo hướng đi cho các địa phương khác ở Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa từ sản phẩm thủ công truyền thống.