Luật Thủ đô 2024 tạo đà để công nghiệp văn hóa Thủ đô “cất cánh”

Luật Thủ đô 2024 chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1/1/2025). Với việc đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô, Luật Thủ đô 2024 sẽ tạo ra hành lang pháp lý, để Hà Nội trở thành “ngọn hải đăng” của cả nước trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Để Hà Nội là nhịp đập văn hóa của cả nước Hoa và công nghiệp văn hóa Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP vào năm 2030

Khẳng định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng

TP Hà Nội đã và đang thể hiện quyết tâm cao, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối trong phát triển văn hóa, cụ thể hóa Nghị quyết 15/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.

Góp phần cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là một trong hai nghị quyết chuyên đề của Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và minh chứng cho sự coi trọng văn hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thủ đô.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, việc ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa đã được Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt ra nhằm quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Luật Thủ đô 2024 tạo đà để công nghiệp văn hóa Thủ đô “cất cánh”
Khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024

Nghị quyết cũng đồng thời xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô.

Nhận định về điều này, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhấn mạnh: “Hà Nội nêu cao vai trò tiên phong, là một trong những địa phương đặt phát triển văn hóa lên hàng đầu, thậm chí đặt văn hóa cao hơn các lĩnh vực khác. Đây cũng là lý do trong quy hoạch mới nhất của Thủ đô đã lấy sông Hồng làm trục trung tâm và mở rộng phát triển sang hai bên bờ sông. Đây được coi như công cuộc phục hưng văn hóa lớn của Thủ đô Hà Nội đầu thế kỷ thứ 21” – GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nói.

Cơ sở pháp lý để khai thông nguồn lực

Luật Thủ đô 2024 gồm 7 chương, 54 điều với nhiều quy định mới về chính sách, cơ chế đặc thù; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ được xem là động lực, không gian mới để Hà Nội tập trung nguồn lực, bứt phá phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tại Điều 21, Bộ luật này quy định: Việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Luật Thủ đô 2024 cũng quy định: Thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.

Luật Thủ đô 2024 tạo đà để công nghiệp văn hóa Thủ đô “cất cánh”

TS Bùi Văn Tuấn, Phó Viện trưởng, Viện Hà Nội học và Đào tạo quốc tế (Trường Đại học Thủ đô)

Hội đồng Nhân dân Thành phố quy định chi tiết thẩm quyền thành lập; trình tự, thủ tục thành lập; việc tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý đối với trung tâm công nghiệp văn hóa và các chính sách ưu đãi đối với trung tâm công nghiệp văn hóa sử dụng nguồn lực của thành phố.

Cũng theo Luật Thủ đô 2024, TP Hà Nội được thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, văn hóa tại khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa, trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống.

Luật Thủ đô 2024 tạo đà để công nghiệp văn hóa Thủ đô “cất cánh”
Tour đêm "Ngọc Sơn - Đêm huyền bí"

Trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, TS Bùi Văn Tuấn, Phó Viện trưởng, Viện Hà Nội học và Đào tạo quốc tế (Trường Đại học Thủ đô) chia sẻ, việc Luật Thủ đô 2024 được thông qua sẽ tạo thêm hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù vượt trội để Hà Nội có những điều kiện thuận lợi, phát triển nhanh hơn trong lĩnh vực văn hóa nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

“Điều 21 về phát triển văn hóa, nêu nhiều sự bổ sung, điều chỉnh kịp thời thể hiện qua các chính sách đặc thù, giúp gỡ nhiều điểm nghẽn cho Hà Nội, khơi thông các nguồn lực gắn với phát triển công nghiệp văn hóa. Luật Thủ đô tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”- chuyên gia này nhận xét.

Trên thực tế, Hà Nội với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa: 5.922 di tích lịch sử - văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; 1.350 làng nghề; 1.173 lễ hội mới và sự kiện văn hóa, nghệ thuật; gần 150 không gian sáng tạo đa lĩnh vực.

Bên cạnh đó, Hà Nội có nguồn lực con người rất lớn với gần 52% dân số trẻ, tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hơn 70% trường đại học, trung tâm nghiên cứu, học viện; các khu công nghiệp công nghệ cao, hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, nghệ thuật, văn hóa, thời trang…, Từ đây, Hà Nội có thể phát triển mạnh các ngành công nghiệp văn hóa như: Du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, thiết kế, quảng cáo, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, thời trang, truyền hình và phát thanh, xuất bản.

Luật Thủ đô 2024 tạo đà để công nghiệp văn hóa Thủ đô “cất cánh”
Văn Miếu - Quốc Tử Giám ra mắt các tour đêm để thu hút khách du lịch

Phó Viện trưởng, Viện Hà Nội học và Đào tạo quốc tế nhấn mạnh: Điều 22; Khoản 2 Điều 43 của Luật Thủ đô đề cập đến vấn đề sẽ hình thành hệ sinh thái giáo dục sáng tạo, góp phần thúc đẩy tài năng sáng tạo, nguồn nhân lực sáng tạo trẻ, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, xây dựng Hà Nội trở thành Kinh đô sáng tạo của khu vực, thành phố kết nối toàn cầu. Đó chính là mục tiêu mà công nghiệp văn hóa mang lại. Bởi nguồn nhân lực chính là thành tố cấu thành công nghiệp văn hóa, quyết định trực tiếp đến quá trình xây dựng thương hiệu, chất lượng và sức mạnh cho công nghiệp văn hóa Thủ đô.

“Luật Thủ đô năm 2024 cũng giúp Hà Nội có cơ chế đặc thù để huy động sự tham gia của các thành phần tư nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, đi đôi với hoàn thiện thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa, góp phần tăng trưởng kinh tế, đồng thời giữ gìn bản sắc, lan tỏa giá trị Thăng Long - Hà Nội ra thế giới” - TS Bùi Văn Tuấn khẳng định.

Thái Sơn
Phiên bản di động