Hà Nội: Công khai đường dây nóng để xử lý sai phạm trong tổ chức lễ hội
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại Kế hoạch số 12/KH-UBND về việc tăng cường các biện pháp trong quản lý và tổ chức Lễ hội trên địa bàn năm 2025 do UBND TP Hà Nội ban hành.
Theo đó, UBND TP yêu cầu xác định việc tổ chức lễ hội là một sự kiện văn hóa của Thủ đô và của từng đại phương, đảm bảo việc tổ chức lễ hội phải an toàn, tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả; Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Công văn lưu ý việc tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi của địa phương, của dân tộc.
Việc tổ chức cần được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng với những nội dung thiết thực, hấp dẫn, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong hoạt động văn hóa đối ngoại và bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương, các hoạt động tại lễ hội phải có kịch bản chi tiết, cụ thể, nội dung chương trình phong phú, hấp dẫn.
Lễ hội được tổ chức trang nghiêm, trọng thể về phần Lễ, đa dạng và phong phú về phần hội, tạo ra được các sản phẩm văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố hiện đại của thời đại; Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng chống cháy, nổ trong quá trình tổ chức Lễ hội, xây dựng môi trường cảnh quan của di tích "sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn".
Đối với các lễ hội cấp quận, huyện, thị xã tổ chức cần tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị đặc biệt quan tâm đầu tư kịch bản nghệ thuật trong phần hội để lễ hội trở thành các sản phẩm công nghiệp văn hóa phục vụ phát triển văn hóa, xã hội của địa phương.
UBND TP yêu cầu 100% các di tích và các lễ hội được tổ chức trong năm 2025 đảm bảo tiêu chí "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - An toàn - Tiết kiệm".
Thành phố cũng công bố đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh về hoạt động lễ hội: Cấp thành phố: Số điện thoại đường dây nóng: 0965404557; Cấp quận, huyện, thị xã: UBND các quận, huyện, thị xã công bố số điện thoại đường dây nóng của đơn vị mình gửi về Sở Văn hóa và Thể thao để tổng hợp, theo dõi.
Hà Nội cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2025 trên địa bàn để xử lý kịp thời những sai phạm tiêu cực trong hoạt động tổ chức lễ hội, vi phạm Luật Di sản văn hoá, xâm hại di tích và ảnh hưởng đến các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng để lễ hội phát triển lành mạnh, đúng hướng.
Việc kiểm tra theo lịch cụ thể và kiểm tra đột xuất, kết quả kiểm tra được thông tin ngay trên ứng dụng iHanoi và các phương tiện thông tin đại chúng.
Nghi thức rước tại Lễ hội Công Đình (xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội) |
UBND TP cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa theo phân cấp và chịu trách nhiệm nội dung chương trình, công tác tổ chức, quy mô cấp độ của lễ hội.
Đối với các lễ hội lớn, dài ngày như: Chùa Hương, Đền Sóc, Đền Hai Bà Trưng, Đền Hát Môn, Đền Phù Đổng, Chùa Thầy, Chùa Tây Phương, lễ hội Cổ Loa, Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Lễ Hội Giằng Bông Hoài Đức... đề nghị các đơn vị có kế hoạch chi tiết các hoạt động diễn ra tại lễ hội; kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, giữ gìn vệ sinh môi trường, phương án phòng, chống dịch bệnh cho người dân khi tham gia lễ hội gửi về Sở Văn hóa và Thể thao trước khi tổ chức 30 ngày...
Ban hành Kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống của địa phương. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, ký cam kết thi đua thực hiện Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống đối với các di tích, lễ hội trên địa bàn..
Trước đó, Bộ VH,TT&DL vừa có Công văn số 5672/BVHTTDL-VP về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025.
Trong Công văn, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chủ động tham mưu, triển khai tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang đậm dấu ấn, góp phần khơi dậy niềm tự hào, bản sắc văn hóa truyền thống dịp Tết cổ truyền của dân tộc, gắn với việc thúc đẩy, thu hút khách du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực theo dõi, quản lý; chỉ đạo, phối hợp tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, bảo đảm Nhân dân được đón Tết vui tươi, đầm ấm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc…
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động lễ hội, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, hoặc vi phạm quy định về tài chính.