e magazine
11/01/2025 19:06
Làng xưa phố mới – Giải pháp phát huy trầm tích văn hóa ngàn năm

11/01/2025 19:06

Trong lịch sử trường kỳ, Thăng Long – Hà Nội giấu vào trong lòng bao nhiêu trầm tích văn hóa, kiến trúc và những chuyện lý thú chưa bao giờ kể hết.
Thị xã Sơn Tây: Đổi mới trên mảnh đất chứa trầm tích văn hoá trăm năm

Làng xưa phố mới – giải pháp phát huy trầm tích văn hóa ngàn năm

Thăng Long - Hà Nội hình thành đã lâu lắm, dễ cả nghìn năm tuổi hay còn lâu dài hơn nữa. Trong lịch sử trường kỳ, mảnh đất này giấu vào trong lòng bao nhiêu trầm tích văn hóa, kiến trúc và những chuyện lý thú chưa bao giờ kể hết.

Tuy nhiên, vài chục năm gần đây, diện mạo của Hà Nội thay đổi, khiến làng xưa trở thành thành phố mới. Những cái tên nức tiếng một thời như Mỗ, La, Canh, Cót ... lùi dần vào miền ký ức. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, cần những giải pháp nhanh chóng để bảo tồn các giá trị quý báu của làng ở Thủ đô, đồng thời, đưa những vốn liếng ấy trở thành động lực để thúc đẩy kinh tế, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân.

Làng trong phố,

phố trong làng

Dịp cuối năm, người viết có cơ hội trò chuyện với ông Lê Ngọc Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Canh về truyền thống của địa phương. Không biết từ bao giờ, người Hà Nội đã lưu truyền câu “Mỗ, La, Canh, Cót – tứ danh hương”, ý chỉ về những làng nổi tiếng của đất Thăng Long. “Tổng Canh xưa kia rất rộng lớn, trù phú, trải từ bờ sông Hồng đến mãi Tổng Cót, tức là phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy bây giờ. Thời gian biến chuyển, đa phần Tổng Canh đã thành phố xá, chỉ có Vân Canh vẫn là xã ngoại thành, vẫn cố giữ nếp làng mà các cụ truyền lại”.

Trong “tứ danh hương” Mỗ, La, Canh, Cót thì Nam Từ Liêm chiếm một nửa. Mỗ là Đại Mỗ, Tây Mỗ. Canh là vùng đất Xuân Phương. Chưa kể, Mễ Trì, đi liền với câu ca “Lắm quan Kẻ Mọc, lắm thóc Mễ Trì”.

Nhưng hơn hai chục năm nay, Nam Từ Liêm cũng là vùng đất đô thị hóa mạnh nhất. Những khu đô thị hiện đại, những biệt thự, nhà chọc trời mọc lên bên nếp làng xưa. Bản thân những ngôi làng cổ cũng “vận động” cùng tiến trình đô thị hóa. Những ngôi nhà mới mọc lên. Nhiều cửa hàng dịch vụ mới ra đời. Nhiều nhất là cắt tóc, trang điểm, tạp hóa, cà phê, nhà hàng... Những khu đô thị, khu chung cư mới kề bên làng cổ có thể gặp bất cứ nơi đâu.

Khoảng 20 năm trở lại đây, đó là câu chuyện phổ biến ở các quận mới như Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm... Bây giờ, bối cảnh ấy đã lan sang Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì - những huyện sắp lên quận. Và tất cả đều sở hữu nhiều câu chuyện chung. Những khu dân cư mới thường được xây cất khang trang hơn. Có những khu đô thị “quây” làng cổ. Làng cổ lúp xúp lọt thỏm trong rừng cao ốc.

Nói về Tổng Cót, tức là khu vực Hạ Yên Quyết (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), tại Hội thảo khoa học “Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Như Uyên và truyền thống khoa bảng dòng họ Nguyễn làng Hạ Yên Quyết, Hà Nội”, PGS. TS Nguyễn Trọng Thưởng đã trình bày một tham luận gây chú ý lớn. Trong tham luận, PGS. TS Nguyễn Trọng Thưởng đánh giá Hạ Yên Quyết như một vùng đất đặc biệt, có thể gọi là “địa linh”. Nhờ thế đất độc đáo, làng này mới nuôi dưỡng, chứng kiến nhiều vị danh sỹ khoa bảng như thế.

Bạch Liên khảo ký từng ghi, làng Hạ Yên Quyết là một nhánh gốc từ núi Tản Viên, trước có có hồ sen là Minh dường, sau lưng có gò Thất tinh. Tay Long bên tả thì chạy theo ven sông Tô Lịch, viên quanh các mỏm đất rìa làng rồi quay đầu lại. Tay Hổ ở bên hữu thì theo từng bãi sa xuống hình như cái móc neo. Những cái tốt, cái hay của làng Hạ Yên Quyết đều dựa vào đấy. Do đó, dân làng cư ngụ, sinh sôi đông đúc, học hành tấn tới. PGS. TS Nguyễn Trọng Thưởng nhấn mạnh: “Đây là mảnh đất hội tụ linh khí, phát tích tài năng, chan hòa khí phách”.

Làng xưa phố mới – giải pháp phát huy trầm tích văn hóa ngàn năm

Thế nhưng, hiện nay, Tổng Cót cũng chỉ còn lại là cái tên trong dĩ vãng. Cổng làng vẫn còn đó, nhưng lọt thỏm giữa ba bề bốn bên những ngôi nhà cao tần ken kín. Người làng hóa thành người phố...

PGS. TS Vũ Duy Mền (Viện Sử học Việt Nam), một chuyên gia nghiên cứu sâu về văn hóa làng Việt, cung cấp ở nước ta, đô thị hình thành muộn và nhiều thành phố ra đời từ cội nguồn thôn dã. Chính vì vậy, văn hóa thành thị ở Việt Nam cũng bắt nguồn từ văn hóa làng; là sự dung nạp và cộng sinh giữa văn hóa làng với quá trình kiến tạo, hình thành đô thị; nên về cơ bản căn cốt văn hóa Việt Nam vẫn mang đậm bản sắc văn hóa làng.

“Bản thân chúng ta hay những người tiếp xúc hằng ngày tại những ngôi nhà có số, phố có tên, thì hầu hết đều mang những nét tính cách, ứng xử mang dấu ấn vùng miền rõ rệt. Có những người tha hương hàng chục năm đến biển Á, trời Âu nhưng niềm tự hào vẫn là “cây đa, bến nước làng mình”. Nói một cách khái quát, văn hóa làng được người dân quê xây dựng, sàng lọc từ hàng ngàn đời nay đã trở thành di sản. Hệ thống những giá trị quý báu ấy đã nhập hòa vào máu thịt cư dân, góp phần đắp bồi hồn cốt, tạo giá trị khác biệt và tỏa sáng tính đa dạng của không gian nông thôn Việt Nam. Qua nhiều thế hệ, văn hóa làng hình thành, được lưu giữ bởi những nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng của người dân; nó tồn tại tương đối ổn định và bằng cảm xúc tự nguyện trong tình yêu của mỗi người với nơi chốn sinh thành…”, PGS. TS Vũ Duy Mền cho hay.

“Mảnh hồn làng”

trước nguy cơ

“rơi rụng”

Giá trị của làng xưa không đơn thuần nằm ở không gian, kiến trúc hay những hình ảnh mang tính biểu tượng. Cây đa, giếng nước, sân đình nhường chỗ cho các thiết chế văn hóa hiện đại; song, tinh thần của làng mới là mạch nước ngầm chảy từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Không ít giá trị từng được xem là tiêu biểu của cộng đồng làng, nay được nhìn nhận như những vật cản ngăn trở con đường phát triển. Sự du nhập những yếu tố văn hóa ngoại lai cũng gây nên nhiều tác động tiêu cực, làm phai nhạt nét đặc trưng của văn hóa làn

Từ buổi sơ khai của lịch sử, mỗi người dân Việt Nam đều gắn bó, kết nối, là một thành tố của cộng đồng làng xã. Trải nghìn đời, với bao thăng trầm, biến động, bao thử thách khắc nghiệt, làng xã Việt với những nét văn hóa riêng độc đáo và đặc sắc được gìn giữ, trao truyền và tôn bồi, đã trở thành nét bản sắc của văn hóa Việt Nam. Làng, trong mối quan hệ hữu cơ với nhà và nước, đã trở thành nhân tố quan trọng cố kết cộng đồng để tạo nên sức mạnh đoàn kết không gì sánh được của dân tộc Việt Nam.

Trước những tác động của đời sống hiện đại, làng xã Việt đang đối diện nhiều thách thức to lớn. Không ít giá trị từng được xem là tiêu biểu của cộng đồng làng, nay được nhìn nhận như những vật cản ngăn trở con đường phát triển. Sự du nhập những yếu tố văn hóa ngoại lai cũng gây nên nhiều tác động tiêu cực, làm phai nhạt nét đặc trưng của văn hóa làng.Làng xưa phố mới – giải pháp phát huy trầm tích văn hóa ngàn nămPGS, TS Vũ Duy Mền cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng, những thập niên gần đây, đất nước phát triển mạnh mẽ với những thay đổi to lớn về kinh tế - xã hội. Trong hoàn cảnh đó, khu vực nông thôn cũng đã chủ động và cả thụ động tiếp nhận những tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự du nhập văn hóa ngoại lai. Đời sống khởi sắc là điều cần khẳng định, nhưng kết cấu văn hóa làng xã cũng đứng trước nguy cơ bị xô lệch. Sự đa dạng và sinh động của nông thôn Việt Nam cổ truyền mà các nhà nghiên cứu nước ngoài từng thốt lên “sự bí mật của các làng Việt” đang đứng trước nguy cơ mai một. Làng quê mất dần phong vị, mất đi cái sắc thái tâm tình quê kiểng, chất phác, hồn nhiên. Những giá trị cố kết cộng đồng đang dần lơi lỏng, bởi lối sống thực dụng len lỏi chi phối vào mỗi ngôi làng và mỗi mái nhà. Đạo lý vuông tròn, tình làng, nghĩa xóm có phần phai lạt. Trong cơn lốc đô thị hóa, đất đai tăng giá bất thường nhiều khi đã làm cho máu mủ tình thân cũng bị lòng tham vật chất làm cho băng hoại, rệu rã. Những hiện tượng của thói đố kỵ hay sự lãnh cảm, thờ ơ với nỗi đau của người khác đã và đang xuất hiện ở nơi chốn vốn là điểm khởi phát và nuôi dưỡng đạo lý cao đẹp tình làng nước, nghĩa đồng bào Việt Nam…

Làng xưa phố mới – giải pháp phát huy trầm tích văn hóa ngàn năm

Đối với Hà Nội, đô thị mới kéo theo một lớp người mới. Người trong nội đô ra cũng có. Nhưng số người ngoại tỉnh về thường đông hơn. Phần nhiều là những cặp vợ chồng trẻ. Người làng, dù đã lên phố, nhưng cách cư xử vẫn ít nhiều giữ “nếp làng”. Những cặp vợ chồng trẻ ở khu đô thị đại diện cho một lối sống mới, ít nhiều Tây hóa. Thành ra khác biệt về cung cách sống. Bên mới, đôi khi cho bên cũ là “cổ hủ”, cho dù họ cũng xuất thân từ làng quê. Cư dân trẻ chi tiêu mạnh tay hơn, cho dù không phải ai cũng giàu. Cư dân trẻ, nên trình độ học vấn cũng cao hơn. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những va chạm về văn hóa.

Sống cạnh nhau, cư dân đôi bên không thể tránh tương tác. Đầu tiên là việc đi chợ. Cư dân khu đô thị, khu chung cư mới phần đông phải đến những chợ dân sinh của làng cũ. Ở nhiều nơi, giá cả chợ búa, dịch vụ tăng lên đáng kể khi có thêm khách hàng. Ít nhiều, cuộc sống ở những ngôi làng cổ bị đảo lộn. Người ta tương tác với nhau trong sự thận trọng.

“Mỏ neo”văn hóa

Kinh tế phát triển nhưng nhiều kết cấu văn hóa tưởng chừng bền vững đang có nguy cơ phai nhạt, lơi lỏng. Trước nguy cơ đó, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và mới đây, Hội nghị văn hóa toàn quốc thêm một lần xác định, nền văn hóa Việt Nam phải đứng vững trên “đôi chân” vừa tiên tiến-hiện đại, vừa đậm đà bản sắc, kế thừa truyền thống. Sự biến đổi văn hóa cổ truyền trong xã hội hiện đại với sự thay đổi sâu sắc các nền tảng là một tất yếu. Nhưng những giá trị di sản ông cha phải được con cháu trân trọng, gìn giữ, phát huy thành sức mạnh nội sinh.

Cuộc sống ở khu chung cư, khu đô thị mới khá điển hình cho lối sống đô thị. Người ta không bị ràng buộc bởi “lệ làng”. Tự do cá nhân được tôn trọng hơn. Sự tương tác giữa các hộ gia đình với hàng xóm, ngay cả khi chung tầng chung cư, cũng ít hơn so với mối quan hệ hàng xóm ở làng xã. Hạn chế trong tương tác giữa hai cộng đồng dân cư là điều dễ hiểu. Nhưng cuộc sống không bao giờ chỉ là những cơn gió một chiều. Luôn có những nhân tố “kéo” người dân ở hai vùng cũ - mới gần nhau hơn. Cụ thể, “mỏ neo” níu kéo ấy là văn hóa.

Đô thị mới bên những ngôi làng cổ, làng cũ là một chu trình vẫn đang tiếp diễn. Cái cũ và cái mới luôn có độ “vênh”. Nhưng, văn hóa có sức mạnh tác động để giảm sự khác biệt, tăng tính kết nối giữa hai cộng đồng.

Ví dụ, nhu cầu văn hóa tâm linh luôn hiện hữu ở mọi nơi. Sống ở đâu, cũng phải thờ thần, thờ Phật. Trong khi đó, các khu đô thị mới, chung cư mới hầu như không xây dựng đình, đền mới. Vì nhu cầu tâm linh, người ta tìm đến những ngôi đình, ngôi chùa gần nhất. Lễ hội, ngày rằm, mồng một ở đình làng, chùa làng có những “vị khách” mới. Những vị khách này đặc biệt, bởi không thuộc về cộng đồng đó, nhưng không giống khách du lịch vãng lai, người ta chọn những ngôi đình, ngôi chùa này là nơi gửi gắm tâm linh. Trước ban thờ Phật, thờ thánh nhất là vào ngày hội làng, ngày lễ của nhà Phật, người cũ - người mới như được xóa mờ khoảng cách.

Không những thế, làng cũ và khu đô thị mới thường vẫn chung một phường. Trẻ con học chung trường, chung lớp, tạo nên một sự tương tác khác giữa những con người xa lạ. Còn nữa, là những ngày lễ kỷ niệm, những hoạt động cộng đồng khác của các khu dân cư, hay liên khu dân cư. Nhất là các dịp như Tết thiếu nhi hay Rằm tháng Tám - dịp người ta quên đi cái tôi của người lớn để đem lại niềm vui cho con trẻ...

Làng xưa phố mới – giải pháp phát huy trầm tích văn hóa ngàn năm

Để nhân lên mối liên kết đó, làm sâu đậm và phát huy các giá trị của làng xưa, chính quyền cần là chủ thể định hướng và tổ chức trong việc phát huy niềm tự hào và trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống song song với xây dựng nông thôn tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh loại bỏ hủ tục lạc hậu trong lối sống, văn hóa hằng ngày, cần phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân văn trong đời sống, các phong tục, tập quán có từ xa xưa. Chính quyền cơ sở cần quan tâm phát huy mặt tích cực của văn hóa dòng họ trong công tác vận động xã hội, nhất là phong trào khuyến học, bảo đảm trật tự trị an và đẩy lùi tệ nạn.

Các cuộc vận động lớn về xây dựng đời sống văn hóa nói chung và làng văn hóa nói riêng đã tạo nên động lực, góp phần xây dựng nông thôn mới hiện đại.

Các cuộc vận động lớn về xây dựng đời sống văn hóa nói chung và làng văn hóa nói riêng đã tạo nên động lực, góp phần xây dựng nông thôn mới hiện đại. Chúng ta tiếp tục các cuộc vận động nhưng cần đi vào chiều sâu và thực chất, tránh mang tính hình thức. Làng văn hóa phải là làng đạt đủ các tiêu chí, mà trong đó, người dân là chủ thể sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa; tình làng nghĩa xóm được thắt chặt; nhân cách và lối sống đẹp được phát huy. Làng văn hóa cũng góp phần ổn định chính trị, kinh tế phát triển, đời sống, dân trí nâng cao, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu và tệ nạn xã hội. Việc công nhận gia đình văn hóa cũng vậy, những gia đình được tôn vinh phải là những gương sáng, có sức lan tỏa điều tốt ra cộng đồng. Làm sao để làng Việt hiện đại phải là một môi trường dân chủ, văn hóa, an toàn, lành mạnh và tiến bộ.

Làng xưa phố mới – giải pháp phát huy trầm tích văn hóa ngàn năm

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nông thôn ngày càng diễn ra mạnh mẽ, kéo theo những biến động văn hóa ở khu vực này. Trong xu hướng tương lai, sự vận động và biến đổi ngày càng phức tạp hơn đòi hỏi chúng ta nhận thức sâu sắc rằng gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu của văn hóa làng vốn đã được các thế hệ người Việt thanh lọc qua thăng trầm thời gian, chính là giữ hồn cốt của người Việt, của tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam.

Văn hóa là bản sắc, là biểu tượng nhận diện, văn hóa cũng là kháng thể để người Việt vững vàng trước mọi biến động và thử thách của thời cuộc. Bởi vậy, cần phải có sự định hướng rõ ràng, hệ thống chính sách phải đi vào thực tiễn cuộc sống, can thiệp phù hợp, kịp thời và hiệu quả. Những chương trình, dự án cụ thể về lĩnh vực này được triển khai nhiều hơn, quy mô hơn nhằm phát huy những ảnh hưởng, xu hướng biến đổi tích cực; đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực, những mặt trái đang xâm thực, bào mòn hệ giá trị văn hóa cổ truyền của nông thôn Việt Nam.

Thế nhưng, đằng sau sự mới mẻ đó, những xưa cũ vẫn còn và không bị trôi mất theo thời gian và tốc độ đô thị hóa. Đâu đó, màu vàng của vôi ve, mái nhà cũ, vết tróc lở của những bức tường…, đến kiến trúc họa tiết xưa vẫn còn, vẫn hiện hữu cùng ký ức về làng xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, gắn bó thương yêu của bao thế hệ người Hà Nội.

Làng xưa phố mới – giải pháp phát huy trầm tích văn hóa ngàn năm

Vũ Cường

Đồ họa: Hoài Sơn, Tâm La

Vũ Cường