Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu khi mà khoa học, công nghệ ngày càng phát triển. Chỉ cần một cú click chuột hay một cú chạm trên điện thoại, chỉ cần ngồi ở nhà chúng ta cũng dễ dàng đặt mua bất cứ thứ gì mình muốn mà không cần tốn công đi mua sắm.
Với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chắc chắn Hà Nội cũng không thể bỏ lỡ cơ hội này. Đến các làng nghề ở Hà Nội giờ đây, chúng ta không chỉ được tham quan, mua sắm, trải nghiệm các sản phẩm mà hoàn toàn có cơ hội chứng kiến và học hỏi những người nghệ nhân, người dân ở các làng nghề bán hàng qua nền tảng số.
Chuyển đổi số ở làng nghề Bát Tràng
Trước đòi hỏi của thị trường trong thời đại công nghệ số, những làng nghề ở Hà Nội đã có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ để bắt kịp nhu cầu của người tiêu dùng. Bát Tràng đã trở thành làng nghề điển hình nhờ ứng dụng công nghệ, mang hình ảnh làng quê này đi xa hơn.
Bát Tràng là làng gốm truyền thống có tuổi đời gần 700 năm. Khu làng cổ Bát Tràng rộng 5,2ha có hàng trăm năm tuổi với 23 nhà cổ, 16 nhà thờ họ được xây dựng bằng gạch Bát Tràng cổ. Nơi đây cũng được biết đến là vùng địa linh, có 9 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc có giá trị như: Chùa Tiêu Giao, đình Giang Cao, miếu Bản, đình Bát Tràng, đền Mẫu, chùa Kim Trúc, văn chỉ Bát Tràng.
Hiện nay, xã Bát Tràng có hơn 11 thôn với trên 8.500 nhân khẩu và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ; có hệ thống cửa hàng, cửa hiệu dọc theo tuyến đường từ làng Giang Cao đến làng Bát Tràng giới thiệu và bán các sản phẩm gốm sứ đẹp, phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách tham quan, mua sắm; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương.
Bắt kịp thương mại điện tử, làng nghề Bát Tràng những năm gần đây có đã có những bước tiến xa. Theo nghệ nhân Phùng Văn Hoàn, trước kia khi chưa có sự phát triển của công nghệ, những sản phẩm của làng Bát Tràng làm ra chỉ có thể để ở nhà. Nhưng hiện nay, cả một làng nghề sản xuất với tốc độ rất cao, nếu người làm nghề không quảng bá, không tiếp cận với những kênh thông tin điện tử để đến với người tiêu dùng thì đó là thiệt thòi.
Đáng nói là, nhiều hộ kinh doanh tại đây đã tiếp cận và ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) nên doanh số bán hàng tăng cao. Anh Trần Dương Quý, một hộ kinh doanh sản phẩm gốm trên các kênh TMĐT cho biết, sau 4 năm kinh doanh online, chỉ tính riêng trên kênh Facebook sản phẩm gốm sứ Bát Tràng đã tiếp cận được 8 triệu người tiêu dùng. TMĐT đưa thương hiệu của Bát Tràng đi xa hơn. Rất nhiều đơn vị bán buôn ở các tỉnh khác biết đến dòng sản phẩm mới của Bát Tràng thông qua website và mạng xã hội Facebook.
Có thể nói, “cơn sốt” TMĐT đã thực sự thức tỉnh những người làm nghề ở làng gốm Bát Tràng, giúp bảo lưu giá trị cũ của làng nghề, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thay đổi tư duy sản xuất của các hộ dân truyền thống.
Điểm đặc biệt hơn, đó là cả cộng đồng làng nghề đã thực sự đồng lòng, “vào cuộc” để quảng bá làng nghề trên môi trường số. Mới đây, Hệ thống AR/VR làng gốm Bát Tràng ra mắt, góp phần quan trọng trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại của làng nghề truyền thống gần 1.000 năm tuổi.
Cụ thể, Hệ thống AR/VR làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/ vừa mới ra mắt với sự ủng hộ của các hộ dân trong làng. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR làng gốm Bát Tràng” do Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt, Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành Giám sát hiện trường - Trường ĐHCN - ĐHQGHN (Trung tâm FIMO), Ban đại diện làng gốm Bát Tràng, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, Trung tâm Khuyến công 1 - Bộ Công thương thực hiện.
Dự án được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023 với 21 nhân sự tham gia, bao gồm các chuyên gia lên ý tưởng, phân tích thiết kế, kỹ sư phát triển hệ thống, kỹ thuật viên thu thập và số hóa dữ liệu.
Theo định hướng của Chương trình số hóa di sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 và Chương trình Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bước đầu, Hệ thống AR/VR làng gốm Bát Tràng xây dựng mô hình AR/VR cho các địa điểm bao gồm các di tích lịch sử, nhà thờ các dòng họ, các điểm tham quan như Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt, con đường gốm, chùa Kim Trúc, đền Mẫu, đình làng Bát Tràng và Văn chỉ. Hệ thống cũng xây dựng mô hình AR/VR cho nhà thờ của 13 dòng họ trên tổng số 19 dòng họ của làng nghề truyền thống Bát Tràng. Các địa điểm tham quan thu hút nhiều khách du lịch cũng được số hóa như Nhà ký ức con đường lửa, nhà cổ Bát Tràng….
Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, cho biết, làng gốm Bát Tràng đang trong quá trình xây dựng Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng. Hệ thống AR/VR làng gốm Bát Tràng là một trong những hợp phần quan trọng. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá làng nghề trong thời công nghệ số hiện nay.
Bà Hà Thị Vinh chia sẻ, thực tế việc triển khai chuyển đổi số đang tạo ra những thay đổi cụ thể cho du lịch làng nghề Bát Tràng. Bên cạnh đó, Bát Tràng cũng được biết đến là một trong những làng nghề đầu tiên trên địa bàn Hà Nội ứng dụng công nghệ số để phát triển "du lịch thông minh".
Đến nay, UBND xã cũng đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ, thương mại Bát Tràng dưới dạng phim 3D, băng âm thanh, hình ảnh, văn bản; phần mềm du lịch thông minh ứng dụng trên thiết bị thông minh; lắp đặt wifi miễn phí...
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công 1 – Bộ Công thương chia sẻ thêm, Hệ thống AR/VR làng gốm Bát Tràng ra đời trong khuôn khổ những định hướng của nhà nước trong khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam và chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2023. Thời gian tới, các bên tham gia dự án sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch và xúc tiến thương mại trên nền tảng hệ thống AR/VR làng gốm Bát Tràng.
Nhờ những nỗ lực nói trên, mỗi năm, Bát Tràng đón trên 20 vạn lượt khách nội địa và quốc tế, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 20%. Với sự tích cực chuyển đổi số của người dân, con số khách du lịch đến làng nghề này chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Thương mại điện tử đưa làng nghề đi xa hơn
Làng lụa Vạn Phúc gần đây, ngoài phục vụ khách hàng trực tiếp tham quan thì chính các hộ dân ở đây cũng đã đầu tư hệ thống livestream. Hộ đơn giản thì một chiếc điện thoại, một chiếc đèn livestream. Hộ hiện đại hơn thì đầu tư cả một trang web, một trang Fanpage và có nhân viên trực page online… Tất nhiên, quá trình này không hề dễ dàng. Để chuyển đổi hình thức kinh doanh trong thời buổi này, chắc chắn phải đầu tư hạ tầng. Chi phí đầu tư có lẽ không rẻ nhưng hiệu quả là thấy rõ.
Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết: "So với trước đây làng nghề chỉ kinh doanh truyền thống, thì hiện nay, kết hợp kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử đã mang lại sức sống mới với nhiều lợi nhuận cho người dân hơn; đồng thời cũng quảng bá được sản phẩm của làng nghề đến nhiều hơn các khách hàng trong nước và nước ngoài".
Ông Nguyễn Văn Dậu, thôn Chính Vân (xã Vân Từ), chủ cơ sở may comple ở Phú Xuyên cho biết: "Việc mở kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội được giới trẻ của làng nghề sử dụng phổ biến, đem lại giá trị cao. Hiện sản lượng bán hàng thông qua mạng xã hội và thương mại điện tử bắt đầu tăng, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm của làng nghề".
Sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản phẩm làng nghề khó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và khó tới các tỉnh, thành phố như trước; việc vận chuyển nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng gặp nhiều khó khăn. Chính trong hoàn cảnh đó, để sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy, nhiều hộ gia đình ở các làng nghề đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Nhờ "lối ra" này, các sản phẩm từ các làng nghề xuất bán ra thị trường khá đều.
Quá trình chuyển đổi số khi đó được nhiều tờ báo và các nhà phân tích cho rằng chỉ diễn ra tại số ít làng nghề và dừng lại ở việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối online; số cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử trong kinh doanh còn khiêm tốn. Nguyên nhân cơ bản do đa số hộ sản xuất ở các làng nghề là nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chưa cao, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất...
Bây giờ thì đã khác. Sau luỹ tre làng, sản phẩm của hầu hết các làng nghề đã cất cánh. Nhưng làm thế nào để đạt được hiệu quả bền vững thì vẫn cần phải nghiên cứu kỹ.
Nổi tiếng với nghề tạc tượng và chế tác đồ thờ, làng nghề Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) hội tụ nhiều thợ trẻ tay nghề cao, nhanh nhạy trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cũng như quảng bá, xúc tiến thương mại. Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng Nguyễn Viết Hùng cho hay, trên địa bàn hiện có khoảng 700 hộ làm nghề; mỗi năm, sản phẩm làng nghề Sơn Đồng mang lại nguồn thu hơn 2.850 tỷ đồng. Xã không còn hộ nghèo và đã hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022.
Với nghề may comple nổi tiếng, ông Nguyễn Văn Dậu, thôn Chính Vân (xã Vân Từ) chia sẻ, thời gian gần đây, đi đôi với đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất, nhiều hộ trong làng nghề linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Những hình ảnh, video về quá trình may đo, tạo dựng... được người dân tích cực giới thiệu, quảng bá trên Facebook, Zalo, thu hút đông đảo khách hàng.
Đặc biệt, ông Dậu cho biết, việc mở kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội được giới trẻ của làng nghề sử dụng phổ biến, đem lại giá trị cao. Hiện, sản lượng bán hàng thông qua mạng xã hội và thương mại điện tử bắt đầu tăng, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm của làng nghề.
Không đứng ngoài "cuộc chiến" cải tiến sản xuất, phát triển thị trường, làng nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín) cũng đang tích cực đổi mới hình thức, phương thức bán hàng, đặc biệt là áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số từ quản lý điều hành đến hoạt động sản xuất và bán hàng. Đi đôi với đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất, nhiều hộ trong làng nghề linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Những hình ảnh, video về quá trình sản xuất sản phẩm được người dân tích cực giới thiệu, quảng bá trên Facebook, Zalo, thu hút đông đảo khách hàng. Đặc biệt, việc mở kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội được giới trẻ của làng nghề sử dụng phổ biến, đem lại giá trị cao.
Nỗ lực đưa công nghệ đến với làng nghề
Chuyển mình là sự thay đổi với những thay đổi tốt, tích cực. Trong thời buổi “của khôn người khó”, đưa hàng Việt nói chung và hàng từ các làng nghề truyền thống đến với người tiêu dùng chưa bao giờ là dễ dàng. Vì vậy phải có sự tham gia, phối hợp từ nhiều phía.
Bà Cao Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Đào tạo Phát triển Làng nghề cho rằng: “Cần có các hình thức phổ biến cho các nghệ nhân, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hiểu về bán hàng online, biết các kỹ năng cần thiết. Nếu các nghệ nhân, cơ sở không tự thực hiện được thì nên có các hình thức trợ giúp cụ thể, hoặc mở địa chỉ bán hàng online chung cho nhiều nghệ nhân, cơ sở cùng tham gia”.
"Về phía người dân tại các làng nghề, cần xác định thị trường mục tiêu cho sản phẩm, tốt nhất là phát triển thị trường ngách. Để tìm được thị trường ngách, người dân làng nghề có thể sử dụng một số công cụ như: tra cứu về xu hướng trên google, tham gia các nhóm truyền thông xã hội và cộng đồng trực tuyến liên quan đến thị trường, kiểm tra sự cạnh tranh của sản phẩm", bà Cao Bích Thủy nói thêm.
Còn theo TS. Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, để ứng dụng thương mại điện tử thực sự hiệu quả, các làng nghề cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh; chủ động khai thác thông tin mở rộng thị trường, nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề...
Để hỗ trợ các làng nghề thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, trong những năm vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND TP. Hà Nội ban hành và triển khai thực hiện nhiều Đề án, Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn như: Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2019-2025; Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch "Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025".
Cùng đó, Hà Nội triển khai nhiều chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo như: Hỗ trợ chữ ký số, hoá đơn điện tử cho các doanh nghiệp thành lập mới; tổ chức các khoá đào tạo…
Tuy nhiên, hiện nay quá trình chuyển đổi số chỉ diễn ra tại số ít làng nghề và dừng lại ở việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối online. Số cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử trong kinh doanh còn khiêm tốn.
Nguyên nhân cơ bản do đa số hộ sản xuất trong làng nghề là nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chưa cao, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất...
Nhận thức rõ rằng chuyển đổi số là xu thế tất yếu, các làng nghề trên địa bàn Thành phố chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong sản xuất và đặc biệt là khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua mạng xã hội, xây dựng website, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đối với thành phố Hà Nội, nhận thức rõ giá trị của làng nghề và làng nghề truyền thống, năm 2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, trong đó khẳng định ưu tiên phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống. UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; đồng thời ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô.
Phát biểu tại Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam, diễn ra ở Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP của quốc gia tại Thủ đô gắn với du lịch văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa. Đồng thời, Hà Nội cũng phát triển 9 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện và thị xã.
Bài: Hoài Sơn
Đồ họa: Vũ Cường