Hai bệnh viện gần 10.000 tỷ chậm tiến độ, gây lãng phí: Bộ Y tế nói gì?
Hai bệnh viện chậm tiến độ gây lãng phí: Bao giờ đi vào hoạt động? |
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Loan vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam trả lời cử tri về giải pháp sớm đưa dự án Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam đi vào hoạt động, để giảm tải lượng bệnh nhân tuyến Trung ương, và thuận tiện cho việc khám chữa bệnh của Nhân dân các tỉnh lân cận.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014 với mục tiêu thành các bệnh viện tuyến Trung ương đạt tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ, cơ chế quản lý điều hành tiên tiến, có trình độ khám chữa bệnh ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương và giảm tình trạng người dân phải đi ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Theo quyết định đầu tư được Bộ Y tế phê duyệt năm 2014, mỗi dự án có quy mô đầu tư 1.000 giường bệnh, tổng mức đầu tư mỗi dự án khoảng 4.990 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là 4.500 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn khác. Các dự án được khởi công xây dựng từ năm 2015, tiến độ hoàn thành theo quy định là năm 2020 và được gia hạn đến năm 2024.
Cùng khởi công từ cuối năm 2014, sau 10 năm, cả 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại TP Phủ Lý (Hà Nam) vẫn chưa thể đi vào hoạt động do còn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục, quy định, chưa thể giải quyết, trong khi những hạng mục xây dựng xong đã dần xuống cấp. Hai dự án được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ví dụ điển hình về sự lãng phí. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu trong nửa năm tới Bộ Y tế phải hoàn thiện, bàn giao, đưa vào sử dụng. |
Đến nay, các nhà thầu đã hoàn thành trên 90% phần thi công phần hạ tầng, kiến trúc. Dự án được chia thành các gói thầu EPC (thiết kế, thi công, cung cấp, lắp đặt thiết bị); áp dụng loại hợp đồng được điều chỉnh giá. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, dự án đã gặp khó khăn, vướng mắc trong việc điều chỉnh giá hợp đồng, dẫn đến nhà thầu dừng thi công từ tháng 12/2020 đến nay.
Nêu lý do chậm tiến độ, Bộ Y tế cho hay, đây là các dự án lớn của ngành y tế, lần đầu áp dụng hình thức EPC. Vì vậy, Bộ Y tế, chủ đầu tư và nhà thầu chưa lường hết được các khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án theo hình thức này.
Bên cạnh đó, năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế; chưa hiểu rõ tầm quan trọng của pháp luật hợp đồng và chưa có kinh nghiệm quản lý hợp đồng EPC.
Từ năm 2019 đến năm 2022, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong đó có thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam phải thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư công.
Trong thời gian này, Bộ Y tế phải tập trung toàn bộ lực lượng cho công tác phòng chống dịch nên không thể tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh của các dự án.
Ngoài ra, các vướng mắc trong việc điều chỉnh giá hợp đồng dẫn đến chủ đầu tư không thể thanh toán khối lượng hoàn thành cho nhà thầu gồm: trong quá trình thi công phải điều chỉnh thiết kế để bổ sung một số khoa phòng, thay đổi một số chức năng, kết cấu theo đề nghị của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cho phù hợp với yêu cầu chuyên môn.
Hợp đồng ký ban đầu chưa quy định rõ về nguyên tắc, phương pháp và phạm vi điều chỉnh giá hợp đồng nên khi điều chỉnh thiết kế thì không có đủ cơ sở để điều chỉnh giá hợp đồng.
Từ năm 2018 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã tích cực chủ động tìm các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án.
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập tổ công tác liên ngành do bộ trưởng Bộ Y tế là tổ trưởng; lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp, Tài chính là thành viên.
Hiện Bộ Y tế và tổ công tác đã nỗ lực rà soát, nghiên cứu, đề xuất phương án nhằm xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc của các dự án này và đã hoàn thiện phương án xử lý để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Từ đầu tháng 11/2024, nhà thầu bắt đầu triển khai thi công trở lại sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận phương án xử lý.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết sẽ quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu khẩn trương tập trung tối đa nguồn lực để triển khai thi công, bảo đảm hoàn thành xây dựng các dự án trong năm 2025.
Ngày 8/1, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2024; khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ nêu trên. Thời hạn thanh tra là 40 ngày làm việc kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra. Đoàn thanh tra gồm 11 thành viên do ông Ngô Đình Long, Phó Vụ trưởng, Vụ III, Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn. Tổng Thanh tra Chính phủ giao Vụ trưởng Vụ III, giúp Tổng Thanh tra theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, quyền hạn quy định; xử lý hoặc trình Tổng Thanh Chính phủ xử lý theo thẩm quyền các kiến nghị của Đoàn thanh tra. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh, đây là cuộc thanh tra có tính chất đặc biệt quan trọng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội rất quan tâm. Mục đích của cuộc thanh tra là đánh giá việc chấp hành pháp luật trong triển khai thực hiện 2 dự án; phát hiện những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm (nếu có); xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan; phát hiện những bất cập, sơ hở của pháp luật; qua đó có biện pháp chấn chỉnh, xử lý và đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách. Với tính chất đặc biệt quan trọng, yêu cầu cao về công việc và cấp bách về tiến độ; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường đề nghị Bộ Y tế, chủ đầu tư 2 dự án (Ban quản lý Dự án trọng điểm Bộ Y tế) và các tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ với đoàn thanh tra; phân công bố trí người biết rõ việc để làm việc với đoàn thanh tra. Trong quá trình làm việc cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, đặc biệt là chủ động trao đổi với Đoàn thanh tra về các nội dung có liên quan để làm rõ vấn đề và việc chủ động này là trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan. Về hồ sơ tài liệu, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Cường đề nghị ngay từ thời điểm này chủ động tập hợp, sắp xếp khoa học, có danh mục cụ thể toàn bộ hồ sơ tài liệu, sẵn sàng cung cấp cho đoàn thanh tra khi có yêu cầu. Việc cung cấp hồ sơ tài liệu không được chậm trễ. Ngoài các hồ sơ tài liệu đoàn yêu cầu, cần chủ động cung cấp thêm các hồ sơ, tài liệu cần thiết để giúp làm sáng tỏ vấn đề, nội dung được thanh tra. Đối với Đoàn thanh tra phải nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, quy định của Tổng Thanh tra Chính phủ khi tiến hành hoạt động thanh tra trực tiếp. Trưởng đoàn thanh tra, cần phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra và phân công cho các thành viên rõ người, rõ việc, rõ yêu cầu, rõ sản phẩm; xác định chính xác trọng tâm, trọng điểm các nội dung kiểm tra xác minh. Thành viên đoàn thanh tra chấp hành nghiêm sự phân công của Trưởng đoàn, phát huy tinh thần trách nhiệm, tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ; phương pháp làm việc phải khoa học, đúng pháp luật, làm đâu gọn đấy, đảm bảo kết quả, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra. |