Thanh niên dẫn dắt chuyển đổi số để phát huy nghề truyền thống

Tại Đại hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024-2029, các đại biểu trẻ từ nhiều địa phương đã có dịp chia sẻ và thảo luận về những phương pháp sáng tạo nhằm quảng bá và bảo tồn làng nghề truyền thống. Những ý kiến này không chỉ thể hiện sự nhiệt huyết của thanh niên mà còn nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc lan tỏa giá trị văn hóa địa phương. Từ Nam Từ Liêm, Thạch Thất đến nhiều huyện khác, thanh niên đã và đang dẫn dắt các hoạt động quảng bá thông qua các nền tảng số, mở ra hướng đi mới cho các làng nghề truyền thống.
Người trẻ và sứ mệnh ứng dụng chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo Hút khách du lịch Hà Nội bằng sản phẩm làng nghề truyền thống Nghệ nhân trẻ nỗ lực gìn giữ nét đẹp mộc bản Thanh Liễu

Quảng bá làng nghề qua chuyển đổi số

Bí thư Quận đoàn Nam Từ Liêm Lê Đức Thọ cho biết, phong trào thanh niên tại quận đã và đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong việc quảng bá thương hiệu cốm Mễ Trì – một sản phẩm truyền thống đặc trưng của địa phương.

Anh Thọ chia sẻ, đoàn viên, thanh niên đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng và sáng tạo ra nhiều phương thức mới để đưa thương hiệu cốm lâu đời này đến gần hơn với người tiêu dùng trẻ tuổi trên khắp cả nước.

Thanh niên dẫn dắt chuyển đổi số để phát huy nghề truyền thống
Đoàn thanh niên Quận Đoàn Nam Từ Liêm

“Những năm gần đây, phong trào thanh niên trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đã phát triển rõ rệt. Các đoàn viên đã thể hiện sự sáng tạo và khả năng "dám thử, dám làm" trong việc quảng bá sản vật địa phương. Việc bắt trend về mùa thu Hà Nội, đặc biệt là quảng bá cốm Mễ Trì, đã giúp thương hiệu này được quan tâm không chỉ tại Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Màu áo xanh của các đoàn viên, thanh niên xuất hiện bên những sản vật địa phương như một lời bảo chứng về chất lượng sản phẩm,” anh Thọ nhấn mạnh.

Thanh niên dẫn dắt chuyển đổi số để phát huy nghề truyền thống
Cốm Mễ Trì nhận được sự yêu thích của cộng đồng bạn trẻ

Ngoài ra, hợp tác xã (HTX) làng nghề cốm Mễ Trì đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương, nhất là trong công tác an toàn thực phẩm (ATTP).

HTX tổ chức các lớp học tập huấn về ATTP vào thứ Sáu cuối cùng mỗi tháng, giúp nâng cao nhận thức và đảm bảo quy trình sản xuất an toàn cho các công nhân. Các khâu từ chọn giống, vùng nguyên liệu đến quá trình sản xuất đều được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, HTX còn áp dụng công nghệ chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm.

Bí thư Huyện đoàn Thạch Thất, Phùng Thị Huyền, cũng chia sẻ về những đóng góp của thanh niên trong việc quảng bá làng nghề truyền thống tại huyện Thạch Thất. Theo chị Huyền, phong trào thanh niên tại địa phương không chỉ tập trung vào việc bảo tồn làng nghề mà còn đổi mới hình thức quảng bá thông qua công nghệ số.

Thanh niên dẫn dắt chuyển đổi số để phát huy nghề truyền thống
Bí thư Huyện đoàn Thạch Thất Phùng Thị Huyền (đứng giữa) cùng các đoàn viên thanh niên tại gian hàng trưng bày sản phẩm địa phương của huyện
Thanh niên dẫn dắt chuyển đổi số để phát huy nghề truyền thống
Chuồn chuồn tre và quạt truyền thống đầy màu sắc là một trong các điểm nhấn văn hóa đặc sắc của huyện Thạch Thất

“Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi huyện Thạch Thất luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện từ cấp ủy và chính quyền địa phương. Bám sát sự chỉ đạo của Thành đoàn Hà Nội, chúng tôi đã triển khai nhiều phong trào cách mạng của Đoàn, đặc biệt là các hoạt động quảng bá giá trị làng nghề truyền thống như tổ chức Phiên chợ điện tử giới thiệu sản phẩm OCOP, tập huấn hướng nghiệp cho thanh niên, chủ doanh nghiệp trẻ, và đăng tải các sản phẩm làng nghề trên mạng xã hội,” chị Huyền chia sẻ.

Phong trào thanh niên tại huyện Thạch Thất không chỉ được đổi mới về hình thức mà còn ngày càng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và xu hướng xã hội hiện nay. Điều này giúp nâng cao vai trò của thanh niên trong việc lan tỏa giá trị truyền thống, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội của huyện.

Sáng tạo trong truyền thông

Á hậu Phương Nga và diễn viên Bình An, hai nghệ sĩ trẻ tiêu biểu tham gia Đại hội, đã có những chia sẻ sâu sắc về vai trò của thanh niên trong việc sáng tạo và cải tiến các sản phẩm làng nghề truyền thống. Theo Phương Nga, việc các bạn trẻ tham gia vào quá trình cải tiến bao bì và phương thức tiếp cận thị trường đã giúp sản phẩm truyền thống trở nên hấp dẫn và tiện lợi hơn.

“Đến với các gian hàng trong Đại hội, một gói cốm Mễ Trì đơn giản cũng đã được nâng cấp bao bì trở nên gọn nhẹ, tiện lợi hơn mà không hẳn phải dùng lá sen. Hay những chiếc quạt Chàng Sơn đã được trang trí bằng các thiết kế hiện đại, gợi lên lòng yêu nước và quảng bá văn hóa Việt Nam. Thanh niên đang đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sản phẩm quê hương ra thế giới,” Phương Nga chia sẻ.

Thanh niên dẫn dắt chuyển đổi số để bảo tồn làng nghề truyền thống
Hai vợ chồng Phương Nga - Bình An là cặp đôi nghệ sĩ trẻ luôn tích cực trong công tác thanh niên và cộng đồng

Bình An, chàng diễn viên trẻ luôn nhiệt huyết với phong trào thanh niên cho rằng: "Thanh niên cần tận dụng sức trẻ và khả năng sáng tạo để giúp làng nghề phát triển hơn nữa. Anh nhận định rằng sự kết hợp giữa chất lượng sản phẩm và công nghệ số sẽ là yếu tố quyết định để các sản vật truyền thống chinh phục thị trường quốc tế".

“Sản phẩm tốt kết hợp với công nghệ mới và sự sáng tạo trong công tác truyền thông sẽ là những yếu tố hoàn hảo giúp sản vật địa phương đến với người tiêu dùng. Thanh niên với sức sáng tạo không ngại thử thách sẽ mở ra những cơ hội mới cho thương hiệu quê hương,” Bình An chia sẻ.

Sức trẻ và công nghệ số giúp làng nghề vươn xa

Các đoàn viên trẻ tham dự Đại hội cũng đã chia sẻ về những trải nghiệm của mình trong việc quảng bá các sản phẩm làng nghề truyền thống qua các kênh truyền thông số. Nguyễn Minh Chiến, Đoàn viên chi hội Thanh niên vận động hiến máu 15/10, rất ấn tượng với sản phẩm quạt Chàng Sơn, nơi từng nan quạt được vót và đan tỉ mỉ bằng tay.

“Mình rất ấn tượng với sản phẩm quạt Chàng Sơn, từng nan quạt được vót tỉ mỉ, đặt tâm huyết vào từng sản phẩm. Sự tận tâm của người thợ đã giúp sản phẩm này chiếm được tình cảm của người tiêu dùng,” Chiến chia sẻ.

Thanh niên dẫn dắt chuyển đổi số để bảo tồn làng nghề truyền thống
Các bạn trẻ Đoàn viên chi hội Thanh niên vận động hiến máu 15/10 tham dự tại sự kiện

Cao Hải An, một đoàn viên khác, đã bày tỏ niềm vui khi thấy sản phẩm bánh sữa Ba Vì ngày càng được cải tiến về mẫu mã và chất lượng. Nhờ vào sự phát triển của công nghệ và sự đổi mới trong cách tiếp cận thị trường, sản phẩm này đã đạt được sự tin tưởng từ người tiêu dùng.

“Chứng kiến những chiếc bánh sữa được ‘thay áo mới’ khiến mình rất vui. Các nhà sản xuất tại Ba Vì đã không ngừng cải tiến để đáp ứng nhu cầu thị trường,” An chia sẻ.

Nguyễn Diệp Chi, đoàn viên Chi hội Thanh niên vận động hiến máu, cũng nhấn mạnh vai trò của công nghệ số trong việc giúp các sản phẩm làng nghề đến gần hơn với người tiêu dùng. Cô cho biết, nhờ vào các sàn thương mại điện tử và các phiên livestream, việc mua các sản phẩm truyền thống đã trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.

Thanh niên dẫn dắt chuyển đổi số để bảo tồn làng nghề truyền thống
Quảng bá sản phẩm làng nghề đến với bạn trẻ

“Mình có thể dễ dàng mua các sản phẩm từ làng nghề qua các sàn thương mại điện tử và các phiên livestream do Đoàn Thanh niên địa phương tổ chức. Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn giúp sản phẩm tiếp cận rộng rãi hơn đến người tiêu dùng,” Nguyễn Diệp Chi cho biết.

Những chia sẻ từ các Bí thư Đoàn, các nghệ sĩ trẻ và các Đoàn viên tại Đại hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thanh niên trong việc quảng bá và bảo tồn làng nghề truyền thống. Với sự kết hợp giữa sáng tạo, công nghệ và nhiệt huyết, thanh niên đang đóng góp không nhỏ trong việc phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương, đồng thời giúp các sản phẩm làng nghề truyền thống tiếp cận đến thị trường rộng lớn hơn, không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Thanh niên tích cực chuyển đổi số chắc chắn sẽ mở ra tương lai mới cho các làng nghề Việt Nam.

Tùng Linh
Phiên bản di động