Pháp luật không dung túng việc con dâu "khai tử" bố mẹ chồng, độc chiếm nhà, đất
Cụ Đỗ Văn Hợp và vợ là cụ Nguyễn Thị An (đều 89 tuổi) sinh sống tại số 60 ngõ 399 đường Âu Cơ (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) bức xúc vì bị con dâu “khai tử” để chiếm đoạt tài sản thừa kế,... Theo cụ Hợp, năm 1998, cụ chia 185 m2 đất tại phường Nhật Tân cho con trai cả là Đỗ Mạnh Tiến để làm nhà tại thửa số 70+70A tờ bản đồ số 19 thuộc tổ 7 cụm 1 phường Nhật Tân (số mới 62A, ngõ 399 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ).
Sơ đồ thửa đất 70 + 70A |
Tuy nhiên, chủ sở hữu là cụ Hợp chưa làm thủ tục chính thức tặng, cho hay thừa kế. Năm 2005, ông Tiến qua đời. Vợ ông Tiến là bà Vũ Thị Viễn và hai con gái tiếp tục sống cùng bố mẹ chồng trong căn nhà 3 tầng.
Sáu tháng sau khi chồng chết, ngày 4/7/2005, bà Viễn ra phòng công chứng làm thủ tục khai nhận di sản cho bà Viễn và hai con gái, trong đó có nội dung "cha mẹ đẻ của ông Đỗ Mạnh Tiến đã chết".
Vợ chồng cụ Đỗ văn Hợp được con dâu "khai tử" từ năm 2006. |
Với lý do làm ăn thua lỗ cần tiền trả lãi ngân hàng, ngày 11/8/2005, hai con gái bà Viễn làm thủ tục nhượng lại toàn bộ quyền thừa kế cho mẹ. Từ đây, bà Viễn chính thức có toàn quyền sử dụng đăng ký, sang nhượng với khu đất.
Năm 2015, bà Viễn kí hợp đồng chuyển nhượng nhà đất số 62A, ngõ 399 đường Âu Cơ, phường Nhật Tân cho ông Nguyễn Nghĩa và bà Hoàng Thùy Linh. Lúc này cụ An, cụ Hợp mới “tá hỏa” và làm đơn gửi các cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc. Sau khi làm Văn bản công chứng về nhường quyền hưởng di sản thừa kế và khai nhận di sản thửa kế; hợp đồng chuyển nhượng bị vỡ lở, bà Viễn cũng “bặt vô âm tín”.
UBND phường Nhật Tân khẳng định đã niêm yết công khai Thông báo khai nhận di sản tại trụ sở |
Cụ Hợp sau đó cũng phản ánh UBND và cán bộ tư pháp phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) vi phạm pháp luật khi thực hiện xác nhận Thông báo khai nhận di sản của bà Viễn với nội dung hai cụ đã chết. "Mười năm nay tháng nào, chúng tôi cũng cầm sổ đi nhận trợ cấp người cao tuổi, cán bộ phường không thể nói không biết chúng tôi còn sống hay đã chết", cụ nói.
Sở Tư pháp Hà Nội trả lời việc UBND phường Nhật Tân xác nhận "trong 30 ngày niêm yết công khai Thông báo khai nhận di sản tại trụ sở, Uỷ ban không nhận được đơn thư tố cáo, khiếu nại liên quan" là đúng quy định. Tuy nhiên, với trách nhiệm là cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch, UBND phường đã thiếu sót khi không xác minh, phản ánh thông tin sai tới cơ quan công chứng.
Căn nhà số 60 ngõ 399 đường Âu Cơ, nơi 2 cụ Hợp và An đang sinh sống |
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội: "Trong vụ việc này, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã có kết luận nội dung tố cáo của cụ Hợp và cụ An, liên quan đến những sai phạm trong việc công chứng Văn bản nhường quyền hưởng di sản thừa kế và khai nhận di sản thừa kế của công chứng viên Nguyễn Thanh Tú là có cơ sở. Do việc công chứng có thiếu sót gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của hai cụ.
Tuy nhiên, hiện vụ việc đang được TAND TP Hà Nội giải quyết, do đó việc kết luận đối với Văn bản công chứng phải chờ bản án có hiệu lực pháp luật. Cụ thể, nếu có căn cứ xác định Văn bản khai nhận di sản thừa kế không đúng quy định pháp luật, thì Tòa án sẽ có quyền tuyên hủy Văn bản công chứng theo yêu cầu của đương sự, đồng thời yêu cầu công chứng viên bồi thường thiệt hại, trong trường hợp người bị thiệt hại có yêu cầu."
Vụ án con dâu "khai tử" bố mẹ chồng tại Hà Nội: Chuyển hồ sơ sang tòa hình sự |
Bên cạnh việc "khai tử" bố mẹ chồng để trở thành người duy nhất được sở hữu tài sản. bà Viễn cũng "tạo ra" nhiều giấy tờ không đúng quy định để có thể thuận lợi trong việc "chiếm đoạt" tài sản nhà, đất sau khi ông Đỗ Mạnh Tiến qua đời.
(Còn nữa...)