Con dâu "khai tử" bố mẹ chồng: Bản di chúc bí ẩn và sự vô trách nhiệm của công chứng viên!
Bố mẹ vắng nhà, bé gái 6 tuổi rơi từ tầng 12 xuống đất tử vong Nóng ruột, bố mẹ “săn” giáo viên dạy chữ cấp tốc cho con trước lớp 1 Xử lý khi bố mẹ bất đồng trong dạy con |
Câu chuyện đau lòng, nhói tim nhiều người tưởng chỉ có trong phim ảnh nhưng nào ngờ lại xảy ra ngay giữa thủ đô Hà Nội. Nạn nhân trong vụ việc là vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp (SN 1932) và cụ Nguyễn Thị An (SN 1932, vợ cụ Hợp). Hai cụ bị con dâu là bà Vũ Thị Viễn chủ động "khai tử" nhằm chiếm tài sản thừa kế. Sự việc được hai cụ phát hiện từ năm 2015.
Theo đó, năm 1998, vợ chồng cụ Hợp chia (miệng - pv) cho con trai là ông Đỗ Mạnh Tiến (chồng bà Viễn) hơn 180 m2 đất để làm nhà tại thửa số 70+70A tờ bản đồ số 19 thuộc tổ 7 cụm 1 phường Nhật Tân (số mới 62A, ngõ 399 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ). Tuy nhiên, chủ sở hữu là cụ Hợp chưa làm thủ tục chính thức tặng, cho hay thừa kế.
Căn nhà số 62 ngõ 399 nơi vợ chồng ông Tiến và bà Viễn từng sinh sống |
Năm 2005, ông Tiến qua đời, bà Viễn đã đến Phòng Công chứng số 3, TP Hà Nội thực hiện thủ tục kê khai di sản thừa kế và được công chứng viên Nguyễn Thanh Tú chứng nhận. Người thừa kế chỉ có bà Viễn và 2 con gái, còn cụ Hợp và cụ An "được" con dâu khai là... đã chết.
Lúc này hai cụ không hề hay biết. Cho đến năm 2015, cụ Hợp và cụ An bất ngờ nhận cú sốc khi biết bà Viễn đã cắt một phần đất mà hai cụ đã chia (miệng) cho con trai (đã mất) để bán, sang tên sổ đỏ người khác(?)
Trên thực tế, vấn đề bắt nguồn từ bản di chúc mà con trai của hai cụ là ông Đỗ Mạnh Tiến để lại vào ngày 16/12/2004. Theo bản di chúc này, tất cả tài sản được chia cho bà Viễn và 2 con. Vậy nhưng bản di chúc này lại có nhiều điểm nghi vấn.
Bản di chúc của ông Tiến không được đánh số trang, ký hoặc điểm chỉ ở các trang và có nhiều từ viết tắt |
Trong bản di chúc có thể dễ dàng nhận thấy việc có quá nhiều từ viết tắt, trên các trang di chúc để lại không được đánh số trang, không có chữ ký hay việc điểm chỉ xác nhận của ông Tiến - người lập di chúc. Chứng kiến việc viết di chúc này, có 2 luật sư là ông Nguyễn Hồng Toán và ông Dương Thế đều thuộc văn phòng tư vấn pháp luật cơ sở 5, Hội Luật gia TP Hà Nội.
Có thể thấy, với cương vị người tư vấn pháp luật và chứng kiến việc lập di chúc, luật sư Toán và Thế trong khi chứng kiến việc ông Tiến viết và xác nhận hoàn toàn có thể hỗ trợ cho ông Tiến lập di thư theo đúng quy định của pháp luật.
Khoản 3 Điều 631 Bộ luật dân sự năm 2015, quy định về nội dung di chúc quy định rõ: "Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa ".
Bên cạnh đó, theo điều 630, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, điều kiện để di chúc được coi là hợp pháp khi người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Nhưng, theo gia đình cụ Hợp, thời điểm lập di chúc là ngày 16/12/2004 đến thời điểm ông Tiến mất là ngày 8/1/2005 chỉ có 22 ngày. Đây là thời điểm ông Tiến suy kiệt thể trạng, không minh mẫn, tỉnh táo, không nói được một cách rõ ràng, rành mạch do mắc bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối đã di căn tới nhiều bộ phận.
Cụ Hợp (bên trái) cho rằng di chúc do người con trai đã mất của mình để lại có nhiều điểm bất hợp lý. |
Về vấn đề này, gia đình cụ Hợp cho rằng, "Di chúc ông Tiến để lại do bà Viễn viết theo ý chí của bà Viễn, hoàn toàn không phải ý chí của ông Tiến. Tuy nhiên, Công chứng viên Nguyễn Thanh Tú đã không xem xét tính hợp pháp của di chúc mà vẫn làm căn cứ để thực hiện thủ tục khai nhận thừa kế là trái quy định pháp luật".
Trong biên bản đối chất, chị Đỗ Thị Mai (con gái bà Viễn) có trình bày rõ: "Bố tôi mất tháng 1/2005. Sau khi bố tôi mất, không để lại di chúc. Năm 2006, mẹ tôi có cần vốn kinh doanh nên phải làm thế chấp nhà vay vốn ngân hàng. Tôi tin mẹ tôi và đến văn phòng công chứng số 3 Trần Đăng Ninh. Chúng tôi hỗ trợ mẹ và đã đồng ý ký nhận vào văn bản nhượng quyền hưởng di sản thừa kế và khai nhận di sản thừa kế ngày 11/8/2006."
Theo lời cụ Hợp, bằng những thủ đoạn gian dối nêu trên, con dâu của cụ là bà Viễn đã toàn quyền sở hữu thửa đất mà cụ đã chia (miệng) cho con trai đã mất sau khi 2 con gái bà Viễn nhượng quyền hưởng di sản thừa kế với sự trợ giúp đắc lực của công chứng viên Nguyễn Thanh Tú.
Trao đổi về tính pháp lý của vụ việc. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) chỉ rõ "văn bản nhường quyền di sản thừa kế và khai nhận di sản thừa kế được lập và công chứng ngày 11/8/2006 nhưng thông báo niêm yết công khai tại phường Nhật Tân lại từ ngày 4/7 đến ngày 4/8/2006, nghĩa là trước cả thời gian có văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Do vậy, luật sư đánh giá việc này trái quy định về trình tự, thủ tục niêm yết công khai văn bản thỏa thuận phân chia di sản theo quy định tại khoản 3, Điều 52 Nghị định 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực.
"Điều đó cho thấy cán bộ tư pháp phường đã có sai sót trong việc niêm yết công khai văn bản thừa kế, từ đó làm cơ sở để bà Viễn đăng ký sang tên nhà đất và chuyển nhượng sở hữu cho người khác", luật sư nhấn mạnh.
Đối với thủ tục khai nhận di sản thừa kế của ông Tiến (đã mất), ông Cường phân tích trong nội dung văn bản thể hiện ông Tiến không còn người thừa kế nào khác, trong khi đó bố mẹ đẻ của ông Tiến là cụ Đỗ Văn Hợp và cụ Nguyễn Thị An còn sống.
Do đó, luật sư cho rằng đây là thiếu sót của công chứng viên, khi làm mất đi quyền thừa kế của những người thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 672 Bộ luật dân sự 1995.
(Còn nữa...)