Nhân viên ngân hàng tiếp tay cho nhóm đối tượng lừa đảo, rút hàng chục tỷ đồng của doanh nghiệp
Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo tinh vi Facebook Bài 6 - Đà Nẵng: Đơn tố cáo hành vi lừa đảo của lãnh đạo Công ty Phú Gia Thịnh đã được Cơ quan CSĐT tiếp nhận Bộ Công an mở chuyên mục “Cảnh báo tội phạm” |
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ vừa triệt phá một ổ nhóm lừa đảo, hoạt động tinh vi, thực hiện trót lọt nhiều vụ rút tiền từ các ngân hàng khác nhau, để chiếm đoạt tài sản của các doanh nghiệp.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ cũng đã tiến hành bắt giữ, khởi tố đối tượng cầm đầu Nguyễn Lê Thanh Tú (SN 1985, ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) cùng đồng bọn là: Nguyễn Tiến Hùng (SN 1995, ở Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu); Mạc Đăng Khoa (SN 1991, ở Vĩnh Long); Ngọc Tuấn (SN 1996, ở Bà Rịa - Vũng Tàu); Phạm Xuân Huy, ở Vĩnh Long, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan điều tra xác định, các đối tượng đã sử dụng con dấu giả, chữ ký giả của chủ tài khoản để làm các uỷ nhiệm chi giả mạo, qua mặt hệ thống kiểm soát của ngân hàng rồi thực hiện giao dịch chuyển tiền để chiếm đoạt.
Dựa vào những giấy tờ giả mạo này, các đối tượng đã thực hiện trót lọt nhiều vụ rút tiền từ các ngân hàng khác nhau, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của các doanh nghiệp. Trong đó, chỉ riêng vụ án mới xảy ra tại tỉnh Phú Thọ, các đối tượng đã chiếm đoạt trên 3,1 tỷ đồng của một doanh nghiệp có trụ sở ở Hà Nội.
Để nắm được thông tin về số dư tài khoản của doanh nghiệp, các đối tượng đã sử dụng giấy giới thiệu giả, giấy tờ tuỳ thân giả đến đăng ký số điện thoại, tài khoản tại ngân hàng…
Sau đó chúng theo dõi đợi khi nào tài khoản của doanh nghiệp có tiền sẽ lập tức dùng uỷ nhiệm chi giả đến chi nhánh ngân hàng cùng hệ thống gần nhất để thực hiện giao dịch chuyển tiền vào tài khoản mà chúng đã lập. Theo kịch bản được chuẩn bị từ trước, chỉ trong vòng 5 phút sau khi chuyển khoản thì các đối tượng đã rút được tiền mặt và nhanh chóng lẩn trốn.
Một vấn đề mà nhiều người đang quan tâm là tại sao ổ nhóm này lại có được hồ sơ thông tin về tài khoản của các doanh nghiệp để làm các ủy nhiệm chi giả nhằm qua mặt hệ thống kiểm soát của ngân hàng. Trong khi những thông tin này vốn dĩ được coi là bảo mật của ngành ngân hàng. Cũng từ vụ án này, hé lộ một đường dây bán thông tin tài khoản của doanh nghiệp với sự tham gia của một số nhân viên ngân hàng khác nhau.
Làm việc với cơ quan điều tra, Nguyễn Lê Thanh Tú - đối tượng cầm đầu ổ nhóm lừa đảo đã khai nhận: Để có những thông tin chi tiết về hồ sơ tài khoản của doanh nghiệp, đối tượng này đã mua dữ liệu, thông tin của các doanh nghiệp từ một nhân viên ngân hàng với mức giá từ 10-13 triệu đồng cho một tài khoản.
Khi đặt vấn đề, Tú lấy lý do là đối chiếu lại thông tin doanh nghiệp “trước khi cho vay lãi” chứ không tiết lộ việc mua dữ liệu với mục đích để đi lừa đảo nên dễ dàng nhận được sự hợp tác của nhân viên ngân hàng. Vì thế, sau lần đầu tiên, Tú muốn lấy hồ sơ tài khoản của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều được đáp ứng, chỉ cần có tiền là được.
Mua được thông tin tài khoản, Tú cùng đồng bọn làm hàng loạt giấy tờ giả để thực hiện 5 vụ lừa đảo, rút được hơn 10 tỷ đồng của doanh nghiệp từ các ngân hàng khác nhau. Chỉ đến khi ổ nhóm này bị sa lưới thì đường dây bán thông tin tài khoản doanh nghiệp với sự tham gia của một số nhân viên ngân hàng khác nhau mới bắt đầu lộ diện…
Bước đầu có 3 nhân viên làm việc tại 2 ngân hàng khác nhau đang bị Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ tạm giữ hình sự, để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Tại cơ quan điều tra, đối tượng Đoàn Lê Trí Viễn (SN 1992, trú tại Núi Thành, Quảng Nam - nhân viên một ngân hàng, Chi nhánh Trường Sơn, TP Hồ Chí Minh) đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Viễn khai, khi được Tú gửi thông tin về doanh nghiệp cần mua thì Viễn sẽ dùng tài khoản user nội bộ của mình kiểm tra thông tin của doanh nghiệp đó trên hệ thống, rồi gửi qua ứng dụng telegram cho Tú.
Chính vì thế, tất cả những thông tin về số tài khoản, chủ tài khoản, kế toán trưởng, mẫu dấu công ty và số điện thoại báo số dư tài khoản của doanh nghiệp dễ dàng bị tiết lộ. Thậm chí là cả sao kê các giao dịch gần nhất cũng bị đem ra để bán.
Theo khai nhận, để có được dữ liệu tài khoản của doanh nghiệp mở ở các hệ thống ngân hàng khác, nhân viên ngân hàng này đã nhờ sự hỗ trợ của một số bạn bè đồng nghiệp làm ở các ngân hàng khác và trả chi phí 3 triệu cho một hồ sơ tài khoản. Bản thân Đoàn Lê Trí Viễn đã cung cấp thông tin của 54 doanh nghiệp cho Nguyễn Lê Thanh Tú, thu về số tiền 740 triệu đồng.