Ông Phạm Nhật Vượng: Mỹ là thị trường trọng điểm của VinFast, Vinsmart
Hãng xe Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tạm dừng sản xuất vì Covid-19 Vingroup công bố đã bán hơn 17.000 xe ô tô VinFast |
Trong bối cảnh đại dịch, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay của Vingroup là lần đầu tiên tập đoàn họp trực tuyến từ nhiều điểm cầu khác nhau. Ban lãnh đạo ngồi ở điểm cầu văn phòng tập đoàn còn các cổ đông phải ngồi ở hai điểm cầu khác.
Một trong ba điểm cầu tổ chức phiên họp thường niên trực tuyến năm 2020 của Vingroup tổ chức sáng 28/5. Ban lãnh đạo và cổ đông không họp trực tiếp như mọi năm vì Covid-19. Ảnh: Minh Sơn. |
Tuy nhiên, không vì hình thức online mà không khí chất vấn của phiên họp sáng nay (28/5) giảm xuống. Những câu hỏi xoay quanh tác động của Covid-19, hoạt động của VinFast, Vinsmart và định hướng tương lai của tập đoàn có vốn hóa hơn 14 tỷ USD rất được cổ đông quan tâm.
Nói về hai trọng tâm mới là công nghệ và sản xuất, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup cho biết trong tương lai hai mảng này sẽ hướng tới việc xuất khẩu, nhưng tập đoàn chỉ chọn duy nhất thị trường Mỹ là trọng điểm. Sau khi đạt sản lượng nhất định tại Mỹ mới triển khai các thị trường khác.
"Điều này cũng như một phép thử, nếu ta làm được thị trường khó nhất thì vào những thị trường khác đơn giản, dễ dàng. Với những công ty mới, mang tính startup, chúng ta phải đặt những mục tiêu rất cao, rất nghiêm khắc".
Về kế hoạch phát triển, người đứng đầu Vingroup cho biết VinFast và Vinsmart đang đi theo đúng lộ trình đặt ra. Công ty sản xuất của Vingroup vừa thử nghiệm lăn bánh xe điện đầu tiên, trong khi hãng sản xuất điện thoại đã ra mắt đến 12 mẫu trong năm ngoái, doanh số bán đạt 1,2 triệu chiếc. Tuy nhiên ông Vượng cho biết, Vingroup xác định hai mảng này phải đầu tư lớn và kiên trì, chấp nhận bù lỗ trong 3-5 năm.
"Câu chuyện mấy năm tới không phải kiếm lợi nhuận mà là chiếm lĩnh thị trường, gia tăng thị phần", Chủ tịch Vingroup nhận xét.
Riêng tác động của dịch bệnh, Vingroup cho biết đã có ảnh hưởng đến việc bán hàng của VinFast nhưng tập đoàn đã có những chiến dịch khuyến mãi sâu để đẩy doanh số. "Dù thị trường giảm, miếng bánh còn rất lớn. Mục tiêu chúng ta không phải lợi nhuận mà là thị phần", ông Vượng nhắc lại.
Mới đây, VinFast tung chính sách mua ôtô cũ để kích cầu. Nếu khách có nhu cầu đổi xe đang đi sang xe VinFast, hãng này sẽ mua lại xe cũ dù là bất cứ thương hiệu nào.
Với Vinsmart, Vingroup cũng từng có chính sách tặng mỗi cư dân Vinhomes một chiếc điện thoại, qua đó giúp tăng thị phần của thương hiệu này.
Năm 2020, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 145.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế khoảng 5.000 tỷ đồng, giảm 35%.
Với mảng du lịch nghỉ dưỡng, Vinpearl - công ty con của tập đoàn - đứng trước nhiều khó khăn vì Covid-19. Ông Vượng cho biết quan điểm của Vingroup là ưu tiên thị trường nội địa, đảm bảo sự ổn định của thị trường trong nước hơn là đẩy nhanh việc đón khách quốc tế.
"Mỗi năm Việt Nam có 80 triệu khách nội địa và 18 triệu khách nước ngoài. Năm nay con số khách quốc tế có thể giảm mạnh, Không thể vì 3-5 triệu khách nước ngoài mà ảnh hưởng tới thị trường nội địa với quy mô lớn hơn", ông Vượng nói.
Vingroup nhận định năm nay sẽ tiếp tục thách thức trước khi đưa hoạt động trở lại quỹ đạo vốn có. "Nhằm chủ động đối phó với những bất ổn, tập đoàn sẽ thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, quản lý chặt chẽ việc chi tiêu và đầu tư mở rộng, tối ưu hóa hoạt động các lĩnh vực hiện có", báo cáo của Ban giám đốc viết.
"Thắt lưng buộc bụng" được thể hiện trong định hướng của từng mảng kinh doanh, với ưu tiên quản lý chi phí và nâng cao hiệu suất hoạt động, đồng thời cả trong các nguyên tắc hoạt động của tập đoàn. Các biện pháp tối ưu chi phí cũng được xác định là trọng tâm nhằm giảm bớt tác động và giúp lợi nhuận của tập đoàn không chịu ảnh hưởng quá tiêu cực từ diễn biến này.