"Ông đồ trẻ" với lớp học thư pháp miễn phí
Lớp học thư pháp miễn phí của ông đồ Lê Dương Duyên khá đặc biệt. Nói vậy là bởi, Duyên sinh năm 1990, là thanh niên thuộc thế hệ 9x nhưng lại trót đam mê "cái nghiệp" mà vốn không được thịnh hành lắm trong thế kỷ 21 này.
Hãy cùng phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật gặp gỡ, trao đổi và lắng nghe những chia sẻ về lớp học thư pháp miễn phí của ông đồ trẻ Lê Dương Duyên.
Là thanh niên trẻ thế hệ 9X nhưng Lê Dương Duyên đã sớm bén duyên với nghề cho chữ |
PV: Cơ duyên nào khiến anh muốn theo nghề cho chữ cổ truyền Việt Nam?
LDD: Thời học sinh trung học tôi đã làm quen với thư pháp. Nững năm tháng học xa nhà, được tận mắt chứng kiến những ông đồ mặc áo dài khăn đóng trong mỗi dịp tết ngồi cho chữ rất trịnh trọng, người xin chữ ai cũng thích. Hình ảnh đó ăn sâu vào tâm trí tôi. Tính tôi ham học, ham trải nghiệm nên quyết tâm luyện tập bài bản, và cứ thế ngày ngày luyện viết rồi trở thành ông đồ như sở nguyện.
PV: Lý do gì khiến anh bỏ thời gian, công sức cũng như tiền bạc để mở lớp học thư pháp miễn phí ?
LDD: Ngày xưa, tổ tiên nước ta dùng chữ Việt cổ, khi nước ta chịu sự đô hộ của phương Bắc, họ muốn đồng hóa nhân dân ta, nên đã áp đặt sử dụng chữ Hán. Ngày nay, nước ta đã có chữ Quốc Ngữ, hình thành từ hệ thống kí tự La tinh để thay thế chữ Nôm từ đầu thế kỉ XX. Một trong những người tiên phong hoàn thiện chữ Quốc Ngữ là học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
Chúng ta đều biết “Truyện Kiều” được đại thi hào Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm tượng hình, chính Nguyễn Văn Vĩnh là người dịch toàn bộ Truyện Kiều từ Nôm sang Quốc Ngữ. Điều đó cho thấy rằng ngôn ngữ Việt ta rất phong phú và khoa học đủ sức sánh vai với bất kì một loại ngôn ngữ nào của các dân tộc trên thế giới.
Một đất nước muốn phát triển đa chiều phải lưu giữ và phát huy văn hóa dân tộc. Hơn nữa nghệ thuật thư pháp của chúng ta ngày càng mai một, mọi người dần tìm đến với những thú chơi công nghệ, hiện đại mà quên mất những nét đẹp, nét tinh túy trong thư pháp – đó cũng là trăn chở lớn nhất của tôi. Chính vì vậy tôi quyết định mở lớp học thư pháp này để giới thiệu cho mọi người trong khu vực Hà Nội biết đến thư pháp.
Những nét chữ thư pháp của thầy đồ Duyên |
PV: Lớp học của anh hiện tại có khoảng bao nhiêu người tham gia, và lớp học có đáp ứng đủ nhu cầu của khu vực Hà Nội không thưa anh? Tại sao lớp học lại có tên là “ Chi Ngộ” ?
LDD: Lớp học hiện tại dạy vào hai buổi đó là tối thứ 7 và chủ nhật, lượng người tham gia cũng chỉ khoảng 10-15 người vì cơ sở vật chất còn thiếu, mặc dù lượng người đăng ký tham gia rất đông. Hiện tại lớp đã dạy được khoảng 6 tháng với lượng khoá sinh lên đến hơn 100 người.
Sở dĩ lớp học mang tên “Chi Ngộ” bởi vì tôi muốn tìm những người có cùng sở thích và đam mê thư pháp với mình, từ đó truyền bá đến với những người khác.
PV: Anh có thể chia sẻ về khó khăn và niềm hạnh phúc của mình trong quá trình truyền đam mê ở lớp học thư pháp miễn phí?
LDD: Khó khăn thì cũng có, nhưng khó nhất chắc là các bạn theo học ở lớp không được lâu, bởi vì nhiều bạn mới đầu rất hứng khởi nhưng chỉ một thời gian sau là chán nản dẫn đến không có kết quả tốt. Còn niềm vui chính là khi các bạn theo học lớp có thể tự tay viết ra được những chữ thư pháp đẹp, tặng cho bạn bè, người thân rồi dần lan tỏa nó, đó là niềm hạnh phúc nhất của tôi.
PV: Theo anh những người trẻ theo học thư pháp họ cần phải làm gì để giữ được tinh thần nghề truyền thống ?
LDD: Thư pháp không có giới hạn, bất cứ độ tuổi nào, ngành nghề nào cũng đều học được vì chữ biết là điều cần phải biế để giao tiếp. Khi bạn cho người ta niềm vui ở một bộ môn nào đó tức là đã gieo một việc thiện cho đời. Chính vì thế những học viên theo học thư pháp luôn có mục đích sống đúng đắn, rèn chữ luyện tâm, cho đi tình yêu con chữ là bạn đã giúp nghệ thuật truyền thống ngày càng cao quý hơn.
PV: Nếu gọi anh là người giữ lửa và truyền lửa cho nghề thư pháp truyền thống?
LDD: Tôi vừa buồn vừa vui. Vui vì biết được rằng xã hội hiện đại vẫn còn nhiều người trân quý và có đam mê với thư pháp Việt. Họ luôn có tinh thần học hỏi và rèn luyện rất tốt, nhận thức về thư pháp rất tiến bộ và đáng khen. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người lại có thái độ thờ ơ, xem việc thư pháp tồn tại có cũng được mà không có cũng được. Điều đó đồng nghĩa với việc càng ngày càng ít người hiểu biết về thư pháp hơn. Cũng như việc giữ gìn bản sắc văn hóa xưa ngày càng khó khăn và nan giải.
Từng đạt rất nhiều giải thưởng về thư pháp, những thầy đồ Duyên lại có ước mong nhỏ nhoi làm sao gìn giữ được nền thư pháp nước nhà |
PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện rất ý nghĩa này. Chúc anh cùng với những thầy đồ khác luôn luôn giữ trong mình một niềm đam mê về thư pháp, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của nước nhà!