Quản lý quá chặt, doanh nghiệp sẽ khó nắm bắt cơ hội

Ngày 23/11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội nhấn mạnh sửa đổi cần theo hướng tinh gọn, rõ phân cấp, phân quyền, chuyển từ quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu, để tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển.
Nâng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp Nhà nước Doanh nghiệp Nhà nước được tăng phân cấp, phân quyền

Đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Agribank nêu quan điểm, sửa đổi luật cần quan tâm đến các quy định về kiểm tra, giám sát, phòng ngừa.

Đồng thời, sửa đổi luật cũng cần tính đến cơ chế đánh giá tổng thể mục tiêu đạt được của doanh nghiệp Nhà nước, không đi sâu vào các hành vi cụ thể của doanh nghiệp Nhà nước, cần có các quy định đủ thông thoáng, đủ tin tưởng vào đội ngũ doanh nhân vì sự phát triển chung của đất nước.

Tại đoàn Hà Nội, các đại biểu khẳng định, việc chuyển từ quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu là sự thay đổi rất lớn, đúng định hướng, bởi nếu chỉ vì mục tiêu lợi nhuận và quản lý quá chặt chẽ, doanh nghiệp sẽ khó nắm bắt cơ hội, vì nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp tư nhân không sẵn sàng đầu tư, nên doanh nghiệp Nhà nước phải vào cuộc đầu tư.

Quản lý quá chặt, doanh nghiệp sẽ khó nắm bắt cơ hội
Đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Agribank.

Các đại biểu cho rằng, dự thảo luật vẫn thiếu vắng các quy định thể hiện doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò tiên phong, đi trước mở đường, như công nghệ số, công nghiệp phụ trợ hay thay thế hàng nhập khẩu.

Nếu chỉ quản lý theo hướng giao mục tiêu lợi nhuận, sẽ không đạt được mục tiêu thay đổi mang tính gia tăng cho Nhà nước, nên chỉ đi theo lợi nhuận đơn thuần. Do đó, các đại biểu đề xuất có thể tách các loại hình doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vốn để tăng lợi nhuận đơn thuần và loại hình doanh nghiệp nhà nước thực hiện chính sách nhà nước để đạt được các mục tiêu chiến lược cụ thể.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, trong luật hiện hành có sự lẫn lộn giữa quyền quản lý Nhà nước, đại diện chủ sở hữu và đại diện doanh nghiệp, nên khó quy trách nhiệm trong việc để xảy ra thất thoát.

Quản lý quá chặt, doanh nghiệp sẽ khó nắm bắt cơ hội
Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Vì vậy, đại biểu Cường bày tỏ đồng tình với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật (luật hiện hành chỉ quản lý đối với doanh nghiệp có 50% vốn Nhà nước trở lên). Do đó, việc mở rộng quản lý đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước dưới 50% là phù hợp, tuy vậy, cần có nguyên tắc quản lý đối với loại hình này.

Đại biểu đồng tình với các nguyên tắc nêu trong dự thảo luật, nhưng cần bổ sung làm rõ các nguyên tắc tiền vốn Nhà nước đã đầu tư cho doanh nghiệp phải trở thành vốn của doanh nghiệp (nếu quy định vốn của Nhà nước thì phải quản lý theo Luật Ngân sách), đồng thời bổ sung quy định nhà nước trở thành người sở hữu cổ phần tương ứng với tỷ lệ vốn góp.

Cùng với đó, cần phân định rõ quản lý vốn Nhà nước như thế nào, tránh tình trạng can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, phân định rõ quản lý hoạt động đầu tư tiền của nhà nước vào doanh nghiệp có quyền có thoái vốn, tái cấu trúc vào doanh nghiệp khác hay không; tiền vốn của Nhà nước dùng vào mục đích nào, có cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn ra sao.

Về quyền quyết định chiến lược và kế hoạch kinh doanh, một số đại biểu cho rằng, Nhà nước chỉ quyết định chiến lược và đề ra một số chỉ tiêu cụ thể cần đạt được như chỉ tiêu về lợi nhuận, chỉ tiêu bảo toàn vốn, chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ định hướng Nhà nước.

Còn kế hoạch sản xuất kinh doanh – hành động để thực hiện chiến lược phải do doanh nghiệp tự quyết định. Tuy vậy, dự thảo luật vẫn quy định Nhà nước quyết định kế hoạch sản xuất kinh doanh, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hậu Lộc
Phiên bản di động