Ô nhiễm không khí, chung tay làm thế giới sạch hơn và cải cách giáo dục
Bụi mịn - nỗi lo mới của dân thành phố
Chưa bao giờ, tình trạng ô nhiễm không khí được quan tâm như những ngày qua. Người dân liên tục cập nhật thông tin trên đài báo, qua app và chia sẻ trên mạng xã hội những nỗi lo lắng. Mức độ lo ngại càng tăng cao khi Tổng Cục Môi trường chỉ ra 3 nguyên nhân khiến ô nhiễm không khí trở nên trầm trọng hơn lúc vào thu.
Khi ô nhiễm tiệm cận mức nguy hại, người dân ào ào đi mua khẩu trang, máy lọc không khí. Được dịp, người bán hàng cũng "đu trend" hớt vàng. Ngoài 2 "ngôi sao" là khẩu trang chống bụi mịn, máy lọc không khí có khả năng lọc bụi, các mặt hàng detox, tăng sức đề kháng, làm sạch... thậm chí là các khu du lịch sinh thái cũng tranh thủ quảng bá ăn theo.
Ô nhiễm bụi mịn khiến Hà Nội như bao phủ bởi 1 lớp sương mờ. Ảnh: Dương Tuyến |
Thành phố Hà Nội cũng đưa vấn đề ô nhiễm không khí vào phiên họp thường kỳ. Đại diện thành phố đã chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm trong đó có việc đốt hơn 500 tấn than mỗi ngày và khí thải từ 5 triệu chiếc xe máy, hơn 700.000 ô tô. Để cải thiện môi trường không khí, Thủ đô đã đưa ra 19 giải pháp.
Khi nỗi lo bụi mịn lan tràn ở Hà Nội, TP.HCM thì ở Quảng Nam, rác bủa vây thị trấn Nam Phước khiến người dân sống trong sợ hãi. Đà Nẵng, người dân tự đốt rác.
Điểm sáng trong từ khóa ô nhiễm hot nhất toàn cõi mạng có lẽ là chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" bằng hành động. Sự tham gia tích cực của truyền thông và các địa phương sẽ là yếu tố quan trọng quyết định thành công của chiến dịch này. Hội An đã phát triển mô hình sinh học nhặt rác bảo vệ môi trường, còn Quảng Nam ra tối hậu thư cho nhà máy cồn Đại Tân, nguồn xả thải gây ô nhiễm làm người dân bức xúc thời gian qua.
"Quét" những sự giả dối, lừa lọc trong giáo dục, giảm nghèo
Thời gian trước, việc đại học Đông Đô đào tạo chui văn bằng 2 làm nóng dư luận thì mới đây, Thanh tra giáo dục đã phát hiện ra hàng loạt sai phạm. Tại đại học Điện lực, thí sinh không đạt điểm chuẩn vẫn trúng tuyển. Đại học Luật TPHCM không chỉ tuyển sinh chui văn bằng 2 giống ĐH Đông Đô mà còn nợ dây dưa 29 tỷ đồng.
Trong đổi mới sách giáo khoa, công văn trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc loại bộ sách công nghệ vẫn khiến một phó giáo sư chưa thấy thỏa đáng.
Còn trong tiến trình đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia 2020 và những năm kế tiếp, người dân vẫn nghi ngại về việc tổ chức kỳ thi trên máy tính liệu có khả thi. Điều thí sinh và người dân lo nhất là liệu có xảy ra khả năng can thiệp hàng loạt?
Cũng trong tiến trình đổi mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra dự thảo đề xuất bỏ phân loại khá, giỏi, tại chức - chính quy trên tấm bằng đại học.
Một câu chuyện khác cũng khiến nhiều người chú ý là việc cụ bà Thanh Hóa kiên quyết xin ra khỏi hộ nghèo để thúc đẩy chính quyền "quét" sạch những trường hợp giả nghèo.
Ở khía cạnh tích cực, nhiều em nhỏ tiểu học và trung học cơ sở Thạch Lương vùng rẻo cao Yên Bái đón niềm vui nho nhỏ khi đoàn thiện nguyện báo Tuổi trẻ Thủ đô đến và tặng quà cho các em. Những chiếc xe đạp kéo đường đi học là những ngọn đồi, quả núi của các em gần lại.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô cùng trẻ em vùng cao Yên Bái tới trường |
Những tập vở, bộ sách giúp các em có những công cụ lưu giữ những con chữ đầu đời, góp phần vun xới "hạt giống" hiếu học ở một vùng miền núi xa xôi. Rồi đây, các em sẽ lớn lên noi gương em học sinh lớp 8 ở Bắc Giang chế máy cấy lúa đa năng công suất bằng 6 người cấy.
Có thể thấy, dù trong lĩnh vực môi trường hay giáo dục hay bất cứ lĩnh vực nào khác, nỗi lo của người dân luôn xoay quanh vấn đề "ô nhiễm" - những thứ độc hại, giả dối xâm lấn môi trường sinh hoạt quen thuộc. Và khát vọng của người dân là cải thiện để môi trường sống, học tập, sinh hoạt của mình luôn trong lành, minh bạch. Ở đâu cần dân có, ở đâu khó có nhân dân, khi chính quyền vận dụng '"âu thần chú" này một cách thuần thục và linh hoạt, chắc chắn những "ô nhiễm" trong môi trường hay trong ngành sẽ được người dân cùng chung tay "quét sạch".