Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi ô nhiễm không khí gia tăng

Ngày 7/1, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo về tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng tại Hà Nội và nhiều khu vực khác trên cả nước. Theo báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đã có những thời điểm lên mức xấu, đe dọa sức khỏe con người và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội.
Hơn 10 triệu người Thái Lan mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí Ô nhiễm không khí góp phần làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh

Tình trạng ô nhiễm không khí được ghi nhận gia tăng theo thời gian, dù xảy ra theo mùa và phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, thời tiết. Dữ liệu quan trắc cho thấy mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt với sự hiện diện của bụi mịn và các chất độc hại trong không khí. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm có thể gây ra hàng loạt bệnh lý nguy hiểm như viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ và các vấn đề về hệ thần kinh, hệ miễn dịch. Không chỉ dừng lại ở đó, ô nhiễm không khí còn gây tổn thương da, mắt và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần.

Để chủ động bảo vệ sức khỏe trước những ảnh hưởng nguy hại của ô nhiễm không khí, Bộ Y tế đã ban hành khuyến cáo, đặc biệt chú trọng đến các nhóm đối tượng nhạy cảm như trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi và người mắc bệnh mãn tính. Khi chỉ số AQI ở mức kém hoặc xấu, người dân được khuyến cáo hạn chế hoặc tránh các hoạt động ngoài trời. Nếu phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang đúng chuẩn để ngăn ngừa bụi mịn. Trong nhà, nên thường xuyên vệ sinh phòng ở, giữ không gian thông thoáng và trồng thêm cây xanh để cải thiện chất lượng không khí.

Hà Nội và miền Bắc đối mặt với ô nhiễm không khí nghiêm trọng đầu 2025
Hà Nội mù mịt trong bụi mịn và khí thải xe

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi thói quen sinh hoạt để giảm thiểu tác động từ ô nhiễm không khí. Người dân được khuyến khích hạn chế sử dụng bếp than tổ ong, củi hoặc đốt rơm rạ; thay vào đó, nên sử dụng các loại bếp thân thiện với môi trường như bếp điện hoặc bếp từ. Đặc biệt, với những người hút thuốc lá, cần bỏ hẳn hoặc giảm tối đa việc hút thuốc để bảo vệ không chỉ bản thân mà cả những người xung quanh.

Đối với nhóm người nhạy cảm, việc theo dõi sức khỏe thường xuyên và khám định kỳ là điều cần thiết. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng như khó thở, ho, sốt hoặc tức ngực, cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Người mắc bệnh hô hấp và tim mạch cần tuân thủ chặt chẽ chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời tránh tiếp xúc với các khu vực ô nhiễm như công trình xây dựng, đường giao thông đông đúc và các khu công nghiệp.

Theo Bộ Y tế, học sinh tại các trường học cũng cần được bảo vệ trước tình trạng ô nhiễm không khí. Nếu chỉ số AQI đạt mức nguy hại trong 3 ngày liên tục, các trường học có thể cân nhắc cho học sinh nghỉ học. Trong trường hợp học sinh vẫn phải đến trường, các hoạt động ngoài trời cần được giảm thiểu tối đa để hạn chế tác động của không khí ô nhiễm đến sức khỏe.

Ô nhiễm không khí không chỉ là một thách thức môi trường mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, đồng thời tuân thủ các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu rủi ro trong điều kiện ô nhiễm không khí gia tăng.

Tùng Linh
Phiên bản di động