Nước lũ sông Hồng tại Hà Nội còn 10,80m, tiếp tục giảm trong 12-24 giờ tới
Quận Tây Hồ: Huy động tổng lực ứng phó với bão lũ Tiếp tục đảm bảo công tác thoát nước mùa mưa lũ |
Trong bản tin phát đi lúc 21h tối 12/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, mực nước lũ trên sông Hồng tại địa phận Hà Nội vào lúc 19h sáng còn 10,80m, trên báo động 2 là 0,30m.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong 12-24 giờ tới, mức nước lũ sông Hồng đoạn qua Hà Nội tiếp tục xuống dưới mức báo động 2 và trên báo động 1.
Trong 24 giờ tới, mực nước nhiều trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình có xu thế biến đổi chậm, phổ biến ở mức cao, từ báo động 3 đến trên mức báo động 3.
Nước lũ sông Hồng đã giảm về sát mức báo động 2. Ảnh: Trọng Nam. |
Quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng có khả năng diễn ra chậm nên tình trạng ngập ở các khu vực ven sông, bãi bồi trong những ngày tới còn diễn ra nhiều ngày tại các vùng trũng, vùng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính tại các tỉnh/ thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương.
Mực nước lũ lên cao kéo dài nhiều có thể gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê, kè có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu ven sông thuộc các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Trước đó, trong bối cảnh mực nước tại các sông qua địa phận Hà Nội dâng cao, có lúc đạt báo động 3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 16/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên địa bàn thành phố.
Người đứng đầu UBND TP yêu cầu tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm đúng quy định của Luật Đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông (kể cả trong các tuyến đê bối có nguy cơ mất an toàn), kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).