Nước lũ sông hồng đã vượt báo động 1, đe dọa nhiều khu vực ở Hà Nội
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lũ trên sông Thao tại TP Lào Cai tiếp tục xuống chậm; tại Bảo Hà đã đạt đỉnh ở mức 61,95m (7h/10/9), trên báo động 3 là 4,95m, trên mức lũ lịch sử năm 2008 (60,93m) 1,02m; tại Yên Bái đang dao động ở mức đỉnh lũ 35,70m, trên báo động 3 là 3,70m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 1,28m và đang xuống chậm; tại Phú Thọ đang lên nhanh.
Lũ trên sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Bắc Ninh), sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội), sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống chậm.
Mực nước lúc 13h ngày 10/9, trên các sông như sau: Trên sông Thao tại Yên Bái 35,66m, trên báo động 3 là 3,66m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 1,24m; tại Phú Thọ 17,74m, trên báo động 1 là 0,24m; sông Cầu tại Đáp Cầu 6,35m, trên báo động 3 là 0,05m; sông Thương tại Phủ Lạng Thương 6,75m, trên báo động 3 là 0,45m; sông Lục Nam tại Lục Nam 6,29m, dưới báo động 3 là 0,01m.
Mực nước trên sông Lô tại Tuyên Quang 26,90m, trên báo động 3 là 0,90m; tại Vụ Quang 19,62m, trên báo động 2 là 0,12m; sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,00m, mức báo động 3; sông Thái Bình tại Phả Lại 5,30m, mức báo động 2; trên sông Hồng tại Hà Nội 9,62m, trên báo động 1 là 0,12m.
Trong 12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống; tại Yên Bái sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức lũ lịch sử; tại Phú Thọ lên mức báo động 2; lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng đạt đỉnh 27,30m, trên báo động 3 là 1,30m vào tối nay (10/9); tại Vụ Quang tiếp tục lên và đạt đỉnh ở mức 20,40m, dưới báo động 3 là 0,10m, vào đêm nay (10/9).
Nước lũ trên sông Hồng ngày càng dâng cao. |
Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên và ở trên mức báo động 3; sông Thương tiếp tục lên chậm trên mức báo động 3, lũ trên sông Lục Nam xuống chậm ở dưới mức báo động 3; lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức báo động 2; lũ trên sông Hoàng Long tiếp tục lên trên mức báo động 3; lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh ở dưới mức báo động 2.
Trong 12- 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống; tại Bảo Hà sẽ xuống chậm; tại Yên Bái tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức lũ lịch sử; tại Phú Thọ lên trên mức báo động 2; lũ trên sông Lô sẽ xuống chậm; lũ trên sông Thương và sông Cầu biến đổi chậm và duy trì ở mức báo động 3; lũ sông Lục Nam tiếp tục xuống dưới mức báo động 3; lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên mức báo động 3; lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 4; lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ lên chậm và ở dưới mức báo động 2.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo cảnh báo, trong 12 đến 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình có khả năng lên mức báo động 3 và trên báo động 3.
Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Nước lũ dâng cao, tại Hà Nội cảnh báo nguy cơ ngập lụt khu vực bãi giữa, ven sông Hồng thuộc các quận Tây Hồ, Long Biên, Hoàn Kiếm, Gia Lâm.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có công điện yêu cầu, giám đốc/thủ trưởng các cấp, các ngành, lãnh đạo các địa phương căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến người dân ở tại các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là các vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ lũ rừng ngang bằng nhiều hình thức để thông báo, cảnh báo người dân; tăng cường tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp; phối hợp với các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền đến từng tổ chức, hộ gia đình.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu tổ chức trực ban, ứng trực 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; bố trí cán bộ trực ban 24/24h, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; theo dõi sát sao các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ; kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố khi có sự cố, tình huống bất thường; duy trì liên lạc thường xuyên với các địa phương, đơn vị để nắm bắt tình hình và chỉ đạo kịp thời.
Đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra; duy trì lực lượng ứng cứu nhanh, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra; kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an, y tế để ứng cứu kịp thời, hiệu quả.
Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã phải kịp thời thông báo cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở; chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết.
Các quận, huyện phải xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán; chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân.