Nữ cán bộ người Lô Lô “truyền lửa” cho dân bằng hai thứ tiếng dân tộc
Lạng Sơn đề cao vai trò đồng bào dân tộc thiểu số Truyền thông vùng dân tộc thiểu số: Yếu tố quan trọng để duy trì kết quả phát triển bền vững Ngôi nhà chung thắm tình đoàn kết dân tộc |
Bà Dùng Thị Vân, dân tộc Lô Lô (dân tộc rất ít người), thường gây ấn tượng với người tiếp xúc bởi phong thái nhanh nhẹn, ưa nhìn, rất thân thiện, cởi mở với nụ cười thường trực trên môi. "Bà Vân" ngoài đời trẻ hơn tuổi 37 rất nhiều.
Tìm mọi cách giúp dân hiểu chính sách
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo của xã biên giới Xín Cái, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) nên bà Dùng Thị Vân hiểu rất rõ những mặt hạn chế của bà con quê hương mình, nhất là việc tiếp cận các nguồn thông tin.
Với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn Lô Lô, bà luôn trăn trở, suy nghĩ làm cách nào để phổ biến những kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi và tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với người dân quê mình, giúp bà con nơi đây thoát cảnh nghèo đói.
Bà Dùng Thị Vân mang trang phục truyền thống của phụ nữ Lô Lô đến Đại hội Đại biểu Toàn quốc các DTTS lần thứ 2 năm 2020 |
Nghĩ là làm, bà tìm đủ mọi cách giúp dân. Để bà con có thể hiểu được những lời mình nói, bà sử dụng hai ngôn ngữ để giao tiếp với dân (tiếng toàn dân và tiếng dân tộc Lô Lô). Chia sẻ với phóng viên, bà cho biết: “Mình đi tuyên truyền cho nhân dân phải dùng hai thứ tiếng (tiếng dân tộc Lô Lô, dân tộc Mông và tiếng toàn dân) thì người dân mới dễ hiểu, chủ yếu là tuyên truyền miệng không có hình ảnh hay loa đài. Mình đọc tài liệu tuyên truyền bằng tiếng toàn dân rồi qua đó chuyển tải lại cho người dân bằng tiếng dân tộc”.
Với tinh thần trách nhiệm, tính quyết đoán và luôn gần gũi, sâu sát cơ sở, bà Vân luôn được bà con DTTS trong xã tin yêu, quý mến.
Trong công tác, bà Vân phát huy vai trò của người đứng đầu; gương mẫu và chuẩn mực trong lời nói và việc làm. Bà “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền, hướng dẫn người dân. “Một số bộ phận người dân nhận thức không đồng đều, nên trong lúc tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là khi nhắc đến những chính sách về kinh tế, hầu như không ai biết gì. Thế nhưng, qua tuyên truyền bằng hai thứ tiếng thì người dân cũng hiểu ra và tuân thủ theo” - bà Vân cho biết.
Góp phần giúp bà con từng bước thoát nghèo
Kể về “công việc” tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước đến bà con DTTS, bà Dùng Thị Vân cho hay: “Hiện, toàn xã Xín Cái có 945 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Mông. Tiếng nói của dân tộc Lô Lô và dân tộc Mông khác nhau, nhưng do hai dân tộc sống đoàn kết, xen kẽ nhau nên tôi nên có thể nói thành thạo hai thứ tiếng này. Vì vậy việc tuyên truyền không mấy khó khăn”.
Tại xã Xín Cái, chính sách dân tộc chủ yếu tập trung về chính sách xóa đói giảm nghèo. Trong xã còn 413 hộ thuộc hộ nghèo, trung bình cứ mỗi năm lại có 15 - 20 hộ thoát nghèo. Có những hộ có ý thức vươn lên nên đã chủ động đăng ký thoát nghèo sớm và đã đạt được mục đích.
Nhờ vào chính sách tuyên truyền của nữ Bí thư chi bộ, trong năm 2020, riêng tại thôn Lô Lô, đã có nhiều hộ thoát nghèo. Điển hình phải kể đến là hộ Dùng A Dương, hộ Lồ Thị Nhinh…
Sau 5 năm thực hiện công tác Bí thư chi bộ kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, bà Dùng Thị Vân đã từng bước đưa đồng bào dân tộc mình thoát nghèo. Nhờ vào đó, cuộc sống của bà con DTTS được cải thiện, càng ngày càng ấm no hạnh phúc, thêm niềm tin vào Đảng và Nhà nước.
Để những chính sách dân tộc được thực hiện tốt, bà Dùng Thị Vân mong muốn: “Trong thời gian tới, các cấp, ban, ngành tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, có chính sách đặc thù hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS miền núi, biên giới, nhất là đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, hỗ trợ cải tạo đất đai, tạo sinh kế, giải quyết việc làm… Đối với xã Xín Cái, chúng tôi mong muốn nhất là sẽ được hỗ trợ làm đường bê tông đến tất cả các thôn bản, được xóa nhà tạm bợ và khôi phục lại bản sắc văn hóa của dân tộc Lô Lô…”