Truyền thông vùng dân tộc thiểu số: Yếu tố quan trọng để duy trì kết quả phát triển bền vững

Trong những năm qua, hoạt động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) đã đạt được nhiều thành tựu, giúp cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho người dân, tạo ra bước chuyển biến rõ nét về nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy ý chí phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đối với vùng DTTS, truyền thông được coi một trong những yếu tố duy trì kết quả phát triển bền vững.
Ngành Thông tin và Truyền thông Hà Nội: Vượt khó, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động Hoài niệm mứt Tết qua những trang sách Cục trưởng Cục Báo chí: Sở Thông tin và Truyền thông đã đủ thẩm quyền xử phạt các báo Trung ương nếu vi phạm

Năm 2020, truyền thông ở vùng đồng bào DTTS đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Sự phát triển mạnh mẽ của báo chí nước ta với đa dạng các loại hình đã đóng vai trò lớn trong việc truyền tải thông tin đến Nhân dân đặc biệt là ở vùng DTTS. Mạng lưới thông tin vùng đồng bào DTTS đã có sự phát triển nhanh, tỷ lệ người xem, nghe đài phát thanh và truyền hình khá cao. Hầu hết các đài phát thanh và truyền hình Trung ương và địa phương đều có các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc...

Báo chí truyền thông đã hướng dẫn, cổ vũ, động viên đồng bào sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; Tạo dư luận xã hội, khơi dậy quyết tâm, thúc đẩy đồng bào các dân tộc tự giác vươn lên thoát nghèo, tạo sự đồng thuận xã hội; Đồng thời, báo chí truyền thông đã phản bác kịp thời những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu và các thế lực thù địch, đẩy mạnh tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…

Cùng với đó, phải kể đến sự vào cuộc quyết liệt với đầy tinh thần, trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc. Trong năm qua, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh đã tập trung chỉ đạo nhiều vấn đề liên quan đến truyền thông cho vùng DTTS.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cùng các giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cùng các giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu

Tại buổi làm việc với Vụ Tuyên truyền, Báo Dân tộc và Phát triển, Trung tâm Thông tin, Tạp chí Dân tộc về việc nâng cao chất lượng công tác truyền thông, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 bùng phát ngày 5/8/2020, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh đã đề nghị các đơn vị truyền thông phối hợp chặt chẽ; Tăng cường đưa tin và tổ chức truyền thông vận động đồng bào DTTS phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Xây dựng kế hoạch truyền thông bằng tiếng dân tộc; Tăng cường các sự kiện, xây dựng giải pháp đổi mới các hình thức truyền thông… Các đại biểu cũng thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến nhằm tăng cường công tác truyền thông vùng DTTS trong thời gian tới như: Cần có giải pháp quản lý về chất lượng nội dung, chất lượng tuyên truyền của các cơ quan báo, tạp chí thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 9/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2019 - 2021; Linh hoạt, chuyển đổi theo các phương thức truyền thông mới…

Tiếp đó, ngày 13/8/2020, trong buổi làm việc với tập thể lãnh đạo Vụ DTTS, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh đã có một số chỉ đạo cụ thể như: Đối với đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, về các nội dung tuyên truyền, xem xét đề xuất phối hợp với đài truyền hình hoặc một đơn vị truyền thông để triển khai xây dựng kế hoạch cụ thể; Đối với nhiệm vụ bình đẳng giới (Quyết định số 1898) bổ sung nội dung xây dựng phóng sự về vai trò nổi bật của đội ngũ người có uy tín để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Về công tác tổ chức Đại hội đại biểu DTTS toàn quốc lần thứ II, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị Vụ DTTS rà soát, phân nhóm theo danh sách các đại biểu tham dự Đại hội để gửi các cơ quan thông tấn, báo chí, góp phần giới thiệu về những gương điển hình, nổi bật trong triển khai chính sách dân tộc và công tác dân tộc.

Như vậy, công tác truyền thông qua các cơ quan thông tấn báo chí được đặc biệt chú trọng, coi như một biện pháp tuyên truyền gián tiếp hết sức hiệu quả. Truyền thông có vai trò quan trọng trong việc đem lại kết quả bền vững cho các chương trình phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, góp phần ổn định xã hội. Truyền thông vùng DTTS đã làm thay đổi nhận thức, dẫn đến sự tự nguyện thay đổi hành vi, một trong những yếu tố duy trì kết quả phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hương Giang
Phiên bản di động