Ngôi nhà chung thắm tình đoàn kết dân tộc

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm 85,3%, còn 53 dân tộc anh em với khoảng 14 triệu người chiếm 14,7% dân số cả nước. Truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Người dân đất Việt gắn bó với nhau bởi nghĩa "đồng bào", dù sống ở đâu cũng đều có chung cội nguồn, chung một ngày giỗ tổ Hùng Vương.
Tràn ngập khát vọng và tự hào dân tộc trong MV “Việt Nam rạng rỡ hoan ca” Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng: Mở ra tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam “Nâng cánh” cho học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số

Đoàn kết xây dựng đất nước hùng mạnh

Phát huy truyền thống đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân, nước ta luôn xác định sứ mệnh kế thừa và phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đảng ta đã đoàn kết dẫn dắt Nhân dân các dân tộc đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Trong những năm qua, với tinh thần đoàn kết, gắn bó, các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) được quan tâm bảo tồn và phát huy. Nó không chỉ trở thành tài sản tinh thần cho con cháu mà còn là tài nguyên mới cho phát triển, nhất là du lịch.

Ngôi nhà chung thắm tình đoàn kết dân tộc
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ủy ban Dân tộc

Cùng với đó, nhờ sự đoàn kết, keo sơn nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc được giữ vững. Hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng ở các vùng đồng bào dân tộc thêm đoàn kết, thống nhất, vững mạnh. Niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước được củng cố và tăng cường hơn. Nhìn một cách tổng quát, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS chưa bao giờ được khởi sắc như ngày nay.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Đỗ Văn Chiến cho biết: Chỉ chiếm chưa đến 15% dân số nhưng đồng bào các dân tộc đã và đang góp phần to lớn vào tiến trình phát triển của đất nước. Trong kháng chiến, nhiều chiến công oanh liệt, nhiều tên tuổi của những anh hùng vẫn sống mãi với chúng ta như: Hoàng Văn Thụ, La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Đinh Núp, Lò Văn Giá, Sơn Ton, Hồ Vai, Pi Năng Tắc, Puih Thu… và hàng ngàn Anh hùng Liệt sĩ là người DTTS đã hy sinh anh dũng vì độc lập và tự do của dân tộc. Rất nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là người DTTS.

Trong hòa bình, Đảng và Nhà nước đã có nhiều hình thức vinh danh những người có uy tín trong đồng bào DTTS nhưng vẫn chưa đủ để đánh giá hết những đóng góp xuất sắc của đồng bào các DTTS cho sự phát triển của bản làng, quê hương, đất nước. Đây không phải là thành quả riêng lẻ của từng dân tộc. Đó là sự kết tụ và giao hòa, thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn máu thịt giữa các dân tộc anh em.

Vun đắp trường tồn đại đoàn kết các dân tộc

Có thể khẳng định, đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh của đại dân tộc Việt Nam. “Khi riêng rẽ, mỗi chúng ta chỉ là một giọt nước. Cùng nhau, chúng là đại dương”. Chỉ khi cùng nắm chặt tay tiến lên, 54 dân tộc anh em con Lạc - cháu Hồng sẽ xây dựng được một quốc gia hùng mạnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh rằng: Cộng đồng các DTTS là một bộ phận không thể tách rời và là “máu - thịt” của dân tộc Việt Nam, “no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau”. Đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi là đầu tư phát triển bền vững, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; Là yếu tố có tính nền tảng để bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngôi nhà chung thắm tình đoàn kết dân tộc
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II – năm 2020

Dẫn lời của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nhắc lại lời căn dặn thiêng liêng của Người: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê đê, Xơ đăng hay Ba na và các DTTS khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Chúng ta phải thương yêu nhau, kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến, năm 2020, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc đã hoàn thành 3 việc trọng tâm rất lớn. Năm 2021, UBDT tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả đề án tổng thể, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021 - 2025. UBDT đã triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả các chính sách để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng DTTS và miền núi, đóng góp vào thành tích chung của đất nước. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhưng mức sống đã được nâng lên. Số hộ thiếu đói giảm 75,9% so với năm 2019.

“Chưa khi nào chính sách dân tộc được chỉ đạo đồng bộ, khởi sắc như thời điểm hiện nay. Do đó, trong giai đoạn tới, chúng ta phải cùng nhau xây dựng, vun đắp cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trường tồn mãi mãi. Như Bác Hồ kính yêu từng dạy: "Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng phải đoàn kết hơn nữa”. Đại đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được bao thế hệ cha anh bền bỉ xây dựng, vun đắp, bằng mồ hôi, công sức; Bằng sự nhọc nhằn, hy sinh; Bằng ý chí, sức mạnh và niềm tin của lòng dân”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh: “Đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh của đại dân tộc Việt Nam. Khi riêng rẽ, mỗi chúng ta chỉ là một giọt nước. Cùng nhau, chúng là đại dương, chỉ khi cùng nắm chặt tay nhau tiến lên - 54 dân tộc anh em Con Lạc - Cháu Rồng, chúng ta sẽ xây dựng được một quốc gia hùng mạnh”.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, nhìn lại chặng đường 10 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, nhưng nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng lên miền núi, từ thành thị về nông thôn, từ đất liền ra đến hải đảo. Việt Nam được cộng đồng quốc tế vinh danh là một nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh tại châu Á với GDP tăng trung bình 6,3% trong 10 năm qua. Ngay cả khi thế giới phải đối mặt với đại dịch thế kỷ Covid-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt được mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, thậm chí có thể là quốc gia duy nhất có tăng trưởng kinh tế dương ở khu vực Đông Nam Á, theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF.

Nhấn mạnh cộng đồng các DTTS là một bộ phận không thể tách rời và là “máu-thịt” của dân tộc Việt Nam, “no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau”, Thủ tướng cho rằng, đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư phát triển bền vững đất nước, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội; Là yếu tố có tính nền tảng để bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngôi nhà chung thắm tình đoàn kết dân tộc
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến trao bằng khen cho các em HSSV, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu

Trên tinh thần đó, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở nỗ lực cao nhất để giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, thực hiện phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần tập trung khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho đồng bào DTTS; Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với mặt bằng chung cả nước.

Chúng ta phải cùng nhau tiếp tục xây dựng, vun đắp cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trường tồn mãi mãi. Như Bác Hồ kính yêu từng dạy: “Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng phải đoàn kết hơn nữa”.

Đại đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được bao thế hệ cha anh bền bỉ xây dựng, vun đắp, bằng mồ hôi, công sức; Bằng sự nhọc nhằn, hy sinh; Bằng ý chí, sức mạnh và niềm tin của lòng dân.

Khắc Nam
Phiên bản di động