Nóng tuần qua: Chấn chỉnh tuyển sinh đại học, tranh cãi sách tiếng Việt lớp 1

Điểm chuẩn đại học năm 2020 được công bố khiến nhiều thí sinh bất ngờ, vỡ trận tuyển sinh ở đại học Thăng Long khiến Bộ GD&ĐT phải lên tiếng; có rất nhiều ý kiến trái chiều về sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 mới… là những tin nóng tuần qua.
Bộ GD-ĐT chấn chỉnh công tác tuyển sinh đại học 83 trường có tỷ lệ trúng tuyển dưới 50% xét tuyển bổ sung từ 15/10

Điểm chuẩn đại học "bùng nổ"

Điểm chuẩn đại học năm 2020 tăng là điều mà nhiều người có thể đoán định, song mức tăng trên thực tế khiến không ít thí sinh ngỡ ngàng. Đặc biệt ở khối ngành Kinh tế, Kỹ thuật - Công nghệ, Y - Dược.

Nhiều thí sinh tự tin vì điểm nhưng khi có điểm chuẩn lại “trượt hết tất cả các nguyện vọng”. Thậm chí có em tới 27,5 cũng “ngã ngựa”, trượt hết tất cả.

Nhiều thí sinh trượt đại học mơ ước dù có mức điểm không tệ bởi cả những lý do chủ quan và khách quan. Ở nhiều trường, cách tính điểm "lạ" có thể khiến thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học.

Sau kết quả xét tuyển đợt 1, có 83 trường có tỷ lệ trúng tuyển dưới 50% sẽ tổ chức xét tuyển bổ sung từ ngày 15/10/2020 cho đến hết năm 2020. Những trường này chủ yếu là các trường ngoài công lập, các trường thuộc tỉnh, các trường ở vùng sâu, vùng xa, các trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục mầm non.

Đại học Thăng Long đã tổ chức xét tuyển sớm khiến hàng ngàn người xếp hàng trong đêm lấy số. Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long cho biết, nhà trường không thể kiểm soát dẫn đến vỡ trận.

Nóng tuần qua: Chấn chỉnh tuyển sinh đại học, tranh cãi sách tiếng Việt lớp 1

Trước tình hình này, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phải yêu cầu các trường đại học rà soát, chấn chỉnh công tác tuyển sinh đại học. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các trường công khai các thông tin xét tuyển bổ sung trên trang thông tin điện tử của trường; đồng thời, gửi về Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT).

Trong câu chuyện vào đại học, nam sinh 10 năm cõng bạn ở Thanh Hóa thiếu mất 0,25 điểm để vào được đại học Y Hà Nội. Em chọn vào đại học Y Thái Bình để vào đại học bằng chính năng lực của mình.

Tranh cãi về sách tiếng Việt lớp 1

Ap lực của môn Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới quá lớn. Số tiết Tiếng Việt lớp 1 tăng lên đột biến, gấp rưỡi, lên 12 tiết thay vì 8 tiết như chương trình cũ. Trẻ gần như rối loạn khi vần cũ, âm cũ chưa nhớ đã phải học vần mới âm mới.

Nhiều phụ huynh cho rằng: không thể nào học được chương trình nếu không cho con học trước khi vào lớp 1. Rõ ràng, gần như chương trình và các bộ sách cổ vũ cho tình trạng học trước diễn ra mạnh hơn.

Nóng tuần qua: Chấn chỉnh tuyển sinh đại học, tranh cãi sách tiếng Việt lớp 1

Khi trẻ không thể nào nhớ nổi chữ, giáo viên buộc phải giao thêm bài tập về nhà và bố mẹ phải kèm cặp thêm cho con.

Chính vì vậy, chuyên gia giáo dục độc lập TS Vũ Thu Hương, Nguyên giảng viên Khoa tiểu học, ĐH Sư phạm HN đã đề nghị Bộ nên tạm dừng một số sách chưa ổn để điều chỉnh.

Bộ GD&ĐT trước những phản hồi của phụ huynh và giáo viên về chương trình lớp 1 đã gửi công văn tới các trường yêu cầu không giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1.

Tại TP HCM, đối với môn tiếng Việt lớp 1, giáo viên có thể phân phối tiết dạy theo hướng tăng thêm thời lượng ở phần âm, vần để rèn kỹ năng đọc, viết cho học sinh.

Giáo viên tại TPHCM cũng được yêu cầu tuyệt đối không sử dụng hình thức nhắn tin (hoặc các hình thức tương tự) nhận xét về những em học sinh học tập chưa như mong muốn, tránh gây áp lực tâm lí cho phụ huynh, học sinh.

Ở cấp mầm non, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dự thảo thông tư Ban hành Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.

D.Minh
Phiên bản di động