Kết hợp "cỗ xe tam mã" giúp sinh viên làm chủ cơ hội việc làm

Câu chuyện việc làm luôn là nỗi lo, áp lực thường trực đối với không chỉ sinh viên, gia đình mà còn là của cả xã hội. Do đó, việc kết hợp "cỗ xe tam mã" trường học - sinh viên - doanh nghiệp ngay từ ban đầu có lẽ là giải pháp tối ưu nhất.
Nữ sinh viên và đề tài khoa học thanh niên trong chuyển đổi số Sinh viên năm cuối loay hoay chọn nghề

Theo chia sẻ của các chuyên gia, trong thời đại 4.0, rất nhiều sinh viên ra trường không kiếm được việc làm. Nguyên nhân có thể là do chương trình đào tạo chưa đưa được nhiều những kiến thức, kỹ năng thực tế cho sinh viên. Đồng thời, số giờ thực tập ít, thiếu doanh nghiệp phù hợp với chuyên ngành hỗ trợ đào tạo thực tế cho sinh viên.

Cùng với đó, một số các giảng viên cũng thiếu thực tế, chưa có nhiều trải nghiệm trực tiếp tham gia làm việc tại các doanh nghiệp hay tổ chức phù hợp với chuyên ngành mình giảng dạy nên khiến bài giảng cho sinh viên nặng về tính lý thuyết, không cập nhật được các thay đổi diễn ra liên tục.

Mặt khác, việc nhà trường xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, kết nối nhà tuyển dụng cho sinh viên đi làm thêm tại những đơn vị có công việc phù hợp với chuyên ngành học ngay từ khi còn trong thời gian học khi chưa có bằng tốt nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên chưa tạo cho sinh viên tư duy chủ động, quyết liệt tìm kiếm việc làm thêm.

Giải pháp nào cho sinh viên làm chủ cơ hội việc làm trong thời đại 4.0?
Để giúp sinh viên ra trường có nhiều cơ hội việc làm thì cần sự kết hợp hài hòa mối quan hệ 3 bên giữa trường học - sinh viên - doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sinh viên cũng chưa được đào tạo đầy đủ các kỹ năng, sống tự lập, ít tham gia các hoạt động thiện nguyện, đi làm bán thời gian, kỹ năng số, làm việc nhóm, kỹ năng quản trị và lãnh đạo sự thay đổi để thích ứng với mọi điều kiện thực tế công việc sau này.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU), để giúp sinh viên ra trường có nhiều cơ hội việc làm thì cần sự kết hợp hài hòa mối quan hệ 3 bên giữa trường học - sinh viên - doanh nghiệp.

Theo đó, về phía nhà trường, thầy cô cần tăng cường trải nghiệm thực tế cho sinh viên tại các doanh nghiệp theo định kỳ hàng năm như tàm thêm bán thời gian, chuyên gia tư vấn, cố vấn vụ việc….

Nội dung chương trình phải cân đối hợp lý giữa lý thuyết và thực hành nhằm tăng thời lượng một số môn chuyên ngành chính giúp sinh viên có nhiều thời gian thực tập, thực chiến tại các doanh nghiệp.

Đồng thời, nhà trường cũng cần thành lập trung tâm xúc tiến hỗ trợ việc làm, câu lạc bộ thiện nguyện cho sinh viên và khuyến khích tính điểm thưởng cho sinh viên đi làm thực tế mà công việc phù hợp với chuyên ngành học, tham gia hoạt động thiện nguyện giúp đỡ cộng đồng.

Giải pháp nào cho sinh viên làm chủ cơ hội việc làm trong thời đại 4.0?
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU).

Đối với sinh viên, các bạn cần chủ động nắm vững phương pháp luận, tìm kiếm các công việc làm thêm ngay từ năm 1, năm 2 chứ không đợi phải sang năm 3, 4 đại học mới triển khai.

Cùng với đó, các bạn sinh viên cũng cần tham gia kết nối các hội, nhóm anh chị đi làm để học hỏi kinh nghiệm và mở rộng mạng lưới các nhà tuyển dụng tiềm năng, tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện để sống giàu lòng yêu thương và có trách nhiệm với cộng đồng.

Không chỉ có vậy, các bạn sinh viên cũng cần tham giá học các lớp về kỹ năng số để cập nhật các ứng dụng công nghệ 4.0 vào học tập và công việc sau này, thuyết trình, bán hàng, lãnh đạo bản thân, làm việc đội nhóm để giúp mình linh hoạt, đa năng, nắm bắt nhanh thực tế nghiệp vụ chuyên ngành.

Trong khi đó, đối với doanh nghiệp cần hợp tác chiến lược, lâu dài với nhà trường để kịp thời nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu chuyên môn và kỹ năng để sinh viên vừa được tham gia những buổi lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp đào tạo, hướng dẫn, vừa được thực tế sản xuất kinh doanh cùng các cán bộ, công nhân viên tại doanh nghiệp.

Theo ông Huy, NTU là một trong những trường đại học tập trung vào hướng nâng cao tính ứng dụng và thực tế cho sinh viên. Định hướng này được triển khai mạnh mẽ và cụ thể tới các khoa.

Trong đó, Khoa Tài chính - Ngân hàng (NTU) đào tạo song hành giữa lý thuyết và thực hành, kết hợp các giảng viên là doanh nhân, giảng đường tại doanh nghiệp, thúc đẩy sinh viên phát triển tư duy phản biện, khai phóng những tiềm năng thế mạnh mỗi sinh viên trên cơ sở hiểu thấu bản thân, có mục tiêu phấn đấu rõ ràng ngay từ năm thứ nhất đại học, có trách nhiệm và cam kết thực hiện từ mục tiêu lớn tới từng mục tiêu nhỏ, rèn luyện tính kỷ luật, tự lập, trải nghiệm đa dạng các doanh nghiệp để tìm ra công việc đam mê yêu thích của mình.

"Trong đào tạo quan trọng là làm cho sinh viên phát triển khả năng tự học, thích ứng với thực tế, khai phóng được những tiềm năng tốt đẹp của bản thân, trong đó lấy dĩ bất biến ứng vạn biến, luôn có khát vọng cống hiến thì sinh viên luôn làm chủ các cơ hội việc làm phù hợp và thăng tiến vững chắc trong tương tai", ông Huy chia sẻ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động