Học sinh ưu tiên ngành bán dẫn, báo chí truyền thông hạ nhiệt
Lịch nghỉ hè 2025 của học sinh cả nước Học sinh Hà Nội hào hứng tìm hiểu cơ hội nghề nghiệp Bộ GD&ĐT "chốt" những điều chỉnh trong tuyển sinh đại học |
Cơ hội phát triển rộng mở ngành bán dẫn
Thời điểm hiện tại, Lê Hoàng Long (học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội) đang dồn sức chạy nước rút để chinh phục đợt thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội vào giữa tháng 4 tới. Hiện Hoàng Long mới đạt mức khoảng 130 điểm trong khi để trúng tuyển vào ngành Khoa học máy tính và thông tin tại đây phải đạt khoảng 150 điểm.
Hoàng Long cho biết lịch học dày kín khiến em gần như không có thời gian nghỉ ngơi, phải sắp xếp thời gian biểu khoa học để vừa ôn thi tốt nghiệp THPT vừa ôn thi đánh giá năng lực. Hoàng Long cũng sẽ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ngành Kỹ thuật điện tử và tin học của Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Hầu hết thời gian ở nhà, nhất là buổi tối em dành thời gian để luyện đề thi đánh giá năng lực. Em tích luỹ kiến thức ở nhiều môn cả khối tự nhiên và xã hội để có kết quả bài thi tốt hơn bởi thi đánh giá năng lực đòi hỏi kiến thức tổng hợp của nhiều môn học.
Mục tiêu duy nhất của em là các ngành liên quan đến bán dẫn tại Đại học Quốc gia Hà Nội vì em thấy cơ hội của ngành này đang thật sự rất hấp dẫn”, Hoàng Long nói.
Tương tự, ngành bán dẫn cũng là lựa chọn hàng đầu của Phạm Thảo Anh (học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay.
![]() |
Ngành bán dẫn đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều học sinh cuối cấp khi hướng tới kỳ tuyển sinh đại học năm nay |
Thời gian này, Thảo Anh dành nhiều thời gian hơn cho môn Vật lý - môn học mà nữ sinh cảm thấy chưa tự tin để có thể đỗ vào khoa Điện tử, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Theo nữ sinh lớp 12, việc chọn ngành bán dẫn hiện tại không phải là sở thích nhất thời. Thảo Anh cho rằng tiềm năng ngành này ở thời điểm hiện tại là cực kỳ lớn, mang lại nguồn thu nhập lý tưởng nếu như có các lựa chọn khôn ngoan. Cô gái trẻ cũng cho rằng các kỹ năng về công nghệ thông tin sẽ giúp cho giới trẻ có nhiều lợi thế hơn khi tham gia vào thị trường lao động.
"Bên cạnh ngành bán dẫn, mình cũng có thêm 1 lựa chọn khác liên quan đến logistics. Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất của mình vẫn là trở thành lao động trong ngành bán dẫn để có một thu nhập ổn định", Thảo Anh chia sẻ.
Hoàng Long, Thảo Anh cũng giống như nhiều học sinh THPT khác đang đặt nhiều kỳ vọng vào ngành công nghệ bán dẫn ở kỳ tuyển sinh đại học năm 2025.
Với khoảng 75 chương trình đào tạo liên quan trên cả nước, các trường đại học đang chạy đua để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giảng dạy. Điểm chuẩn đầu vào của ngành cũng phản ánh sức nóng này, dao động từ 26 đến 28 điểm theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Đại học Bách khoa Hà Nội đang là một trong những lựa chọn hàng đầu với ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, đào tạo chuyên sâu về thiết kế và chế tạo vi mạch bán dẫn với số điểm đầu vào năm 2024 là 27,41/30 điểm.
Nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên để thúc đẩy đào tạo nhân lực vi mạch.
Các trường đại học như Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và nhiều trường khác đều đang khuyến khích việc tăng cường thời gian thực hành, hợp tác với doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ lớn để đưa sinh viên tiếp cận sớm với môi trường làm việc thực tế.
Nhiều học bổng, chương trình tài trợ và hỗ trợ nghiên cứu đã được triển khai nhằm thu hút nhân tài và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sinh viên tốt nghiệp.
Ông Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa cho biết, các trường đại học của Việt Nam đào tạo bán dẫn từ lâu, nhưng ở dạng chương trình chuyên sâu, thuộc các ngành, lĩnh vực lớn như khoa học công nghệ, điện tử viễn thông.
Theo dự báo của Chính phủ, nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn cần 50.000 - 100.000 người đến năm 2030, với trình độ và lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
![]() |
Theo ông Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa, không thể phủ nhập sức hấp dẫn và nhu cầu nhân lực của ngành bán dẫn, song thí sinh không nên chọn ngành này "chỉ vì độ hot" |
Đưa lời khuyên tới học sinh và phụ huynh về ngành học này, Phó hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa, lấy ví dụ ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn, thuộc nhóm điện tử viễn thông, nên mã ngành có dạng 752xxxx. Tương tự, ngành Chip bán dẫn và công nghệ đóng gói, nhóm Kỹ thuật vật liệu, mã ngành có đầu số 744.
Giải thích kỹ hơn, ông Khánh cho biết ngành bán dẫn gồm ba giai đoạn: thiết kế, sản xuất và kiểm thử. Việt Nam chủ yếu tham gia vào công đoạn đầu và cuối, nên các ngành đào tạo cũng tập trung vào hai phần này.
"Những học sinh quan tâm tới kỹ thuật, điện tử viễn thông, cơ khí, vật liệu sẽ phù hợp theo đuổi các chuyên ngành về bán dẫn. Một số trường có đào tạo ngành này như Đại học Phenikaa, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội...
Ông Nguyễn Phú Khánh cho rằng không thể phủ nhập sức hấp dẫn và nhu cầu nhân lực của ngành bán dẫn, song thí sinh không nên chọn ngành này "chỉ vì độ hot". Thay vào đó, điều quan trọng là cần dựa vào sở thích, năng lực của mỗi người, sau đó là các yếu tố như sự phù hợp, học phí, điểm chuẩn.
"Nếu thí sinh thực sự yêu thích và đáp ứng các điều kiện khác của ngành, chúng tôi rất khuyến khích các em theo đuổi ước mơ. Lựa chọn tốt nhất là lựa chọn phù hợp nhất", ông Khánh chia sẻ.
Ngành báo chí hết hot?
Việc quy hoạch báo chí cũng thu hút sự quan tâm của thí sinh trong bối cảnh bắt đầu chuẩn bị tuyển sinh đại học, đặc biệt là với các học sinh lớp 12 có mong muốn theo học các ngành đào tạo về báo chí. Bởi, gần đây, ngành Báo chí được coi là ngành học “hot” mỗi mùa tuyển sinh khi điểm chuẩn đầu vào luôn cao chót vót, thậm chí gần đạt ngưỡng 30 điểm.
Nguyễn Thùy Trang (học sinh lớp 12, Trường THPT Kim Liên) cho biết rất thích ngành Báo chí - Truyền thông. Nhưng kết thúc học kì I, bố mẹ khuyên Hương nên định hướng lại mục tiêu chọn ngành học vì thời gian tới, nhu cầu nhân lực có thể bão hòa.
Hiện tại, Thùy Trang vẫn đang tìm thông tin các nhóm ngành khoa học xã hội khác để xác định lại ngành nghề đăng kí học thời gian tới.
"Mình thích báo chí và truyền thông nhưng mọi người đều khuyên hiện tại nên cân nhắc thật kỹ với lựa chọn này", Thùy Trang nói.
Theo TS Phạm Thị Hoa, Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, câu chuyện tuyển sinh năm tới chưa thể đánh giá bởi có một số biến động. Mặc dù vậy, Báo chí - Truyền thông và vẫn đang là ngành thu hút được lượng người học đăng ký nhiều. Điểm chuẩn các ngành Báo chí thường vẫn nằm trong top những ngành cao nhất ở các trường. Điều này không chỉ xuất phát từ nhu cầu của ngành Báo chí mà còn nằm ở sự phát triển của ngành Truyền thông trong những năm gần đây.
![]() |
TS Phạm Thị Hoa, Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền |
TS Phạm Thị Hoa nhận định xu hướng ngành nghề có ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn ngành học của thí sinh nói chung, trong đó có ngành Báo chí. Tuy nhiên, ngành Báo chí vẫn được thí sinh quan tâm, yêu thích nhờ sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số với những đòi hỏi về nguồn nhân lực rất lớn. Trên thực tế, những nhân lực được đào tạo ở các ngành học như Báo chí, Truyền thông là phù hợp nhất với những công việc này.
Không riêng trong lĩnh vực báo chí, truyền thông mà ở tất cả các lĩnh vực khác đều sẽ có những thay đổi, ảnh hưởng nhất định tới thí sinh trong việc lựa chọn ngành nghề và con đường phát triển sự nghiệp tương lai của bản thân.
TS Phạm Thị Hoa cho rằng, ảnh hưởng, tác động lớn nhất đến thí sinh là sẽ phải xem xét, tìm hiểu, đánh giá đầy đủ, thực tế hơn về ngành học và lĩnh vực nghề nghiệp gắn với nhu cầu, nguyện vọng, năng lực bản thân để không có quyết định thiên về cảm tính hoặc a dua theo số đông. Báo chí là ngành học đặc thù, có tính phân hóa cao nên đây cũng là một căn cứ để thí sinh định vị rõ hơn lựa chọn của bản thân.
TS Phạm Thị Hoa cũng lưu ý, không nên nhìn nhận thị trường báo chí - truyền thông chỉ thông qua các cơ quan báo chí. Trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan báo chí chỉ hút một lượng rất nhỏ nhân lực được đào tạo từ các trường. Cách đây khoảng 30 năm, 75% người học báo chí ra làm báo. Nhưng chỉ khoảng 10 năm sau, tỉ lệ đó chỉ còn khoảng 50%. Hiện nay, con số đó tiếp tục giảm.
“Chưa bao giờ thị trường nhân lực truyền thông mở rộng và nở rộ như hiện nay. Vì vậy, nếu nói thị trường nhân lực báo chí - truyền thông thời gian tới giảm là chưa chính xác. Chỉ thị trường nhân lực báo chí sẽ giảm. Trong khi nhu cầu nhân lực của thị trường truyền thông thì đang tăng lên từng ngày. Vì vậy, tôi nghĩ, trước mắt chúng ta chưa cần phải lo lắng về việc người học báo chí - truyền thông ra sẽ không có việc làm”, TS Phạm Thị Hoa chia sẻ.