Chưa bắt buộc dạy 2 buổi/ngày với cấp THCS và THPT

Bộ GD&ĐT chưa tuyên bố cấp THCS và THPT bắt buộc phải dạy 2 buổi/ngày. Bộ sẽ sớm có hướng dẫn với từng cấp học, lớp học về quy định này.
Học sinh cả nước sẽ thi thử tốt nghiệp THPT 2025 Thí điểm cấp bằng tốt nghiệp THPT số cho học sinh trong năm 2025 Bộ GD&ĐT hướng dẫn tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, dạy 2 buổi/ngày không phải là công việc mới, hoạt động mới trong giáo dục. Nhiều nước trên thế giới khi điều kiện hội đủ cũng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày rất tốt.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, để tổ chức tốt dạy học 2 buổi/ngày phải có đủ ít nhất 3 yếu tố. Đó là, cơ sở vật chất với mỗi lớp 1 phòng học; đủ điều kiện để học sinh ở bán trú, buổi trưa thì được ăn, nghỉ trưa tại trường; đủ sân chơi, bãi tập cho các hoạt động giáo dục thể chất và các kỹ năng khác.

Chưa bắt buộc dạy 2 buổi/ngày với cấp THCS và THPT
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng

Ngoài ra còn cần đủ số lượng giáo viên, có chương trình dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục đảm bảo phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, ở Việt Nam lâu nay đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với cấp tiểu học, chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng quy định rõ điều này. Qua thực tiễn cho thấy thuận lợi hơn rất nhiều, vì các cháu nhỏ nên việc tổ chức bán trú rất phù hợp mặc dù điều kiện chưa được mong muốn.

Từ năm 2010, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với THPT và THCS, nơi nào có điều kiện thì khuyến khích việc này.

Theo ông Thưởng, mục đích của việc tổ chức học 2 buổi/ngày là để đảm bảo tốt cho học sinh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông; giảm áp lực cho học sinh; hình thành cho học sinh phẩm chất, năng lực, các kỹ năng khác với mục tiêu là phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ.

So với 5 - 15 năm trước, số trường cấp THCS, THPT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tăng lên rất nhiều. "Qua khảo sát, theo dõi, quản lý và chỉ đạo, chúng tôi thấy nơi nào tổ chức tốt việc dạy học 2 buổi/ngày thì chất lượng giáo dục toàn diện của trường, lớp đó cũng khá hơn và tốt hơn. Tôi lưu ý lại nơi nào tổ chức tốt thì cũng khá hơn", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết.

Tuy nhiên, cũng có một số bất cập. Ông Thưởng dẫn chứng, có nơi trong buổi 2 lại dạy kiến thức văn hóa là chính, tạo ra áp lực cho học sinh, có nơi lại chủ yếu học kiến thức chứ chưa phải là kỹ năng. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đang rà soát và đánh giá lại hoạt động này.

Trên cơ sở đó, Bộ sẽ có hướng dẫn chung toàn quốc để thực hiện với từng cấp học, lớp học. "Quan điểm là nâng cao chất lượng học chính khóa, giảm áp lực học cho học sinh nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả mục tiêu giáo dục đề ra là học sinh được phát triển phẩm chất, năng lực và đào tạo toàn diện đức, trí, thể mỹ", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu rõ.

Học sinh sẽ không chỉ là học kiến thức phổ thông mà còn phát triển về thể chất và tâm hồn, thể dục, thể thao, các kỹ năng, công dân số, ứng dụng AI, ngoại ngữ, tin học....

Đặc biệt, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý, việc tổ chức học buổi 2 phải trên tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh.

"Học sinh THCS, THPT có nhu cầu khác nhau so với học sinh tiểu học, trong đó có định hướng nghề nghiệp hình thành. Vậy nên có học sinh muốn có thêm kiến thức về ngoại ngữ hoặc tin học, nếu nhà trường không tổ chức dạy buổi 2 thì học sinh có thể tìm nơi học phù hợp. Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT chưa tuyên bố cấp THCS và THPT bắt buộc phải dạy 2 buổi/ngày", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Phạm Thành
Phiên bản di động