Nội bộ “rối ren”, Eximbank lại hoãn Đại hội cổ đông
Nội bộ Eximbank vẫn chưa hết “rối ren” Eximbank vẫn chưa thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 |
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa tiếp tục có thông báo hoãn tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 lần thứ 3.
Lý do hoãn Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 lần thứ 3 của Eximbank là để chấp hành chỉ đạo của Sở Y tế TP Hà Nội.
Eximbank cho biết việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 lần thứ 3 sẽ được dời sang thời điểm thích hợp.
Ảnh minh họa |
Trước đó, Eximbank dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 vào ngày 15/12/2020 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế số 11 Lê Hồng Phong, Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.
Trước đó, vào ngày 30/6 và 29/7, Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 1 và 2 của Eximbank dự kiến tổ chức ở TP HCM không thể thực hiện được do không đủ số cổ đông tham dự.
Sau đó, Eximbank thông báo dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 3 tại Hà Nội vào ngày 17/8, nhưng hoãn tổ chức được do dịch Covid-19.
Trước một ngày thông báo hoãn họp cổ đông, Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát Eximbank đã nhận được văn bản của đại diện các cổ đông sở hữu trên 10% vốn của ngân hàng về các vấn đề liên quan tới nhân sự Hội đồng quản trị.
Cụ thể, đại diện các cổ đông sở hữu trên 10% vốn đề nghị Hội đồng quản trị Eximbank đưa vào chương trình họp Đại hội cổ đông thường niên 2020 tổ chức vào ngày 15/12 tới tại Hà Nội việc miễn nhiệm đối với 4 thành viên Hội đồng quản trị là các ông Yasuhiro Saitoh, Lê Minh Quốc, Cao Xuân Ninh và Lê Văn Quyết.
Trước đó, chiều ngày 7/12, Eximbank nhận được công văn của cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) yêu cầu Hội đồng quản trị bổ sung nội dung vào Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 3 việc thanh lọc Hội đồng quản trị thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với từng thành viên, nhằm giảm số lượng thành viên từ 9 người hiện nay xuống còn từ 5-7 người.
Thời gian qua, các cổ đông tại Eximbank đang xảy ra mẫu thuẫn, có lẽ đây là nguyên nhân khiến Đại hội đồng cổ đông thường niên của ngân hàng này liên tục không thành công.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 3/2020, trong 9 tháng đầu năm, Eximbank tăng chi phí dự phòng lên gấp 2,7 lần cùng kỳ, lên mức hơn 267 tỷ đồng, do đó lãi trước và sau thuế của ngân hàng chỉ xấp xỉ cùng kỳ, lần lượt ở mức gần 1.104 tỷ đồng và hơn 871 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2020, tổng tài sản của Eximbank ở mức 151.273 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng giảm 11%, xuống còn 101.302 tỷ đồng; tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 42%, xuống 3.333 tỷ đồng…
Về chất lượng tín dụng, nợ xấu của Eximbank tăng lên hơn 2.490 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng mạnh gấp 2,8 lần lên 549 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn tăng đến 99% lên 1.620 tỷ đồng; bù lại nợ dưới tiêu chuẩn giảm 67% xuống còn 321 tỷ đồng. Ttỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của Eximbank tăng từ mức 1,71% đầu năm lên 2,46%.