Nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa thông qua dạy và học tiếng Việt
Tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam Nhiều hoạt động tôn vinh tiếng Việt tại Hà Nội |
Giữ bản sắc Việt bằng ngôn ngữ Việt
Với những người con Việt Nam rời xa quê hương lập nghiệp nơi xứ người, bản sắc Việt được thể hiện qua những tà áo dài, câu đối đỏ hay tục thờ cúng tổ tiên ngày Tết hay nét văn hóa ẩm thực đặc trưng. Điều này rất cần được các bạn trẻ hiểu, trân trọng và duy trì. Tuy vậy, hiện nay, trong các gia đình người Việt sinh sống ở nước ngoài, thế hệ F2, F3 không có điều kiện tiếp xúc với bản sắc văn hóa Việt do không thường xuyên dùng tiếng Việt. Vì thế, việc thường xuyên tổ chức các sự kiện cộng đồng, các lớp học văn hóa Việt dành cho kiều bào là hết sức cần thiết.
Gala Tiếng "Mẹ" thân thương vừa qua tôn vinh giá trị truyền thống sâu sắc của tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam. |
Có thể thấy, việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới ngày càng được Chính phủ Việt Nam coi trọng và không ngừng nỗ lực để phát triển. Tại một hội thảo mới đây, đại diện ĐSQ Việt Nam tại Hungary, ông Lê Trọng Hà nói: “Tại thủ đô Budapest, Trung tâm tiếng Việt của chúng tôi đã tổ chức các sự kiện tương tác, vui chơi với chủ đề về tiếng Việt thu hút hàng trăm con em kiều bào Việt và cả trẻ em Hungary tham gia như Tết Trung thu, Tết Nguyên đán,... Cuộc thi "Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt tại nước ngoài 2023" cũng đón nhận hàng trăm công dân Việt Nam tại Hungary ghi danh. Ngoài ra, Hungary cũng vinh dự là một trong bốn nước đầu tiên nhận được tủ sách tiếng Việt dành cho người Việt Nam tại nước ngoài với hơn 450 đầu sách lớn nhỏ khác nhau từ Ủy ban Nhà nước về NVNONN”.
Ông Lê Trọng Hà đã tham gia Hội thảo trực tuyến từ đầu cầu Hungary. |
“Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy khó khăn trong việc thiếu kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ cho Trung tâm tiếng Việt Budapest để hỗ trợ công tác giảng dạy của thầy cô và đào tạo giáo viên tiếng Việt. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý đến việc xây dựng nguồn học liệu trực tuyến phù hợp với các lứa tuổi khác nhau, đa dạng hóa về phương thức truyền đạt tiếng Việt cho kiều bào và đặc biệt là thu hút các cháu nhỏ tham gia” – ông Lê Trọng Hà cho biết thêm.
Lớp học tiếng Việt và văn hóa Việt dành cho thế hệ trẻ Việt Nam tại nước ngoài. |
Nỗ lực lan tỏa tiếng mẹ đẻ nơi trời Tây
Cố giáo sư Đặng Thai Mai từng viết: “Tiếng Việt chúng ta gồm có một hệ thống nguyên âm và phụ âm khá phong phú. Tiếng ta lại giàu về thanh điệu. Giọng nói của người Việt Nam, ngoài hai thanh bằng (âm bình và dương bình) còn có bốn thanh trắc. Do đó, tiếng Việt có thể kể vào những thứ tiếng giàu hình tượng ngữ âm như những âm giai trong bản nhạc trầm bổng” (Trích: Sự giàu đẹp của tiếng Việt – Giáo sư Đặng Thai Mai).
Tuy vậy, trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay, vẫn còn nhiều gia đình kiều bào “bỏ quên” nhiệm vụ giáo dục tiếng Việt cho các thành viên trong gia đình mà thường sử dụng ngôn ngữ bản xứ để giao tiếp. Do vậy, công tác dạy và học tiếng Việt để lan tỏa bản sắc văn hóa Việt rất cần sự quyết tâm của cộng đồng, xã hội, đặc biệt là gia đình kiều bào.
Các Sứ giả tiếng Việt năm 2023 được vinh danh nhân ngày Tôn vinh tiếng Việt 2023 vừa qua |
Bà Trần Hồng Vân - Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023 tại Australia đã chia sẻ chi tiết về công tác giáo dục tiếng Việt cho thế hệ con em kiều bào tại hải ngoại. Bà Vân nói: “Việc theo đuổi nghiên cứu và phát triển các biện pháp gìn giữ tiếng Việt tại nước ngoài của tôi xuất phát từ tình yêu với ngôn ngữ mẹ đẻ. Đối với lớp trẻ là con em của các kiều bào Việt Nam tại hải ngoại, cách phát triển tư duy ngôn ngữ tiếng Việt căn bản và tốt nhất cho các em chính là việc phụ huynh, gia đình nói tiếng Việt với các bạn trẻ tại nhà từ khi còn bé. Các bậc phụ huynh nên có thái độ tích cực, tìm hiểu thêm các biện pháp truyền tải sao cho để các em hiểu tính liên kết chặt chẽ giữa ngôn ngữ và văn hóa, đời sống Việt Nam. Việc tạo dựng cho các bạn trẻ một “gốc rễ” từ sớm để hiểu về nguồn cội là hết sức quan trọng”.
Bà Trần Hồng Vân phát biểu tại Hội thảo "Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài". |
Trẻ em người Việt tại nước ngoài học tiếng Việt qua những câu chuyện và sách báo. |
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt, bà Vân cho biết: “Vấn đề đặt ra là các bậc phụ huynh chưa nắm bắt được phương pháp dạy và học tiếng Việt cho các con do bố mẹ không đủ kiến thức sư phạm để truyền tải tới trẻ. Tôi và đồng nghiệp đã cùng nhau phát triển chương trình mang tên Super Speech nhằm huấn luyện cho các bố mẹ Việt Nam tại Australia về việc hỗ trợ cho các con nói tiếng Việt tại nhà qua sinh hoạt hàng ngày. Thời gian mà bố mẹ dành cho các con vừa để “dạy” tiếng mẹ đẻ cho con và cũng là sự gần gũi, thấu hiểu giữa phụ huynh và con cái sẽ thúc đẩy sự gắn kết gia đình”.
Team Super Speech của bà Trần Hồng Vân mong muốn lan tỏa tình yêu tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ra toàn cộng đồng người Việt tại Australia. |
Bạn Lê Hoàng Yến, một kiều bào trẻ thuộc thế hệ F2 đã theo cha mẹ đi định cư tại Canada lâu năm chia sẻ quan điểm, là người Việt Nam nên Yến ý thức được cần phải nói tiếng Việt và học văn hóa Việt Nam.
"Dù ở Canada đã gần 17 năm nhưng bố mẹ mình luôn “bắt” hai chị em nói tiếng Việt, nghe tin tức VTV và đọc truyện tiếng Việt. Thậm chí, bố mẹ còn đặt mua rất nhiều sách Việt sang Canada để hai chị em Yến đọc cùng với sách tiếng Anh trên trường. Nhờ đó, mình tự tin có thể nói hai ngôn ngữ, hiểu và yêu hai nền văn hóa khác nhau” - Yến chia sẻ.
Lê Hoàng Yến (áo hồng) và Lê Hoàng Khang (áo trắng xám) trong một chuyến đi chơi cùng những người bạn Việt Nam nơi trời Tây. |
Lê Hoàng Khang, em trai của Yến tâm sự: “Em thích tiếng Việt vì có thể đọc nhiều truyện lịch sử kháng chiến của Việt Nam và cảm nhận được sự oai hùng và tinh thần mạnh mẽ của dòng máu Việt đang chảy trong người em. Ngoài ra, sách nấu ăn tiếng Việt rất hay, qua đó em học được nhiều món ngon như thịt kho nước dừa, gỏi gà ngó sen và phở cuốn Việt... Em đã nấu đồ ăn và dạy tiếng Việt cho nhiều bạn bè. Em thấy bằng tiếng Việt và đồ ăn Việt, các bạn đã hiểu sự quan trọng của việc tìm về nguồn cội và thêm yêu quê hương xa xôi của chúng em nhiều hơn”.
Lịch sử dân tộc Việt Nam ghi dấu bằng những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông. Nghìn năm Bắc thuộc trong quá khứ với những chiến dịch “đồng hóa văn hóa” của người Hán khi xưa cũng không thể lay chuyển được nền văn hóa và ngôn ngữ đất Việt. Hồn cốt Việt Nam ẩn chứa trong từng câu chữ, tiếng nói như suối nguồn mát lành lan tỏa, lặng lẽ gìn giữ tầng tầng lớp lớp những giá trị văn hóa đa dạng trên dải đất hình chữ S. Việc đưa tiếng Việt ra thế giới để người Việt ở khắp nơi không quên đi cội nguồn dân tộc của bản thân là điều vô cùng trân quý. Việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không chỉ là kế thừa quốc ngữ của cha ông mà còn giúp chúng ta hội nhập, giữ gìn được bản sắc riêng trong cộng đồng văn hóa chung của nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - tác giả của bài phát biểu "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt". |
Theo các chuyên gia, trên con đường giữ gìn sự trong sáng và “chất thơ” của tiếng Việt cần sự thấu hiểu và đồng lòng từ chính bản thân mỗi người Việt Nam. Bước đầu cần dựa trên cơ sở nói và viết đúng chuẩn mực về phát âm, chính tả, ngữ pháp, từ vựng và phong cách linh hoạt sử dụng ngôn ngữ.
Để giữ gìn tiếng Việt, Chính phủ đã chọn 8/9 là Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nhưng bên cạnh đó, điều cần thiết nữa là đẩy mạnh giáo dục thế hệ trẻ người Việt trên khắp năm châu hiểu và yêu lấy tiếng mẹ đẻ, bởi lẽ như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.