Những thói quen ăn uống dễ nhiễm ký sinh trùng
Nhiễm sán nhầm là u gan
Mới đây, khi đi khám bệnh định kỳ, kết quả siêu âm ổ bụng của bà Đ.T.P (trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) có 2 nốt giảm âm ở gan. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện 198 Bộ Công an điều trị. Từ kết quả chụp cắt lớp, cộng hưởng từ ổ bụng, các bác sĩ nghi ngờ bà có khả năng bị áp xe gan hoặc u gan.
Bệnh nhân được giới thiệu sang Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương). Các bác sĩ thăm khám và làm xét nghiệm nhận thấy bà bị sán lá gan lớn, không có khối u gan.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, trường hợp như bà P không hiếm. Tại khu khám bệnh, nhiều bệnh nhân tới khám vì ngứa da, đau tức hạ sườn thậm chí đau dạ dày nhiều năm không khỏi nhưng khi làm xét nghiệm lại do ký sinh trùng.
Bác sĩ Thọ nói thêm, gan thùy trái gần dạ dày nên nhiều bệnh nhân bị sán lá gan lớn xuất hiện triệu chứng dễ nhầm lẫn với đau dạ dày. Điều đó khiến họ điều trị nhiều năm liền không khỏi.
Trước đó, bác sĩ Thọ cũng từng tiếp nhận một bệnh nhân nam trú tại Thanh Hóa, đi siêu âm phát hiện u ở gan tại tuyến tỉnh. Bệnh nhân được chuyển sang điều trị ngoại khoa. Bác sĩ đã phẫu thuật cắt thùy gan nhưng khi cắt ra không phải u mà sán chui ra. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển sang chuyên khoa Ký sinh trùng điều trị.
Theo các chuyên gia, những người có thói quen ăn uống sống, đặc biệt là các loại thịt chưa qua chế biến hoặc chưa chín kĩ sẽ dễ mắc các loại kí sinh trùng.
Nguy cơ từ ăn đồ tái, gỏi
Ký sinh trùng như sán dây thường ký sinh trong thịt nạc, nội tạng động vật. Các món từ thịt, nội tạng bò, lợn nếu không được nấu chín có nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng.
Vào mùa hè, thời tiết nóng bức khó chịu, nhiều người thích tìm đến những món ăn mát, dạng tái nhiều hơn |
Con bò hay lợn khỏe mạnh, vi sinh vật không nhiễm trong thịt mà ở đường tiêu hóa. Do đó, khi giết mổ cần đảm bảo bộ phận tiêu hóa của bò hay lợn không bị vỡ, vi sinh vật sẽ không chui từ đường tiêu hóa ra ngoài. Nói cách khác, quy trình giết mổ sạch cho ra thịt sạch.
Nhìn chung, người tiêu dùng không biết được nguồn gốc thịt khi mua. Vì vậy, bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyên người dân cần cẩn trọng nếu ăn thịt bò tái bởi có nguy cơ nhiễm các ký sinh trùng như sán dải bò (sán xơ mít), sán lá gan. Các ký sinh trùng này có thể gây bệnh tại hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến ruột, gan và các cơ quan khác trong cơ thể.
Thói quen ăn rau sống, nước ép củ
Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM, rau sống có chứa nhiều loại ký sinh trùng như giun kim, giun tóc, giun móc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lỵ... nhất là các loại rau trồng gần khu vực có nguồn nước, đất bị ô nhiễm.
Thêm nữa, các loại giun sán hoặc trứng của chúng và ký sinh trùng có trong rau củ quả thường có kích thước rất nhỏ, khó quan sát bằng mắt thường. Do đó, nếu như bạn sơ chế không sạch sẽ, nguồn thực phẩm kém chất lượng, giun sán dễ xâm nhập vào cơ thể khi uống nước ép hoặc ăn sống.
Đối với các loại củ quả, tỷ lệ nhiễm giun sán hoặc các ký sinh trùng khác là có nhưng không cao so với rau xanh. Vì các loại củ quả có lớp vỏ bảo vệ, khi gọt vỏ chúng ta chỉ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ tay, các dụng cụ sơ chế và chế biến.
Theo thống kê, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh tiếp nhận 172 ca bệnh áp xe gan do sán lá gan lớn. Tất cả ca bệnh đều có thói quen ăn rau sống.
Tiết canh và nem chua
TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, bệnh viện liên tục tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán dây lợn do ăn tiết canh.
Tiết canh chứa rất nhiều mầm bệnh, làm tăng nguy cơ nhiễm giun sán cũng như bệnh đường tiêu hóa, viêm não... |
Đơn cử như trường hợp bà N.T.Q (ở Hải Dương) phải nhập viện vì đột ngột ngã quỵ tại nhà. Bà được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu. Tại đây, bà được chẩn đoán bị ấu trùng sán lợn lên não và được chuyển sang Bệnh viện Đặng Văn Ngữ điều trị.
Bà Q kể: “Mỗi tháng tôi chỉ ăn tiết canh một lần cho mát. Tiết canh nhà tự làm rất sạch sẽ, ai ngờ lại bị bệnh thế này. Lúc bác sĩ nói tôi còn không tin”.
Theo bác sĩ Thọ, tất cả các loại tiết canh dù là tiết canh lợn, dê, vịt… thực chất đều là máu sống và đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn, giun sán… Tiết canh từ lợn do gia đình nuôi vẫn có nguy cơ lây nhiễm sán cao.
Còn nem chua là thực phẩm không được nấu chín mà lợi dụng hơi men của lá (lá ổi, lá sung) và thính gạo để làm chín. Do vậy, nem chua cũng có thể là nguồn dễ lây nhiễm sán, giun sang người ăn.
Nem đủ ngày, đủ độ chua, axit trong nem có thể tiêu diệt trứng, ấu trùng sán. Nem chưa lên men đủ ngày thì trứng, ấu trùng sán nếu có trong nem chưa bị tiêu diệt, người ăn có thể bị nhiễm ký sinh trùng.
Ngộ độc thực phẩm vì ăn dưa lê để tủ lạnh qua đêm Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận các ca ... |
Phòng chống ngộ độc hải sản khi đi biển dịp hè Ngộ độc thực phẩm là một trong những nỗi lo của du khách khi đi du lịch. Để tránh rước họa vào thân, người dân ... |
Bí quyết đảm bảo an toàn thực phẩm khi đưa trẻ về quê dịp hè Đưa trẻ về quê mỗi khi hè đến, các bậc cha mẹ đều có nỗi lo chung là làm sao để bảo đảm cho trẻ ... |