Phòng chống ngộ độc hải sản khi đi biển dịp hè
Ngộ độc vì ăn hải sản lạ
Ngày 17/6 vừa qua, Trung tâm y tế quân dân y huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) xác nhận, một bệnh nhân nghi bị ngộ độc hải sản, có sử dụng bia rượu đã tử vong tại đơn vị.
Bệnh nhân là nam, 44 tuổi được đưa đến cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, vệ sinh không tự chủ. Người đi cùng bệnh nhân cho biết, bệnh nhân đã ăn cua biển không rõ loài, kèm theo uống rượu. Món cua biển do những người tham gia ăn nhậu tự chế biến.
Dù được các y bác sĩ tận tình cấp cứu nhưng bệnh nhân sau đó đã tử vong.
Trước đó, vào giữa tháng 5, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng tiếp nhận cấp cứu 2 trường hợp bệnh nhân là vợ chồng bị ngộ độc sau khi vô tình ăn phải loại ốc biển có độc tính.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, một ngày trước khi nhập viện, 2 vợ chồng cùng đi ăn ốc buổi tối, sau ăn cả 2 cảm thấy tê lưỡi, tê đầu môi, tê bì chân tay. Sáng ngủ dậy, bệnh nhân xuất hiện tình trạng chóng mặt, đi lại khó khăn nên lập tức đến bệnh viện cấp cứu.
Hải sản là món ăn yêu thích của nhiều người khi đi du lịch biển |
Ngay khi tiếp nhận cấp cứu và xác định tình trạng các bệnh nhân bị ngộ độc hải sản (ốc biển), các bác sĩ đã nhanh chóng điều trị thải độc và hồi sức tích cực theo phác đồ. Sau 5 ngày tình trạng sức khỏe hai bệnh nhân hồi phục tốt, được xuất viện.
Với đặc thù địa phương vùng biển, hằng năm, Bệnh viện Bãi Cháy cũng như nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ghi nhận không ít trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc hải sản như so biển, ốc biển… Ngoài những trường hợp vô tình ăn phải vẫn có những trường hợp chủ quan cố tình sử dụng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời gian gần đây trung tâm tiếp nhận một số bệnh nhân bị ngộ độc ciguatera do ăn hải sản.
Những bệnh nhân này có khi là một người nhập viện riêng lẻ, nhưng cũng có khi là một nhóm người sau khi đi du lịch có ăn hải sản, hoặc ăn hải sản tại các nhà hàng hoặc mua các loài cá nhập khẩu về ăn.
Đáng chú ý, độc tố ciguatera không mùi, không vị, không bị phá hủy khi đun nấu, bền vững trong môi trường axit, muối.
Các loại cá biển chứa độc tố ciguatera là các loài cá ở rạn san hô: Cá nhồng, cá hồng, cá chình, cá tầm cá cháo, cá cam, cá mú, cá mó, cá vược... Có 5 độc tố được phát hiện gồm có ciguatoxin (độc tố chính), maitotoxin, scaritoxin, palytoxin, okadaic acid.
Lựa chọn hải sản có nguồn gốc uy tín
Hải sản là món ăn giàu dinh dưỡng, được nhiều người yêu thích đặc biệt khi đi biển. Tuy nhiên, vào mùa du lịch, lượng khách tăng đột biến khiến cho nhiều cơ sở, hàng quán phục vụ không đảm bảo được vệ sinh như ngày thường.
Bên cạnh đó, việc phải bảo quản quá nhiều đồ ăn cũng khiến nguồn thực phẩm không còn được đảm bảo.
Theo BSCKI Nguyễn Thế Hưng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Bãi Cháy), ngộ độc một số loại hải sản thì các triệu chứng từ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào lượng độc tố xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, thời gian chuyển bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.
“Biểu hiện thường gặp trên các bệnh nhân ngộ độc hải sản như so biển, ốc biển… chúng tôi từng tiếp nhận đó là tê môi, lưỡi, tay, chân, chóng mặt, nôn, đau bụng, tiêu chảy… Ngộ độc nặng bệnh nhân có thể bị khó thở, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, liệt cơ hô hấp, suy hô hấp… thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Hưng cho biết.
Do đó, để giảm nguy cơ ngộ độc nên chỉ ăn uống các loại thực phẩm chế biến đúng cách, hạn chế ăn hàu, trai, sò tươi sống. Đặc biệt với món gỏi, tiết canh... tốt nhất không nên thử để tránh ngộ độc.
Biện pháp phòng tránh ngộ độc hải sản tốt nhất khi đi du lịch hè đó là thực hiện ăn chín uống sôi |
Theo bác sĩ Đào Trần Tiến (Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), các loại hải sản cần được lựa chọn khi còn tươi sống trước khi chế biến, sơ chế đảm bảo vệ sinh và nấu chín kỹ trước khi ăn để đảm bảo vệ sinh. Mọi người không nên sử dụng hải sản đã ôi thiu, bảo quản lâu ngày do có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
Độc tố của một số vi khuẩn hoặc chất độc tự nhiên như tetrodotoxins có thể chịu được nhiệt độ cao, dù đã được nấu chín, chế biến kỹ vẫn tồn lưu trong hải sản, gây ngộ độc sau ăn.
Hải sản cũng là loại thực phẩm có hàm lượng protein, đạm và khoáng chất cao nên nếu ăn nhiều, hệ tiêu hóa khó hấp thu và chuyển hóa hết, gây rối loạn tiêu hóa.
Do đó, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, không nên ăn lẫn hải sản với nhiều loại thực phẩm vì điều này sẽ gây hậu quả xấu cho đường tiêu hóa như đầy bụng, đau bụng... chưa kể có nhiều loại khi kết hợp sẽ gây ra độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Ngoài ra nhiều khách du lịch còn muốn thưởng thức những loại hải sản lạ, cũng gây khả năng ngộ độc cao.
“Để tránh ăn phải những loại hải sản có độc, người dân cần lưu ý: Không nên ăn những loại mới lạ, không rõ nguồn gốc, tên gọi, cần phân biệt được một số loại hải sản chứa độc tố có thực thể giống với loại không độc tố trước khi sử dụng”, bác sĩ Hưng nói thêm.
Vì sao uống nước măng chua có thể gây ngộ độc thực phẩm? Theo thông tin của Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), đơn vị vừa cấp cứu một bệnh nhân ngộ độc nặng do uống ... |
Cấp cứu bệnh nhân nữ bị động kinh do ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật Cấp cứu và điều trị thành công cho trường hợp bệnh nhân trạng thái động kinh do ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật. |
Ngộ độc vì ăn nấm ký sinh trên xác về sầu, bé trai 12 tuổi nguy kịch Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết đang điều trị cho một bệnh nhi ăn nấm ký sinh trên xác ve sầu dẫn đến ... |