Hiểm hoạ từ… ăn rau sống
Đặc biệt, khi rau sống không đảm bảo vệ sinh (tưới bón phân tươi, phân bắc chưa ủ kỹ, sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy định…), thì lại là món ăn mang theo mầm bệnh làm cho người ăn dễ bị viêm nhiễm đường tiêu hoá, bệnh giun sán, nhiễm độc thuốc trừ sâu cấp và mạn tính.
Mắc ký sinh trùng do thói quen ăn rau sống
Ăn rau sống là sở thích của nhiều người bởi sự thơm ngon, lại là giải pháp chống ngán khi mâm cơm có nhiều chất đạm, mỡ. Tuy nhiên, không ít người phải vào viện vì thói quen này.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Medlatec (Hà Nội) cho biết, mới đây, một nữ bệnh nhân 38 tuổi đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe bất ngờ phát hiện mắc ký sinh trùng. Bệnh nhân ngã ngửa khi biết nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ thói quen vô tình thường ngày.
Đó là trường hợp của chị N.T.H sinh sống ở Hà Nội đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ. Chị H cho biết, thỉnh thoảng tức nặng bắp chân hai bên, có thói quen ăn rau sống và thường xuyên tiếp xúc với chó mèo.
Qua xét nghiệm tìm giun sán cho kết quả dương tính với giun đũa, giun tròn, giun lươn, giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định tổn thương gan, lách, phổi, theo dõi do ký sinh trùng.
Sau đó, bệnh nhân được tư vấn, điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư để tránh biến chứng có thể xảy ra.
Rau sống là món ăn quen thuộc trong mâm cơm của nhiều gia đình Việt |
Tương tự, anh Phạm Thành Trung (Minh Khai, Hà Nội) cũng cho biết, anh đã từ bỏ thói quen ăn rau sống sau đợt nằm viện vừa qua . Theo anh Trung, anh thích ăn rau sống, nghiện món cá nướng cuốn với rau muống và thịt vịt ăn với rau ngổ sống.
Một hôm anh bắt đầu có triệu chứng đau hạ sườn phải âm ỉ, không đặc hiệu. Người có cảm giác mệt mỏi, đầy bụng và khó tiêu. Anh đã uống men tiêu hoá và thuốc đau bụng ngoài hiệu thuốc mà không thấy đỡ. Sau đó khi nhập viện, qua thăm khám lâm sang, khai thác tiền sử của bệnh nhân và các xét nghiệm ban đầu, hình ảnh chụp phim cộng hưởng từ gan cho thấy bệnh sán lá gan lớn.
Chị Trần Thị Nga (Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết, gần đây chị bắt đầu xuất hiện những cơn ngứa ngoài da. Bôi đủ các loại thuốc không hết, chị hết sức bất ngờ với kết luận của bác sĩ khi bị nhiễm 7 loại giun sán (sán lá gan nhỏ, sán lợn, sán dây chó, sán lá phổi, sán máng, giun lươn và giun đũa chó, mèo) vì thói quen ăn rau sống.
Theo khuyến cáo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), rau sống tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất lớn. Nguyên nhân là do người trồng rau có tập quán dùng nước thải, nước phân tươi tưới rau. Còn người bán ở các chợ đầu mối thì dùng nước bẩn, nước cống phun để giữ rau tươi.
Trong khi đó, người sử dụng cũng không chú ý đến việc rửa rau sạch. Các loại ký sinh trùng phổ biến trong rau sống là giun kim, giun móc, giun tóc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip…
Mẹo ăn rau sống an toàn
Tiến sĩ Vũ Minh Điền - Phó Trưởng khoa Nội Tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ) cho biết, người mắc bệnh sán lá gan thường có triệu chứng đau hạ sườn phải âm ỉ, không đặc hiệu. Người bệnh thường có cảm giác mệt mỏi, đầy bụng và khó tiêu. Rất nhiều trường hợp không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt.
Nhiễm sán lá gan cấp tính có thể gây đau bụng, gan to, buồn nôn, sốt, nổi mề đay, sụt cân… Nếu một người nhiễm sán lá gan lớn mãn tính không được điều trị lâu ngày có thể dẫn đến các biến chứng: Viêm đường mật; sỏi mật; viêm túi mật; viêm tụy; xơ đường mật và xơ hóa gan.
Để phòng bệnh sán lá gan lớn, người dân không nên ăn sống các loại rau mọc dưới nước như: rau muống, rau ngổ, rau cần, cải xoong, rau rút… Không uống nước lã. Những người vốn có thói quen ăn các loại rau mọc dưới nước (đầm, ao, hồ ...), ăn sống hoặc không được chế biến kỹ, cũng nên đi khám, tầm soát bệnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), việc rửa rau bằng nước muối chỉ hạn chế phần nào nguy cơ mắc bệnh, do ký sinh trùng chỉ được tiêu diệt hoàn toàn trong điều kiện 100 độ C.
Do đó, sau khi rửa rau, bạn nên để sạch ráo nước hoặc vẩy ráo nước hoàn toàn mới sử dụng, hạn chế khả năng mắc ký sinh trùng. Tuyệt đối không được vẩy qua rồi ăn ngay, vì giun sán vẫn đọng lại trong nước, bám vào các bộ phận của rau, dễ gây đau bụng, nhất là trẻ em, người tiêu hóa kém, người mắc bệnh đường ruột.
Không nên ngâm rau sống quá lâu (trên 10 phút), khiến rau bị nhũn, giảm chất dinh dưỡng. Bạn cần nhặt sạch rồi rửa nhiều lần bằng nước, rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy, từ hai đến ba nước. Nếu là cọng rau lá to thì bẻ ra từng nhánh, từng lá để rửa. Khi rửa, nên khoắng đều tay theo vòng tròn của chậu để rau sạch hơn.
Để việc ăn rau sống được đảm bảo hơn, rau cần được nhặt sạch rồi rửa nhiều lần bằng nước sạch, tốt nhất nên rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy là biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ trứng giun, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng hóa chất trừ sâu vẫn còn bám trên rau |
Ngoài ra, để tránh mắc giun sán từ thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân hạn chế ăn uống vỉa hè, hàng rong; không ăn các loại gỏi, rau, cá, thịt tái, thịt chua không rõ nguồn gốc; giữ gìn vệ sinh cá nhân, cắt móng tay gạch sẽ, gọn gàng, không cho trẻ có thói quen ngậm tay, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn.
Người dân nên rửa sạch tay sau khi chơi với vật nuôi trong nhà, hoặc sau khi phơi nhiễm với các nơi có nguy cơ nhiễm bệnh; vệ sinh sạch sẽ, loại bỏ ngay phân của thú cưng để ngăn ngừa trứng từ các con vật nhiễm bệnh; vệ sinh đúng nơi quy định, không sử dụng phân tươi để bón cho rau, nên bón cây khi phân đã được ủ mục.
Đừng để ngộ độc hải sản trở thành nỗi lo mùa du lịch Nhiều gia đình đang lên kế hoạch cho chuyến du lịch biển vào dịp hè này, mà đã đi biển thì thật khó cưỡng lại ... |
Những loại thực phẩm dễ gây rối loạn tiêu hoá Rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra ở mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi khác nhau. Tình trạng này có thể gây nên ... |
Những sai lầm khi ăn ốc dễ gây đau bụng Ốc là món ăn ngon nhiều người yêu thích. Ốc thường được chế biến thành những món như luộc, hấp, nướng nhưng nếu không đúng ... |