Những sai lầm khi ăn ốc dễ gây đau bụng

Ốc là món ăn ngon nhiều người yêu thích. Ốc thường được chế biến thành những món như luộc, hấp, nướng nhưng nếu không đúng cách có thể tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.

Nguy cơ nhiễm ký sinh trùng

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương, vỏ ốc rất dày và cứng.

Vì vậy, phải mất nhiều thời gian đun nấu để thịt ốc bên trong có thể chín hoàn toàn. Với ốc nướng, có khi vỏ ốc cháy nhưng bên trong chưa chín. Trong khi đó, nhiều người thấy vỏ cháy xém, nghĩ là ốc đã chín và lấy ra ăn. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người bị nhiễm sán từ ốc.

Bác sĩ Phan Thị Thu Phương (Bệnh viện Đặng Văn Ngữ) kể có nữ bệnh nhân (35 tuổi, trú tại Hà Nội) vào viện khám vì thường xuyên đau tức hạ sườn; Người mệt mỏi, chán ăn, sốt thất thường, rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhân đã đi kiểm tra ở nhiều nơi nhưng không rõ bệnh. Cách đây không lâu, chị được người quen giới thiệu đi kiểm tra ký sinh trùng.

Khi làm xét nghiệm Elisa, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng. Bệnh nhân này không ăn rau sống hay các loại rau thủy sinh. Từ lâu, chị chỉ ăn đồ chín, không ăn các loại dưa, gỏi sống. Khi được bác sĩ chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng, nữ bệnh nhân bất ngờ.

Những sai lầm khi ăn ốc dễ gây đau bụng
Đối với các món hấp, xào, nhiều người thường chủ quan không chế biến kỹ khiến ốc còn sống hoặc chín tái

Kiểm tra lại thói quen của bệnh nhân này, bác sĩ cho biết có thể thói quen ăn ốc luộc của bệnh nhân là nguy cơ nhiễm bệnh.

“Nhiễm ký sinh trùng rất khủng khiếp, tôi thấy nhiều bệnh nhân đến khám với chi chít nang sán ở trong cơ, gan, não, phổi nên tôi cũng sợ không dám ăn uống linh tinh như trước”, bác sĩ Phương chia sẻ.

Thực tế, ốc bán tại các hàng quán thường chỉ được nấu ở mức vừa chín tới vì nấu chín kỹ sẽ dai, mất độ giòn. Chính cách chế biến này khiến nguồn lây bệnh ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể.

Nhiều trường hợp nhiễm sán lá gan nhỏ chia sẻ bản thân không bao giờ ăn đồ ăn sống như gỏi cá hay tôm, song khi khai thác kỹ hơn, họ nói thường xuyên ăn ốc luộc ngoài hàng.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, ốc sống trong môi trường bùn sâu thường chứa rất nhiều loại ký sinh trùng có hại cho cơ thể. Mỗi con ốc có thể chứa 3.000 - 6.000 ký sinh trùng giun ống.

Vì vậy, nếu ăn ốc chưa chín, các loại ký sinh trùng có thể xâm nhập, gây bệnh cho cơ thể. Các bệnh ký sinh trùng từ ốc thường nhắm vào nhiều cơ quan như phổi, gan, mật, ruột, não và thận dẫn đến những hệ lụy xấu cho sức khỏe.

Dễ bị lạnh bụng, ngộ độc

Ốc là món ăn vặt khoái khẩu của nhiều người. Về dinh dưỡng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ốc ít chất béo, giàu protein và vitamin cùng khoáng chất cần thiết cho cơ thể như magie, selen, vitamin E và phốt pho. Cụ thể, trong 100g ốc người ta tìm thấy 10,7g protein; 1,2g lipit; 3,8g cacbohydrat; 1.357mg canxi; 191mg photpho; 19,8mg sắt; vitamin B1, B2, A…

Theo nghiên cứu trong đông y, ốc có tính hàn, vị ngọt. Khi ăn, ốc có tác dụng thanh nhiệt lợi thủy, giải độc tiêu nhọt, trị bệnh đái khó tiêu, phù nước, tiêu khát, trĩ ra máu, sưng đỏ mắt… Một số thầy thuốc đông y cho rằng, ăn ốc nước ngọt nhất là ốc đồng còn có tác dụng trấn tĩnh thần kinh não. Đây là món ăn lý tưởng cho người thường bị căng thẳng thần kinh.

Những sai lầm khi ăn ốc dễ gây đau bụng
Nên ngâm ốc bằng nước vo gạo, giấm, nước muối pha chanh hoặc ớt để ốc nhả hết sạn bẩn

Tuy nhiên ốc cũng dễ gây lạnh bụng, đau bụng, tiêu chảy. Tình trạng này sẽ thường xảy ra ở những người bị yếu bụng, có cơ địa nhạy cảm.

Bên cạnh đó, nhiều người có thói quen uống rượu bia khi ăn ốc. Tuy nhiên, trên thực tế, các loại ốc, tôm, cua... giàu đạm, canxi khi đi vào cơ thể sẽ tạo nên nhiều acid uric gây bệnh gout.

Trong khi đó, thành phần rượu bia cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ gây bệnh này. Do đó, khi kết hợp 2 loại này với nhau sẽ đẩy nhanh quá trình hình thành bệnh gout cũng như các vấn đề xấu khác đối với cơ thể.

Ngoài ra, khi ăn ốc cùng các loại thực phẩm giàu vitamin C, chúng có thể gây đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, hoặc nặng hơn là ngộ độc thực phẩm hoặc âm thầm gây hại cho sức khỏe, nhất là cơ quan tiêu hóa.

Nơi dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm nhất trong nhà Nơi dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm nhất trong nhà

Theo thống kê, nơi có tỷ lệ xảy ra ngộ độc thực phẩm cao nhất không phải là ở các quầy thức ăn lề đường, ...

Nâng cao kiến thức bảo quản thực phẩm đúng cách Nâng cao kiến thức bảo quản thực phẩm đúng cách

Bảo quản thực phẩm sau khi được chế biến đúng cách là một yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn và sức khỏe ...

Ngộ độc thực phẩm vì ăn dưa lê để tủ lạnh qua đêm Ngộ độc thực phẩm vì ăn dưa lê để tủ lạnh qua đêm

Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận các ca ...

Quang Minh
Phiên bản di động