Nơi dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm nhất trong nhà

Theo thống kê, nơi có tỷ lệ xảy ra ngộ độc thực phẩm cao nhất không phải là ở các quầy thức ăn lề đường, cũng chẳng phải những gánh hàng rong mà trong chính căn bếp của gia đình.

Bếp là khu vực chứa nhiều vi khuẩn dễ dẫn tới ngộ độc thực phẩm bởi vấn đề vệ sinh nhà bếp vẫn chưa được nhiều người thực sự chú trọng.

Việc vệ sinh và khử trùng bồn rửa không được làm thường xuyên, dụng cụ nấu nướng để lâu không hong phơi, khăn lau bát không thay thường xuyên, kệ chén bát thì ít lau chùi hay tủ lạnh thì cả năm mới tổng vệ sinh một lần. Với những lý do như vậy, ngộ độc thực phẩm là điều rất dễ xảy ra.

Làm sạch khăn lau bát đúng cách

Viết trên trang The Conversation, giảng viên cao cấp về vi sinh học lâm sàng tại Đại học Leicester (Anh), ông Primrose Freestone, cho biết một số nghiên cứu về khăn lau bát đĩa đã tìm thấy một loạt vi khuẩn gây bệnh, có thể khiến bạn bị đau bụng và một loạt các vấn đề khác.

Sự thật là các khăn lau bát đĩa thường bị ẩm ướt hoặc cuốn nhàu nát trong góc bếp.

Theo ông Primrose, chính độ ẩm liên tục này đã khiến cho khăn lau bát đĩa trở thành “ổ chứa vi khuẩn vì nước giúp vi trùng phát triển”.

"Vì vậy, một chiếc khăn ẩm để trong căn bếp ấm áp sẽ tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi”, ông Primrose cho biết.

Do đó, chuyên gia đề xuất sử dụng khăn vải hoặc khăn giấy dùng một lần cho những khu vực bị nhiễm bẩn nặng, chẳng hạn như những khu vực liên quan đến thịt sống, để giúp ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn.

Tốt nhất là bạn nên giặt khăn lau bát thường xuyên. Bạn có thể vệ sinh chúng một cách hiệu quả bằng cách cho vào máy giặt, chọn chu trình giặt nóng 90 độ C với bột giặt. Điều này sẽ giúp giảm mức độ vi khuẩn. Sau đó, bạn hãy cất khăn lau bát đĩa mới giặt ở nơi khô ráo, sạch sẽ, tránh xa mọi thức ăn chưa nấu chín và bàn tay bẩn.

Giữ vệ sinh nơi chế biến thực phẩm và đồ dùng nấu nướng

Theo TS.BS Nguyễn Anh Tuấn (Bộ môn Nhi - ĐH Y Dược TP HCM, thư ký Chi hội Tiêu hóa nhi Việt Nam), vi khuẩn trong bếp nhiều nguyên nhân phần lớn xuất phát từ những thói quen không tốt của các bà nội trợ. Đa số các bà nội trợ đều không có thói quen rửa tay trước khi chế biến món ăn.

Một số nghiên cứu cho thấy chỉ có 34% người dân rửa tay trước khi làm món ăn và đa số chẳng bao giờ rửa tay với xà phòng. Rửa xong chén, bát vẫn để miếng rửa chén trong hộp đựng ẩm ướt, đầy mẫu thức ăn là thói quen xấu dẫn đến vi khuẩn sinh sôi hàng triệu lần trong miếng rửa chén khi để qua đêm.

Nơi dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm nhất trong nhà
Trên thực tế bếp mới là mảnh đất màu mỡ để vi khuẩn sinh sống

Bên cạnh đó, nhiều người vẫn thường sử dụng miếng rửa chén để lau bề mặt bếp, bồn rửa và các bề mặt khác đã vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn, đặc biệt là các loại vi khuẩn thường gây ngộ độc như E.coli, salmonella lan rộng ra và bị lây nhiễm chéo vào đồ ăn, thức uống.

Dùng chung một thớt để chế biến các loại thức ăn cũng là sai lầm lớn. Không làm sạch bồn rửa chén, không rửa sạch tủ lạnh thường xuyên, không làm sạch tay vặn và đầu nòi nước trước khi mở tủ… cũng là những thói quen xấu nguy hiểm của các bà nội trợ.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo khu vực chế biến thực phẩm phải đặt ở nơi có ánh sáng, thoáng khí và thông gió, không có nước đọng, xa các khu khói, bụi bẩn, nhà vệ sinh hoặc khu chăn nuôi gia súc, rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Những vật dụng và đồ dùng nấu nướng phải dễ cọ rửa, không để dụng cụ bẩn qua đêm, bát đĩa dùng xong phải rửa ngay, dụng cụ tiếp xúc với thức ăn chín và sống phải để riêng biệt. Không dùng dụng cụ bằng đồng, nhôm, thủy tinh gia công, nhựa tái sinh có màu để nấu nướng và tuyệt đối không được dùng bao bì đã sử dụng để đựng thực phẩm đã nấu chín.

Thói quen sai lầm biến tủ lạnh thành ổ bệnh

Nơi dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm nhất trong nhà
Tủ lạnh cũng là nơi dễ sinh sôi vi khuẩn nếu không sử dụng đúng cách

Theo PGS, TS Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhiều thói quen sai lầm vô tình đã biến tủ lạnh thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc, thậm chí là vi khuẩn listeria phát triển. Đó là sau bữa ăn từ 2 đến 3 giờ đồng hồ, thức ăn thừa (thịt, cá…) mới được cất vào tủ lạnh. Trong khoảng thời gian này, khi thức ăn không được bảo quản, lại được để ở nhiệt độ bên ngoài thì vi khuẩn đã phát triển, sau đó mới được bảo quản trong tủ lạnh là thói quen không có lợi.

Ngoài ra, việc đưa bát đựng thức ăn thừa, thậm chí đưa nguyên cả xoong nồi đựng thực phẩm chưa dùng hết vào tủ lạnh cũng làm tăng khả năng nhiễm khuẩn chéo làm hỏng thức ăn, khiến con người dễ bị ngộ độc. Thêm vào đó, khi đi chợ về, các bà nội trợ thường cho hết cá, thịt, rau… chưa được rửa sạch có thể bị nhiễm bẩn, vi khuẩn vào tủ lạnh.

Đặc biệt, nhiều gia đình có thói quen tích trữ rất nhiều thực phẩm trong tủ lạnh, khiến không khí không lưu thông, nhiệt độ không bảo đảm, dẫn đến thực phẩm dễ bị hỏng, thậm chí tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát triển.

Nâng cao kiến thức bảo quản thực phẩm đúng cách Nâng cao kiến thức bảo quản thực phẩm đúng cách

Bảo quản thực phẩm sau khi được chế biến đúng cách là một yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn và sức khỏe ...

Ngộ độc thực phẩm vì ăn dưa lê để tủ lạnh qua đêm Ngộ độc thực phẩm vì ăn dưa lê để tủ lạnh qua đêm

Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận các ca ...

Ngộ độc vì bát canh cua Ngộ độc vì bát canh cua

Bệnh viện đa khoa Tâm Anh tiếp nhận và chữa trị cho 4 bệnh nhân là thành viên trong một gia đình bị ngộ độc ...

Quang Minh
Phiên bản di động