Nâng cao kiến thức bảo quản thực phẩm đúng cách
Mùa hè đến cũng là lúc thời tiết nắng nóng, nhiệt độ thường xuyên từ 37 đến 40 độ C là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân so với thời tiết bình thường, dễ làm cho thực phẩm nhanh ôi thiu.
Thêm vào đó, thói quen đơn giản của mọi người trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến... không bảo đảm an toàn vệ sinh cũng làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Hoa quả để trong tủ lạnh nhưng vẫn bị hư hỏng |
Vì vậy, bệnh liên quan đến đường tiêu hóa cũng hay xảy ra vào thời điểm này. Do đó, mỗi người cần đặc biết chú ý đến việc bảo quản thực phẩm đúng cách để phòng tránh ngộ độc thực phẩm hay các bệnh về đường tiêu hoá.
Mới đây, tại Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tiếp nhận ca bệnh với chẩn đoán nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn.
Bệnh nhân cho biết, buổi sáng trước khi vào viện, bệnh nhân có ăn một quả dưa lê đã cắt và để trong tủ lạnh từ tối hôm trước. Sau khi ăn khoảng 2 giờ đồng hồ, bệnh nhân bắt đầu buồn nôn, nôn ra dịch dạ dày có lẫn thức ăn, kèm theo đau bụng âm ỉ… May mắn, bệnh nhân đã được chẩn đoán, điều trị, chăm sóc kịp thời, toàn trạng ổn định và được ra viện.
Về trường hợp này, TS. Đại tá Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lưu ý, nhiễm khuẩn, nhiễm độc ăn uống là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường tiêu hóa. Bệnh cảnh lâm sàng chính là hội chứng viêm dạ dày, tiểu tràng cấp tính. Bệnh thường khởi phát đột ngột sau khi ăn phải thức ăn đã bị ô nhiễm bởi vi sinh vật gây bệnh hoặc độc tố của chúng.
TS. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) khuyến cáo, mùa nắng nóng, tất cả các thực phẩm đã qua chế biến chỉ nên để ở ngoài khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ. Nếu để lâu hơn, thực phẩm có thể ôi thiu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây ngộ độc khi ăn phải.
Muốn bảo quản thực phẩm lâu hơn, người dùng hãy để trong điều kiện lạnh như tủ lạnh, phích đựng đá, tốt nhất là đông lạnh. Thức ăn đã chế biến để trong tủ lạnh trước khi ăn nên đun sôi lại ở nhiệt độ trên 100 độ C và thời gian hơn 5 phút.
“Tủ lạnh có hai ngăn là đông đá và làm mát. Ngăn đông đá có nhiệt độ âm, tác dụng ngừng sự phát triển của vi khuẩn nên thực phẩm để được nhiều ngày, nhiều tháng tùy loại. Trong khi đó, ngăn mát (ngăn lạnh) từ 1 đến 5 độ C chỉ làm chậm sự phát triển của vi khuẩn. Do đó, thực phẩm để quá lâu trong ngăn mát vẫn tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, đặc biệt là thức ăn thừa không được đun nấu lại sau khi ăn mà đã cất ngay vào tủ lạnh.
Thời gian để thức ăn trong tủ lạnh không cố định nhưng không quá một đến hai ngày. Bên cạnh đó, việc ăn sống một số các loại thức ăn vẫn có nguy cơ bị ngộ độc, do đó tốt nhất nên ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn”, TS. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý.
Các thực phẩm được đóng gói kín khi được bảo quản trong tủ lạnh |
Theo đó, việc lưu trữ thực phẩm trong tủ lạnh cũng cần được chú ý cẩn thận. Các thực phẩm sau khi chế biến nên được đóng gói kín để ngăn chặn sự tiếp xúc với không khí và vi khuẩn từ môi trường bên ngoài.
Khi lưu trữ thực phẩm trong tủ lạnh, mỗi người nên đảm bảo các loại thực phẩm không tiếp xúc với nhau để tránh lây nhiễm. Ngoài ra, việc đánh dấu thời gian và ngày đóng gói trên bao bì sẽ giúp việc sử dụng thực phẩm theo đúng thứ tự.
Bên cạnh đó, tủ lạnh cần được thường xuyên vệ sinh định kỳ. Việc này giúp loại bỏ vi khuẩn và nấm mốc, đồng thời làm tăng tuổi thọ và hiệu suất của tủ lạnh.
Đề cập việc nên nấu thực phẩm ở nhiệt độ bao nhiêu độ C để phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, đối với chế biến thực phẩm bằng phương pháp đun nấu, bản chất là chúng ta đưa thực phẩm đến nhiệt độ sôi hoặc cao hơn 100 độ C là có thể tiêu diệt được hầu hết mầm bệnh, vi khuẩn.
Dù vậy, thời gian để duy trì mức nhiệt độ để tiêu diệt vi trùng, vi khuẩn gây bệnh tùy thuộc vào loại thực phẩm, vi trùng, vi khuẩn khác nhau. Bên cạnh đó, người dân cần lưu ý, thực phẩm khi ở dạng khối lớn như một miếng thịt lớn hoặc con gà to thì khi nấu cần bảo đảm phần thịt sâu bên trong phải đạt nhiệt độ chín đều trong một thời gian nhất định.