Những rắc rối khi học trực tuyến tại Việt Nam
Người lạ vào phá lớp
Thời gian gần đây, nhiều giáo viên và học sinh bất ngờ khi thấy có những kẻ lạ vào phá lớp học trực tuyến.
Cô con gái lớp 7 của anh Hưng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã tâm sự với bố rằng: Bố phải góp ý với cô và nhà trường, đừng để kẻ lạ vào phá lớp, phát video gây tiếng ồn rất khó chịu.
Thầy Mạnh Hải, một giáo viên dạy Hóa cấp 3 ở Hải Phòng cũng cho biết: dạo gần đây, có những kẻ lạ vào phát video, gây ồn lớp học trực tuyến. Giải pháp tạm thời của thầy là kích kẻ đó khỏi phòng học, kích nhiều lần kẻ lạ sẽ chán và không phá lớp nữa. Còn giải pháp lâu dài mà ngôi trường thầy dạy và Sở Giáo dục Đào tạo Hải Phòng đưa ra là chuyển sang phần mềm có bản quyền do Sở cấp.
Học sinh share tài khoản trên mạng xã hội, mời người lạ vào phá lớp học trực tuyến |
Nhiều thầy cô cho biết, kẻ lạ phá lớp không ai khác là do chính học sinh cá biệt trong lớp chia sẻ tài khoản lên mạng vì không muốn học trực tuyến. Điều này khiến các thầy cô mất nhiều thời gian điểm danh, trực để kích người lạ ra bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là hầu hết các trường ở Việt Nam vẫn đang tận dụng những phần mềm miễn phí để phục vụ công tác dạy học trực tuyến như phần mềm Zoom.
Để tránh hiện tượng người lạ vào phá lớp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các thầy cô báo công an điều tra. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu ngành giáo dục địa phương giới thiệu cho giáo viên những giải pháp, phần mềm dạy học uy tín, khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền, do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tin Truyền thông giới thiệu sử dụng miễn phí trong mùa Covid-19.
Gián đoạn lớp học vì lỗi kỹ thuật
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, kì nghỉ Tết của học sinh Việt Nam đã kéo dài thêm 2,5 tháng và hiện tại chưa biết thời điểm sẽ trở lại trường khi nào. Giải pháp học trực tuyến ban đầu được một số trường sử dụng như một công cụ ứng phó tình thế. Và khi thời gian nghỉ kéo dài, đây trở thành một giải pháp được đa số các trường trên toàn quốc áp dụng.
Việc áp dụng cấp tập và nhanh chóng ở quy mô lớn cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề. Hầu hết nhà trường cũng như gia đình phụ huynh không có sự chuẩn bị tối ưu về phương tiện, đường truyền. Bên cạnh đó, giáo viên và học sinh cũng thiếu và yếu các kỹ năng cần thiết về công nghệ thông tin của để phục vụ việc học trực tuyến.
Lớp học trực tuyến có thể bị gián đoạn vì trục trặc kĩ thuật |
Bởi vậy, lớp học dễ bị gián đoạn do trục trặc về kết nối mạng, đường truyền, micro của HS phát biểu mà cô không nhận được… Khi trò gặp trục trặc về đường truyền, kết nối, phụ huynh và cả giáo viên đều lúng túng khi hỗ trợ vì chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý về mặt công nghệ thông tin.
Hạn chế về khoảng cách cũng khiến giáo viên khó kiểm soát lớp học, không biết học sinh có tham gia cả buổi hay không.
Chênh lệch về thiết bị, điều kiện dạy học giữa các vùng miền
Việc chuẩn bị về mặt thiết bị, đường truyền ở các gia đình nghèo có từ 2-3 con tham gia học trực tuyến trong giai đoạn này cũng là một cản trở không nhỏ.
Điều kiện kinh tế gia đình cũng làm nên sự khác biệt về kĩ năng công nghệ thông tin của các học sinh, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả học tập trực tuyến của các em. Trong khi các em thuộc gia đình khá giả có điều kiện tiếp xúc với máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng từ rất sớm và có thể làm chủ thiết bị này phục vụ việc học tập thì ở khu vực nông thôn, miền núi, các gia đình nghèo vùng đô thị sẽ có những học trò chưa từng được sờ đến cái máy tính hay điện thoại thông minh.
Sự chênh lệch này dẫn tới nỗi lo của cả phụ huynh và nhà trường là nếu áp chung một cách thức kiểm tra, đánh giá và tính vào thời gian học chính khóa thì khó tránh khỏi “bệnh hình thức” và hậu quả là HS sẽ chịu thiệt thòi lớn nhất, khi đã học mà như chưa học.
Tăng áp lực lên giáo viên, học sinh và cả phụ huynh
Với giáo viên, việc dạy và học trực tuyến khiến họ mất nhiều thời gian chuẩn bị hơn nhiều lần. Nhà giáo Trịnh Thu Tuyết chia sẻ với VietNamNet khẳng định, dạy online tuyệt đối không phải là một thú vui nhàn nhã.
Các thầy cô phải đầu tư nhiều thời gian và tâm sức hơn vào bài giảng, phải nói nhiều hơn, thao tác nhiều hơn với máy tính. Có rất nhiều đầu việc thuộc về “hành chính sự vụ” online, như cập nhật đầy đủ sổ điểm điện tử, sổ đầu bài điện tử, sổ báo giảng điện tử với những phần mềm thất thường hôm nay cập nhật, ngày mai mất tích. Chưa kể, ngoài học sinh, các thầy cô có thêm những người dự giờ, những "thanh tra" bất ngờ đến từ gia đình học trò mà đôi lúc những nhận xét của họ lại lọt vào micro lớp học.
Thay vì không gian lớp riêng tư, thầy cô phải dành một khoảng không gian riêng trong gia đình bố trí dạy học trong thời gian cách ly xã hội. Lúc đó, cả gia đình họ sẽ phải đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên.
Học sinh cũng áp lực không kém khi phải ngồi hàng giờ liền trên máy tính. Ngoài nỗi lo ảnh hưởng về thị lực, con còn thất vọng khi giơ tay phát biểu không được thầy cô chú ý, rồi còn bị phân tán bởi nhiều thư xung quanh như giải trí, đồ chơi...
Các phụ huynh phải ngồi kèm con, hỗ trợ con học trực tuyến ở nhà. |
Còn với các bậc phụ huynh, khi con học online, họ trở thành những IT công nghệ kiêm bảo mẫu bất đắc dĩ. Bất kì một trục trặc kĩ thuật nào xảy ra làm gián đoạn lớp học, học sinh cũng gọi phụ huynh xử lý. Và khi con chưa rèn luyện được kĩ năng tự học, tự chủ, phụ huynh phải ngồi giám sát cùng để đảm bảo chất lượng dạy học. Chưa kể việc học online còn phát sinh nhiều vấn đề khác như thầy cô yêu cầu chụp ảnh bài tập con làm, quay hình con đang thuyết trình... tất cả những nhiệm vụ này trở thành bài tập giao thêm cho phụ huynh.
Bất đồng về thu phí học online ở khối trường ngoài công lập
Con không được đến trường, phụ huynh gánh thêm nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn con học, việc học online không hiệu quả bằng việc đến trường. Trong khi đó, trường học vẫn mất chi phí trả lương cán bộ công nhân viên, chi phí vận hành nhà trường và thuê mặt bằng. Điều này làm nảy sinh bất đồng về thu phí học online ở khối trường ngoài công lập.
Với phụ huynh, nhiều người sẵn sàng hỗ trợ nhà trường, miễn sao họ nhận thấy việc học online thực sự hiệu quả với con em mình. Một số phụ huynh khác không đồng ý với việc nhà trường thu phí 100% như đi học trên lớp, phản đối việc nhà trường giữ cả tiền ăn và tiền xe đưa đón trong khi con vẫn ở nhà. Một bộ phận phụ huynh cho rằng, việc nhà trường triển khai học online gấp gáp và thực sự không hiệu quả, do đó, họ không muốn con tham gia và trả thêm bất cứ chi phí nào.
Về phía khối trường ngoài công lập. Có trường thu phí nguyên năm và không tính thêm phí học online. Tiền học phí những tháng con nghỉ học ở nhà sẽ được bù vào thời gian học sau này đảm bảo kết thúc năm học theo đúng cam kết từ đầu. Có trường tuyên bố vay ngân hàng trả lương thầy cô, không thu phí 1 số tháng trong năm và không nhận hỗ trợ từ phụ huynh. Có trường thu phí học online và phải điều chỉnh nhiều lần vì không được phụ huynh tán đồng.
Hiện tại, khi học sinh được dự đoán sẽ trở lại trường sớm nhất là khoảng giữa tháng 5, việc học trực tuyến vẫn đang là lựa chọn duy nhất và hữu hiệu nhất duy trì việc học tập bình thường và đối phó với dịch Covid-19. Từ chỗ chỉ triển khai ở quy mô nhỏ, việc dạy và học trực tuyến đã được Bộ Giáo dục &Đào tạo, Chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp để biến nguy thành cơ, biến giải pháp dạy và học online mùa Covid-19 thành cơ hội vàng cho chuyển đổi số quốc gia. Như vậy trong thời gian tới, những rắc rối khi học trực tuyến tại Việt Nam sẽ dần được gỡ bỏ. Và khi dịch Covid-19 kết thúc, học trực tuyến có thể trở thành một phần trong giáo dục tại nhà trường, giúp thế hệ trẻ Việt rèn luyện kĩ năng công nghệ thông tin từ nhà trường, sẵn sàng chuyển đổi số để hòa nhập với thế giới.