Những người ‘lội nước đi trước’ cùng dân chống dịch COVID-19

Giai đoạn 2 của cuộc phòng chống dịch COVID-19 tại Hà Nội ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng cán bộ cơ sở, những người "lội nước đi trước” cùng dân chống dịch không lây lan ra cộng đồng.
Cô gái biến 14 ngày cách ly thành thời gian dạy Tiếng Anh trực tuyến miễn phí Lãnh đạo Bộ Y tế nói về vụ lây nhiễm chéo Covid-19 trong bệnh viện 11 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 24/3, bệnh nhân 133 từng đến BV Bạch Mai

Việc phát hiện bệnh nhân N.H.N. (BN17) tại số nhà 125 Trúc Bạch dương tính với virus SARS-CoV-2 đã đặt Hà Nội và cả nước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19, khi các ca lây chéo bắt đầu xuất hiện. Giai đoạn 2 của "cuộc chiến" tại Hà Nội ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng cán bộ cơ sở, những người "lội nước đi trước” cùng dân chống dịch không để lây lan ra cộng đồng.

“Phải đặt mình ở vị trí người đi cách ly”

“Tối ngày 6/3 là một buổi tối không thể nào quên với mỗi lãnh đạo phường Trúc Bạch, khi một chuỗi sự kiện ập đến quá nhanh sau khi có kết quả dương tính của ca bệnh số 17. Đã vậy, thông tin trên mạng đồn thổi xung quanh bệnh nhân này đã tạo ra không ít lo lắng cho mọi người, khiến vô số cuộc gọi dồn dập tới di động của chúng tôi để thăm hỏi, check thông tin”, ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) nhớ lại.

Những người ‘lội nước đi trước’ cùng dân chống dịch COVID-19
Cán bộ phường, tổ dân phố vận động người dân đi cách ly vào tối ngày 6/3. Ảnh: NVCC

Thời điểm đó, tại Hà Nội chưa ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đột nhiên đến chiều tối 6/3, có thông báo ca nhiễm số 17 ở địa bàn phường Trúc Bạch, khiến cả hệ thống chính trị Hà Nội lo lắng. Ở cấp thành phố, ngay trong tối 6/3, UBND đã thành phố triệu tập cuộc họp khẩn về ca dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên trên địa bàn.

“Còn tại trụ sở phường Trúc Bạch, toàn bộ cán bộ đã có mặt để nhận lệnh phân công công việc. Lãnh đạo thành phố, quận và các chuyên gia y tế có mặt hướng dẫn cách ly. Lúc đó chỉ nghĩ đến từ “khoanh vùng”, “khoanh vùng”… làm sao nhanh nhất để dịch không lây lan. Với trang thiết bị bảo hộ cần thiết, chúng tôi đến gặp từng người dân để khoanh vùng người tiếp xúc. Lúc này 48 giờ đồng hồ là “thời điểm vàng” phòng dịch cần phát huy tối đa. Nhất là khi nghe thông tin ca bệnh số 17 đã về nước từ ngày 2/3 và sau đó có đi khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc. Càng khoanh vùng triệt để thì sẽ hạn chế việc lây lan dịch bệnh”, ông Nguyễn Dân Huy chia sẻ.

Những người ‘lội nước đi trước’ cùng dân chống dịch COVID-19
Bàn làm việc và chỗ ngủ của Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch trong những ngày cách ly.

Giao nhiệm vụ xong cho từng tổ công tác, quán triệt tác phong, ứng xử với người dân phải khéo léo thì đã nửa đêm; Chủ tịch phường Nguyễn Dân Huy đeo khẩu trang bước vào nhà số 125 phố Trúc Bạch và các hộ liền kề để vận động người dân đi cách ly. Đặc biệt trước thông tin lái xe đưa đón ca bệnh 17 thường ngồi các quán gần nhà, yếu tố lan truyền mầm bệnh ca, nên lãnh đạo phường Trúc Bạch quyết định cách ly cả tuyến phố.

Các tổ công tác chia nhau gõ cửa từng nhà lúc nửa đêm. Cảnh sát khu vực đi trước, tiếp theo là y tế phường, tổ trưởng dân phố cùng vào tư vấn, yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài và cung cấp cho chính quyền lịch sử đi lại trong 14 ngày.

“Nhiều người dân trong tuyến phố khi nhận thông tin có ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng lo lắng, cho nên chúng tôi phải giải thích, vận động họ tham gia cách ly. Vì nếu không cách ly, virus SARS-CoV-2 lan truyền sẽ khiến dịch bệnh phát tán trong cộng đồng, lúc đó sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều. Tôi khẳng định với người dân, chính quyền sẽ không bỏ rơi bất cứ ai và mọi việc sẽ được đảm bảo, chăm lo, mong người dân tuân thủ đúng quy định”, ông Huy kể.

Những người ‘lội nước đi trước’ cùng dân chống dịch COVID-19
Những ngày bình yên tại tuyến phố cách ly Trúc Bạch.

“Ngay trong đêm, 21 người đã được vận động đưa đi cách đi, trong đó, ngõ 119 phố Trúc Bạch cách ly hơn 10 người. Đến 3 giờ 30 phút sáng ngày 7/3, việc đưa người đi cách ly mới hoàn thành. Tiếp đó, là cách ly tại chỗ cả tuyến phố để đảm bảo an toàn cho người dân, tránh lây lan do trường hợp lái xe ngồi ở nhiều quán cạnh nhà. Với 7 người nước ngoài tại khu cách ly khi được giải thích cũng hoàn toàn vui vẻ chấp hành. Sáng 7/3, trong khi họp phòng chống dịch COVID-19 ở thành phố, tôi đã nghĩ hãy đặt mình là người bị cách ly để xem dân cần những gì thì mình mau chóng đáp ứng. Đầu tiên là nhu yếu phẩm phải đầy đủ ngay ngày đầu. Ngoài nhu yếu phẩm, các nhu cầu khác như khám chữa bệnh cũng được tính đến”, ông Nguyễn Dân Huy chia sẻ.

Nhìn lại quá trình chống dịch COVID-19 giai đoạn 2 trên địa bàn, hai đêm mùng 6-7/3 là áp lực nhất với những cán bộ cơ sở phường Trúc Bạch. Thậm chí do quá sức, bà Trần Thị Hồng Tuyết, Trưởng trạm y tế phườn, còn bị chảy máu cam; một y tá trẻ thì vừa trực ghi hồ sơ, vừa khóc.

Còn với ông Nguyễn Dân Huy, điện thoại liên tục đổ chuông các cuộc gọi từ bạn bè, người thân, người dân và lãnh đạo các cấp. Cứ 1 cuộc gọi đến kết thúc, thì điện thoại hiện 3-4 cuôc gọi nhỡ. “Biết đối mặt với dịch bệnh là nguy hiểm, nhưng là người đứng mũi chịu sào, mình không vững vàng làm gương thì không ai theo, nhất là lúc cấp bách, việc cần giải quyết nhanh. Khi đã vào guồng thì không còn biết sợ, cả tôi và đội ngũ cán bộ phường lao vào làm việc. Sau 2 ngày đầu tiên, tâm lý người dân ổn định, tĩnh tâm lại, nhiều người còn bảo có cách ly như thế này mới yên tâm. Người dân được chăm sóc đầy đủ các nhu cầu, được theo dõi sức khỏe y tế, tập luyện thể thao… để nâng cao sức khỏe, ai cũng mừng”, ông Huy chia sẻ.

Bốn ca dương tính với virus SARS-CoV-2, từ ca số 17 đến ca số 21, đều cư trú ở phường Trúc Bạch, họ không khai báo, tự cách ly ở nhà đã khiến ba tuyến phố với gần 500 người phải cách ly toàn diện. Ngoài ra, trên địa bàn phường Trúc Bạch vẫn còn 8.000 người cần tổ chức phòng dịch và giải quyết các công việc khác, nên trong 14 ngày cách ly, lãnh đạo phường chia thành các tổ công tác với đủ thành phần để thay nhau nắm tình hình và giải quyết công việc đột xuất. Trong vùng cách ly cũng phải đảm bảo chu toàn; mà ngoài cùng cách ly, thuộc địa bàn mình quản lý, thì cũng phải chu toàn không kém.

Là “điểm nóng” của giai đoạn 2, thành phố và quận Ba Đình đều có chỉ đạo, hướng dẫn, nhưng không thể làm thay phần việc của cấp phường như Trúc Bạch. Đơn cử như nhu yếu phẩm được quận chuyển về mỗi sáng, đội công tác phường trao tận tay cư dân vùng cách ly mỗi ngày hai cân gạo, thịt, cá, rau xanh. Riêng 7 người nước ngoài cư trú trong phố, "không quen nấu ăn như người Việt", được cấp khẩu phần riêng, thêm bánh mì, sữa tươi, hoa quả.

Trong sáng 9/3, một người dân trong phố Trúc Bạch bị bệnh tiểu đường lâu năm, tụt huyết áp phải ra ngoài khám. Ngay khi nhận tin báo, lãnh đạo phường cũng đắn đo nhiều phương án như nếu người này ra ngoài thì lực lượng gồm y tá, cảnh sát phải đi theo, xe cấp cứu, bố trí phòng khám riêng. Bác sĩ khám xong có thể phải cách ly 14 ngày theo quy định. Nếu mời vào khám thì theo quy trình cũng mất 14 ngày cách ly. Cuối cùng, ông Dân Huy bàn với trưởng trạm y tế phường, cử cán bộ y tế lấy mẫu máu bệnh nhân tại nhà mang đến Bệnh viện Thanh Nhàn xét nghiệm nhanh, rồi lấy thuốc về cho bệnh nhân khi có kết quả. Hiện tại, sức khoẻ người bệnh đã tiến triển tốt.

Những người ‘lội nước đi trước’ cùng dân chống dịch COVID-19
Ông Nguyễn Dân Huy (người thứ 4 từ trái sang) nhận quà tặng cho phường Trúc Bạch của Thành ủy Hà Nội.

“Ngày đầu tiên khi phát hiện ca bệnh số 17, cường độ làm việc của cán bộ phường lên đến 20 tiếng/ngày. Các ngày sau đó, lịch làm việc của tổ công tác phòng dịch COVID-19 cũng từ 7 giờ sáng và đến 22 giờ đêm. Khi mà khu phố đã yên giấc thì chúng tôi mới dám đi ngủ; nhưng cũng chẳng giấc ngủ nào yên vì luôn giật mình khi điện thoại đổ chuông, có thể đó là phản ánh của người dân về các các ca tiếp xúc F1, F2, rồi những tình huống phát sinh. Hôm nào có ca phải đưa đi cách ly, là coi như bỏ cơm, bỏ ngủ. Nói thật, có nhiều đêm tôi giật mình tỉnh giấc vì nằm mơ thấy mình dương tính. Nhưng dù thế, việc vẫn là việc, không thể nề hà, e ngại gì. Ngày nào chúng tôi chẳng vài lần ra vào các nhà có ca dương tính, rồi cũng quen”, ông Dân Huy chia sẻ.

Nghe đến ca mới là giật mình

Cũng chống dịch COVID-19 tuyến cơ sở, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Quang Trung (quận Đống Đa) cho biết: "Cứ nghe đài báo thông báo ca dương tính mới hoặc các chuyến bay cần khai báo là chúng tôi giật mình, bởi liền theo đó là công tác rà soát các ca F liên quan của cán bộ tuyến cơ sở phải thực hiện. Từ cán bộ phường, công an liên tục cập nhật thông tin. Điện thoại réo liên tục bất kể ngày đêm, nhất là gần đây, các ca bệnh thường được thông báo muộn".

Đến UBND phường Quang Trung vào ngày chủ nhật, Văn phòng phường và phòng Chủ tịch phường vẫn mở cửa để tiếp nhận xử lý công việc. Ông Nguyễn Anh Tuấn đang gọi điện hỏi thăm sức khỏe tình hình ông H nằm trong diện cách ly vì có con tiếp xúc với người nhà ca bệnh 86 (là điều dưỡng tại bệnh viện Bạch Mai).

"Ngay sau khi Bộ Y tế công bố hai ca bệnh là điều dưỡng tại bệnh viện Bạch Mai dương tính với virus SARS-CoV-2, từ thông tin của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) và qua rà soát thông tin từ tổ dân dân phố, chúng tôi khoanh vùng gia đình ông H thuộc nhóm đối tượng cách ly", ông Nguyễn Anh Tuấn kể.

Ngày 20 và 21/3, cán bộ y tế, tổ công tác của phường đã đến tư vấn các biện pháp phòng dịch, trong khi chờ quyết định chính thức. Do nhà ông H có 5 tầng, nên con ông H được cách ly tại tầng 5, gia đình sinh hoạt từ tầng 3 trở xuống. Toàn bộ căn nhà được phun khử trùng thường xuyên.

Những người ‘lội nước đi trước’ cùng dân chống dịch COVID-19
Chốt trực tại phường Quang Trung (Đống Đa).

“Đến tối 21/3, sau khi có ý kiến của CDC Hà Nội, phường ra quyết định và đưa con ông H đi cách ly tại bệnh viện Hoài Đức, còn cả gia đình thuộc diện cách ly F2 theo quy định. Hiện trên địa phường có hai trường hợp F1 với hai hộ cách ly”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Không chỉ với các ca F, mà các ca nghi ngờ do từng đi qua vùng dịch về đều được người dân thông tin với phường. Do truyền thông, báo chí nhắc nhiều đến dịch, nên người dân giờ cũng nâng cao ý thức, cứ có người liên quan đến các chuyến bay, hoặc người tiếp xúc của tiếp xúc là gọi điện đến UBND phường hoặc trạm y tế báo cáo. Trong đó, nhiều người có tâm lý lo sợ quá mức.

Trước đó, tại chung cư 187 Nguyễn Lương Bằng, có một du học sinh về từ Đức vào ngày 13/3, bà T hàng xóm và ban quản trị yêu cầu đưa đi cách ly, dẫn đến cự cãi ngay khu chung cư. Sự việc căng thẳng tới mức ông Tuấn phải có mặt để giải quyết, hướng dẫn để người dân hiểu. Bà T cho rằng để như vậy lỡ mắc bệnh, cả tầng lây nhiễm thì làm sao? Trẻ con chơi chung ở tầng sẽ ẩn chứa nhiều nguy cơ…

Một loạt câu hỏi dồn dập khiến ông Tuấn phải giải đáp để người dân hiểu, bởi theo quy định, những người từ châu Âu về từ 0 giờ ngày 18/3 mới phải đi cách ly tập trung. Trước đó thì tự giác cách ly tại nhà. Cán bộ cấp phường không thể vượt quá quy định của luật. Ông Tuấn yêu cầu gia đình có con du học tiến hành khai báo và cách ly tại nhà, tuyệt đối không ra ngoài và áp dụng các biện pháp phòng dịch. Còn bà T cũng khuyên con cháu không chơi hành lang, các gia đình tiến hành khử khuẩn theo hướng dẫn và yêu cầu Ban quản trị chung cư, người dân phải tự giám sát.

Theo thống kê, từ Tết đến nay, trên địa bàn phường Quang Trung có 11 hộ nằm trong diện cách ly, đến nay chỉ còn 2 hộ. Các hộ tiến hành cách ly đều lập chốt gác gồm công an, dân quân và tổ dân phố hỗ trợ giám sát. Các điểm chốt vừa để giám sát bảo vệ thực hiện nghiêm túc việc cách ly nhưng cũng đồng thời hỗ trợ người dân diện cách ly mua đồ theo yêu cầu.

“Nhìn chung, người dân chấp hành cách ly nghiêm túc theo quy định, đa phần ngoài nhu yếu phẩm cung cấp theo quy định, những vật dụng khác có nhu cầu họ đều nhờ người quen đem đến. Chỉ có 4 lần là các gia đình nhờ tổ gác mua hộ. Phường cũng quy định lãnh đạo phường và công an phường gọi điện 1 lần/ngày; y tế gọi điện 2 lần/ngày để nắm bắt tình hình sức khỏe, tâm tư của các hộ cách ly để sớm giải quyết”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Cùng với giám sát những người cách ly, lãnh đạo phường Quang Trung còn làm tốt công tác vận động tuyên truyền đến linh mục nhà thờ Thái Hà trên địa bàn không tập trung đông người để phòng dịch COVID-19. Tổ công tác gồm lãnh đạo phường, trưởng công an phường, trưởng Ban Mặt trận Tổ quốc đã làm việc với linh mục chánh xử giáo xứ Thái Hà về công tác phòng dịch, hạn chế đông người. Qua tuyên truyền, người đi lễ đã chấp hành đúng chủ trương về phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn… “Trước đây, buổi hành lễ thường có từ 600-800 người, nhưng trong dịch đã giảm xuống còn khoảng 150 người”, ông Tuấn cho biết.

Sự hỗ trợ của hàng xóm

Chia sẻ về việc tuyên tryền phòng dịch COVID-19, các cán bộ cơ sở đều khẳng định, việc giúp người dân hiểu về dịch bệnh, cơ chế lây lan và phương pháp phòng tránh... có ý nghĩa quan trọng. Khi người dân đã hiểu thì nếu các hộ dân không tự giác, sẽ được chính cộng đồng tham gia nhắc nhở, giám sát.

Ông Phạm Văn Hà, Bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư số 9 (phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa) chia sẻ: Khu dân phố có 8 tổ dân phố với 750 hộ, chủ yếu là dân lao động nên nhận thức về dịch COVID-19 nhiều chiều khác nhau. Qua rà sát và thông tin từ Trung tâm y tế quận và phường thì địa bàn có 4 hộ bị cách ly. Qua tiếp xúc, vận động thì 2 hộ rất hợp tác, tự giác cách ly theo quy định, trong khi đó, 2 hộ còn lại phải qua phản ánh của hàng xóm, tổ dân phố thì phát hiện ra và vận động nhiều thời gian để chấp hành phòng dịch cho cộng đồng.

Những người ‘lội nước đi trước’ cùng dân chống dịch COVID-19
Một điểm cách ly tại phường Ô Chợ Dừa (Đống Đa).

Đơn cử như hộ chị NĐP (tổ 35, phường Ô Chợ Dừa) làm nghề du lịch, từng làm việc Hàn Quốc về và trên chuyến bay có người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng không khai báo. Từ nguồn tin của hàng xóm và qua xác minh từ cơ quan chức năng, phường Ô Chợ Dừa đã ra quyết định cách ly hộ chị P, phường bố trí lực lượng gác, giám sát. Ban đầu, những người trong gia đình bất hợp tác nhưng khi tổ dân phố và y tế tiếp cận tuyên truyền, dẫn chứng cụ thể về trường hợp không cách ly, nếu xảy ra dương tính thì nguy hiểm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

“Chúng tôi lấy ví dụ như trường hợp ca 17 làm gần 500 người cách ly, trong đó có khoảng 180 ca F1 và F2. Nếu tính số tiền bình quân như lãnh đạo thành phố công bố chi phí là 1,4 triệu đồng/người trong thời gian cách ly thì số tiền sẽ lớn như thế nào nên hộ chị NĐP đã chấp hành”, ông Phạm Văn Hà cho biết.

Còn hộ ông TPK ở tổ 39 ngõ chợ Hào Nam, từng ở Thẩm Quyến (Trung Quốc) nhưng đi tàu qua Đài Loan (Trung Quốc) rồi về Việt Nam nên lực lượng chức năng không phát hiện ra. Nhưng qua thông tin từ hàng xóm và xác minh của địa phương, hộ ông TPK đã được cách ly theo quy định. Hộ ông TPK chấp hành theo đúng quy định, trong khi người nhà vẫn muốn buôn bán nên công an phường, tổ dân phố lập điểm gác để giám sát và hỗ trợ gia đình cách ly.

“Khi lập điểm giám sát, tổ dân phố giới thiệu những người gác với hàng xóm, cho số điện thoại liên lạc để hỗ trợ lực lượng chức năng và gọi điện hỗ trợ khi cần thiết. Bằng sự thông tin liên tục nên việc giám sát cũng như hỗ trợ các gia đình cách ly được thực hiện nghiêm túc” ông Phạm Văn Hà chia sẻ.

Còn bà Trần Thị Bích Thái, Phó Chủ tịch phường Ô Chợ Dừa cho biết: "Từ ngày có dịch bệnh COVID-19, cán bộ tuyến cơ sở gần như không có ngày nghỉ. Hễ có thông tin về rà soát các đối tượng hoặc thông tin từ cơ sở phải ngay lập tức xác minh các trường hợp nghi nhiễm. Không chỉ tuyên truyền tới những gia đình cách ly, chúng tôi còn tuyên truyền đến các hộ xung quanh gia đình cách ly, đến cả cộng đồng không được kỳ thị mà để người dân nhận thức rõ nguy hiểm của dịch bệnh tự giác cách ly và khai báo rõ lịch trình nếu từ nước ngoài trở về. Có như vậy, thì việc chống dịch mới hiệu quả".

Những người ‘lội nước đi trước’ cùng dân chống dịch COVID-19
Cán bộ phường và trạm y tế phường Ô Chộ Dừa trang bị đồ bảo hộ đưa ca F1 đi cách ly tập trung.

Để phòng chống dịch COVID-19 trong giai đoạn qua, lực lượng cán bộ cơ sở Hà Nội đã nỗ lực vào cuộc, nắm tình hình từ địa bàn để rà soát đối tượng F, đẩy mạnh tuyên truyền phòng dịch. Trong quá trình thực thi công vụ, các cán bộ cơ sở bên cạnh chức trách được giao đã luôn tuân thủ 2 bộ quy tắc ứng xử của thành phố: “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội luôn yêu cầu sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp, trong đó nhấn mạnh vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở, bởi đây là lực lượng gần dân nhất trong giám sát và phòng dịch.

Tùy vào từng khu vực, trình đó dân trí, nhận thức của từng người mà đội ngũ cán bộ cơ sở có cách thức tuyên truyền, vận đồng phù hợp. Trên hết, lực lượng cán bộ cơ sở có kiến thức về pháp luật, về phòng dịch và luôn tuân thủ 2 bộ quy tắc ứng xử trong quá trình thực thi công vụ để chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố đến với người dân, tham gia tích cực phòng dịch.

“Bên cạnh những địa phương làm tốt, sát sao thì người dân cũng phản ánh có những đối tượng không cách ly nghiêm túc và việc chắc năng tại cơ sở chưa làm tròn trách nhiệm và Sở Nội vụ tăng cường giám sát thực thi công vụ, phát hiện những trường hợp không thực thi đúng công vụ, báo cáo xử lý nghiêm theo quy định”, ông Nguyễn Đức Chung đề nghị.

Nguồn: Báo Tin Tức
baotintuc.vn
Phiên bản di động