Tăng tính răn đe trong vụ học sinh lớp 9 bị bắt ăn đất, hút thuốc
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với PTN (học sinh lớp 11 Trường THPT Mai Hắc Đế, huyện Nam Đàn) về tội làm nhục người khác.
Bị can N chưa đủ 18 tuổi nên không bị bắt tạm giam mà Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra.
Thông tin từ cơ quan điều tra, trước đó, em HĐ (học sinh lớp 9, Trường THCS Anh Xuân, trú xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn) bị ép buộc bốc đất ăn “như ăn cơm” rồi phải hút hai điếu thuốc lá và nuốt khói. Em Đ ngoan, hiền, có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi bố.
Báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Nam Đàn do bà Nguyễn Thị Thái Huyền (Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nam Đàn) ký, nêu: “Sự việc xảy ra trong video và một số báo phản ánh là có thật. Học sinh quay video là em NVT (học lớp 9E, Trường THCS Anh Xuân, huyện Nam Đàn) và em T đã gửi cho các bạn).
Công an điều tra ghi nhận: Vào khoảng 21 giờ đêm 19/10, tại khu vực đồng ruộng thuộc xóm 7 (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn) N và em NVT (học lớp 9, Trường THCS Anh Xuân) đã có hành vi làm nhục em Đ như ép Đ hút thuốc lá không được nhả khói, ăn đất, ăn bùn... rồi quay video phát tán trên mạng.
Được biết, sự việc bắt nguồn từ việc em T thường xuyên trêu chọc em Đ rồi xảy ra mâu thuẫn. Khi em T gặp em Đ đã gọi N để thực hiện hành vi làm nhục em Đ.
N và người giám hộ tại cơ quan công an (ảnh CACC) |
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, TS.LS Đặng Văn Cường Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng: Sự việc trên là rất nghiêm trọng, là bạo lực học đường gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, ảnh hưởng đến môi trường học đường và trực tiếp xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của học sinh, bởi vậy việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội làm nhục người khác là có căn cứ.
Pháp luật Việt Nam bảo vệ danh dự nhân phẩm uy tín của mọi công dân, đặc biệt là đối với trẻ em. Luật trẻ em, luật giáo dục và các văn bản pháp luật khác có liên quan đều có quy định bảo vệ trẻ em trong môi trường học đường, phòng chống bạo lực học đường và quy định trách nhiệm của gia đình, của nhà trường và của xã hội trong việc bảo vệ trẻ em.
Tuy nhiên tình trạng bạo lực học đường trong thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp, nhiều học sinh bị bạo lực học đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống tâm lý, thậm chí đến tính mạng gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Môi trường học đường ở độ tuổi THCS là tương đối phức tạp bởi các em đang ở độ tuổi dậy thì, thay đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý, việc tiếp xúc, trao đổi thông tin với gia đình trở nên hạn chế... Khi đó những đứa trẻ hiền lành, yếu đuối, gia đình nghèo khó hoặc cha mẹ ít quan tâm sẽ dễ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường.
Khi bạo lực học đường xảy ra, kéo dài, nghiêm trọng mà cha mẹ, thầy cô không phát hiện ra cho đến khi sự việc được công khai lên mạng xã hội thì đó là điều rất đáng buồn. Thực tế nhiều em học sinh đã phải chịu áp lực từ bạo lực học đường trong thời gian kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý mà giáo viên không phát hiện, cha mẹ cũng không hề hay biết cho đến khi các con bỏ học, trầm cảm, thậm chí tự tử hoặc cho đến khi thông tin được công khai lên mạng xã hội. Bởi vậy, trong mỗi vụ bạo lực học đường là có một phần lỗi của gia đình và nhà trường, đã thiếu quan tâm, giáo dục và bảo vệ các em.
Dưới góc độ pháp lý thì người từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi tội phạm, trừ một số tội mà pháp luật quy định chủ thể là người từ 18 tuổi trở lên. Với hành vi làm nhục người khác thì người từ 16 tuổi trở lên là đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Bởi vậy trường hợp cơ quan điều tra có chứng cứ để chứng minh rằng, đối tượng từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm uy tín của trẻ em gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 155 Bộ Luật Hình sự. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:
a) Phạm tội 2 lần trở lên;
b) Đối với 2 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì người nào xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác với chế tài là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân của vụ việc, làm rõ diễn biến hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, đồng thời đánh giá hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Ngoài đối tượng thực hiện hành vi làm nhục nạn nhân thì còn có các đối tượng khác giúp sức, xúi giục và đăng tải các clip lên mạng xã hội. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của các đối tượng khác có liên quan, trong trường hợp đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có cùng ý chí thực hiện tội phạm với vai trò giúp sức, xúi giục để thực hiện hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì cũng sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.
Đây là vụ việc phức tạp có liên quan đến người dưới 18 tuổi phạm tội và nạn nhân là trẻ em bởi vậy cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thận trọng trong việc thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh tội phạm đồng thời làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội, làm rõ trách nhiệm của gia đình, của nhà trường để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật và để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm, phòng ngừa bạo lực học đường.
Vụ việc này sẽ là bài học cho các bậc phụ huynh cũng như cán bộ giáo viên nhà trường khi để sự việc diễn ra kéo dài, hậu quả nghiêm trọng, gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của nạn nhân và với các bạn học trong trường này.
Nhà trường cũng cần kiểm điểm rút kinh nghiệm để làm rõ trách nhiệm của các thầy cô trong việc quản lý học sinh cũng như đối với việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc bảo vệ, giáo dục con cái.
Với nạn nhân trong vụ việc này thì cần phải được thăm khám, điều trị, đặc biệt là kiểm tra về tâm lý sức khỏe để có giải pháp hỗ trợ cho nạn nhân sớm phục hồi và trở lại trường học một cách an toàn