Chuyên gia đưa ra giải pháp phòng ngừa bạo lực học đường

Thời gian gần đây, bạo lực học đường ngày một gia tăng với mức độ ngày một nghiêm trọng gây nhức nhối và xôn xao dư luận. Để ngăn chặn vấn nạn này không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục mà rất cần sự chung tay “vào cuộc” của cả xã hội. Vậy, các chuyên gia về giáo dục sẽ có những nhận định gì xung quanh vấn đề này?
Phát động cuộc thi về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em Sẽ có vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý để ngăn bạo lực học đường Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về nguyên nhân bạo lực học đường

Theo số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công An mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Những số liệu đó là hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và xã hội, cần quan tâm và có biện pháp thích hợp để đẩy lùi vấn nạn này.

Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới. Với sự bùng nổ của Internet, chúng ta bắt gặp nhiều thông tin hơn về các vụ bạo lực học đường được đăng tải trên khắp không gian mạng. Điều này đang khiến dư luận phẫn nộ cũng như lo ngại về sự gia tăng của tính chất côn đồ, hung hãn của các đối tượng. Nạn nhân trong các vụ việc thường là cá nhân hay một nhóm học sinh, bị một nhóm học sinh khác sử dụng vũ lực xô xát, cá biệt có vụ dùng hung khí (dao), mũ bảo hiểm... gây thương tích.

Chuyên gia đưa ra giải pháp phòng ngừa bạo lực học đường

PGS.TS Lê Quý Đức - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Chia sẻ về vấn nạn bạo lực học đường đang được diễn ra trong suốt thời gian qua, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: “Mỗi hành động của con người đều xuất phát từ cảm xúc, nhưng trong câu chuyện về bạo lực học đường thì các em đã có ý định sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Cách sống của các em không chứa đựng sự yêu thương hay những giá trị khoan dung và tôn trọng nhau. Chính về cách nhìn đó mà họ chọn bạo lực để giải quyết chứ không giải quyết trên thương lượng, hòa bình - trái với những gì được giảng dạy ở trên ghế nhà trường".

“Bạo lực học đường cần được ngăn chặn khi và chỉ khi có các tính chất pháp lý, có các chế tài nghiêm khắc xử phạt. Làm tổn hại đến sức khỏe, tinh thần và danh dự của bạn bè mình thì cần phải xử lý nghiêm, để làm gương cho các trường hợp khác khi có ý định sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề”, ông khẳng định.

Song song đó, có thể thấy bạo lực học học đường có nhiều nguyên nhân xuất phát. Bên cạnh trách nhiệm của gia đình, nhà trường, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, chúng ta cần một cuộc nghiên cứu nghiêm túc, toàn diện, sâu sắc, phải công khai, nhìn thẳng vào sự thật để phân tích đưa ra một giải pháp vĩ mô. Còn nếu chỉ tuyên truyền một chiều như hiện nay thì chưa giải quyết được vấn đề.

Giáo dục học sinh cách đối nhân xử thế

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam

“Nếu chúng ta không ngăn chặn kịp thời, cứ để nạn bạo lực học đường là một vấn đề tràn lan thì dần dần sẽ dẫn tới một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Những hệ luỵ của nó là bản thân con người sống quá buông thả, sống theo cái cách hoang dã, cái mà chúng ta trong xã hội hiện nay cần được chấm dứt”.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, ông cho rằng để đẩy lùi vấn nạn này, bản thân mỗi học sinh cần có mong cầu sống để người ta tôn trọng, để khẳng định mình trong xã hội.

Bên cạnh đó ông còn nhấn mạnh về công tác quản lý, gia đình cần biết quản lý con cái, kết hợp với sự sát sao của nhà trường với học trò - đây mới chính là mấu chốt quan trọng.

Bạo lực học đường là một vấn đề nghiêm trọng và cần được xem xét một cách đáng kể. Hành vi bạo lực trong môi trường học đường không chỉ gây tổn thương về thể chất mà còn gây hậu quả tinh thần và tác động xấu đến sự phát triển và học tập của các em học sinh. Điều này ảnh hưởng không chỉ đến những nạn nhân trực tiếp của bạo lực mà còn đến cả cộng đồng học đường nói chung. Mỗi một cá nhân cần chung tay làm việc cùng nhau để chấm dứt bạo lực học đường và tạo ra một môi trường học tập lành mạnh và an toàn cho tất cả mọi người. Bằng sự nhất quán và nỗ lực không ngừng, chúng ta có thể xây dựng một tương lai tươi sáng và hòa bình cho thế hệ trẻ của đất nước.

Minh Tâm
Phiên bản di động