Nhìn lại hiểu biết về Việt Nam của giới trí thức Trung Hoa thế kỷ XVI
Sử liệu là yếu tố không thể thiếu của khoa học lịch sử. Việt kiệu thư là một sử liệu quan trọng hàng đầu viết về lịch sử Việt Nam, phản ánh rõ nét tư tưởng, cách nhìn của giới trí thức Trung Hoa thế kỷ XVI.
MaiHaBooks phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội và Nxb. Khoa học xã hội tổ chức Talkshow: “LỊCH SỬ VÀ TƯ LIỆU: Việt Nam trong hiểu biết của giới trí thức Trung Hoa thế kỷ XVI” diễn ra vào hồi 14h ngày 3/06/2022 tại phòng 506, nhà E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
Thông qua nhìn nhận, đánh giá giá trị tư liệu của các bộ thư tịch cổ đương thời, nội dung trọng tâm của buổi Talkshow thảo luận những hiểu biết về Việt Nam của giới trí thức Trung Hoa thế kỷ XVI.
Đây là một giai đoạn lịch sử đặc biệt vì thế kỷ XV, XVI đã diễn ra nhiều diễn biến phức tạp trong quan hệ giữa triều Minh với các triều Hồ, Lê sơ và Mạc. Phía chính quyền Đại Việt, sau nhiều biến động chính trị - xã hội, vương triều Lê Sơ dần suy yếu, nhà Mạc thay thế, nhà Minh nhân cơ hội đó liên tục sách nhiễu, gây sức ép. Điều này dẫn đến những sự kiện dồn dập diễn ra tại khu vực biên giới, những cuộc thảo luận giữa triều Minh - Lê sơ, Minh - Mạc về việc sách phong, triều cống, cũng như sự lựa chọn của mỗi bên về phương cách ứng xử...
Trong bối cảnh đó, xuất hiện các ghi chép có hoàn cảnh biên soạn khác nhau, do nhiều đối tượng, từ sử quan, trí thức quan lại xuất thân Nho học, có cả những viên tướng từng trực tiếp cầm quân xâm lược Đại Việt sao soạn. Các ghi chép này nhằm nhiều mục đích, trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết, từ hình thế núi sông, diên cách hành chính, nhân vật lịch sử, phong tục tập quán, về các sự kiện liên quan đến quan hệ Việt - Trung của quan lại, triều đình người Hán. Việt kiệu thư của Lý Văn Phượng nằm trong số đó.
Đánh giá về giá trị sử liệu của Việt kiệu thư, PGS.TS. Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho rằng: “Do tính chất là một tập sử liệu nhằm phục vụ việc quân sự, Việt kiệu thư chứa trong mình nhiều thông tin đa chiều về Đại Việt. Trước hết, đó là nguồn sử liệu về mối quan hệ giữa triều Hồ, Lê sơ, và Mạc với nhà Minh. Ở những phần sử chí về lịch triều, các sử liệu không có nhiều điểm khác biệt so với các bộ sử lớn hơn. Nhưng, những phần sưu tầm về giai đoạn thế kỷ XV - XVI của cuốn sách này có thể đem đến nhiều sử kiện và văn kiện mới. Đây rõ ràng là nguồn tư liệu rất quan trọng để nghiên cứu về lịch sử quan hệ bang giao bổ sung cho các pho chính sử của cả hai phía”.
Với tinh thần “ôn cố tri tân”, nhằm mang đến những góc nhìn khác nhau về giá trị tư liệu của các bộ thư tịch cổ trong nghiên cứu lịch sử; lịch sử bang giao của Việt Nam thế kỷ XVI, MaiHaBooks xin trân trọng giới thiệu cơ quan thông tấn, báo chí thông tin về Talkshow: “LỊCH SỬ VÀ TƯ LIỆU: Việt Nam trong hiểu biết của giới trí thức Trung Hoa thế kỷ XVI”.
MaiHaBooks
Tầng 3, Tòa nhà D, La Thành Plaza, số 226 Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: (08) 234 35833 – 024 32079568
Email: maihabooksinfo@gmail.com
Website: https://maiha.vn