Xuất bản trọn bộ tiểu thuyết lịch sử viết về đời Trần của nhà văn Hà Ân
Nhà văn Hồ Anh Thái nối dài niềm đam mê Ấn Độ trong tiểu thuyết mới Tham, sân, si - Bi kịch của con người trong Tiểu thuyết "Cõi nhân gian" Cô gái khuyết tật ngậm que gỗ viết 12 cuốn tiểu thuyết |
Khơi gợi cảm hứng lịch sử từ trong lòng người đọc
Nhà văn Hà Ân (1928 - 2011) nổi tiếng với các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, truyện kể lịch sử, dã sử và đã được tặng nhiều giải thưởng văn học uy tín. Ông là nhà văn thể hiện xuất sắc nhất về lịch sử nhà Trần và cuộc chiến chống Nguyên Mông oai hùng của dân tộc. 5 tiểu thuyết được nhà văn Hà Ân viết trong suốt 35 năm kể từ khi xuất bản cuốn “Bên bờ Thiên Mạc” năm 1967 đến khi cuốn “Khúc khải hoàn dang dở” xuất bản năm 2002.
5 tiểu thuyết tạo thành bộ tiểu thuyết đồ sộ, hoành tráng về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, về con người và cuộc sống đời Trần, về những người anh hùng dân tộc từ vĩ nhân lịch sử đến những người nông dân bình thường đã làm nên ba lần chiến thắng vang dội.
Bộ tiểu thuyết lịch sử về triều Trần của nhà văn Hà Ân |
Đây là lần đầu tiên 5 tiểu thuyết (Trên sông truyền hịch, Bên bờ Thiên Mạc, Trăng nước Chương Dương, Người Thăng Long, Khúc khải hoàn dang dở) được xuất bản cùng một lúc, với một diện mạo mới bề thế, bìa và minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long và Nguyễn Thành Phong.
5 tiểu thuyết được in thành 3 cuốn sách bìa cứng “Trăng nước Chương Dương” (bao gồm 3 tiểu thuyết: “Trên sông truyền hịch”, “Bên bờ Thiên Mạc”, “Trăng nước Chương Dương”); “Người Thăng Long” và “Khúc khải hoàn dang dở”.
Nhà văn Hà Ân chuyên viết về đề tài lịch sử. Từ một người yêu Sử và nghiên cứu Sử, ông đã trở thành người kể chuyện lịch sử uyên bác và hào hoa. Tiểu thuyết lịch sử của Hà Ân là sự kết hợp nhuần nhị giữa kiến thức lịch sử vững chãi, cảm xúc dồi dào, tưởng tượng phong phú của nhà văn. Nhà văn Hà Ân kể chuyện lịch sử qua những nhân vật lịch sử, những danh nhân của dân tộc, khơi gợi một cách tự nhiên cảm hứng lịch sử từ trong lòng người đọc.
Bộ tiểu thuyết đồ sộ, hoành tráng về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông
"Trên sông truyền hịch" khắc họa hình ảnh Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, người chỉ huy quân dân Đại Việt kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.
Trả lời câu hỏi của vua Trần “Thế giặc mạnh nên hàng hay đánh?”, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn khảng khái đáp: "Bệ hạ muốn hàng hãy chém đầu thần trước đã".
Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã thấy được sức mạnh của lòng dân, trăm họ “Dân tộc ta kiên cường, yêu nước. Điều ấy là cội rễ của non sông xã tắc.”. “Trăm họ là một sức mạnh vô địch. Trăm họ có thể hi sinh từ niềm vui, lẽ sống đến tài sản, tính mạng của họ cho đất nước độc lập”.
Với ý chí "Sát Thát" được khắc ghi trên cánh tay, toàn thể nhân dân Đại Việt đã một lòng đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung. Trên dòng sông Thiên Đức linh thiêng, "Hịch tướng sĩ" đã được loan truyền, động viên, khích lệ ý chí và tinh thần của quân dân khởi đầu cho những chiến thắng lẫy lừng sử sách...
"Bên bờ Thiên Mạc" với nhân vật chính là Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng, người anh hùng đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai khi ông mới 26 tuổi.
Câu chuyện về cuộc đời lẫm liệt, khí tiết hiên ngang của Trần Bình Trọng đã được nhà văn Hà Ân khắc họa dày công qua các mối quan hệ với nhân dân, với quân sĩ và lúc sa vào tay giặc. Giặc dụ dỗ ông bằng chức vương đất Bắc, Trần Bình Trọng đã khảng khái trả lời: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc…”. Không dụ dỗ dọa nạt được ông, quân giặc tàn bạo, đê hèn đã giết ông tại bãi Thiên Mạc.
"Bên bờ Thiên Mạc" còn là bản anh hùng ca về quân dân Đại Việt triều Trần. Những người sẵn sàng hi sinh tính mạng để giữ cho được nền độc lập của đất nước. Bên cạnh Trần Bình Trọng, trong Bên bờ Thiên Mạc có biết bao hình bóng những người anh hùng không tên khác.
"Trăng nước Chương Dương" là khúc ca khải hoàn của quân dân Đại Việt, ngày quân dân nhà Trần đại thắng quân Nguyên Mông trở lại kinh đô Thăng Long. Kia Thiên Mạc, kia Hàm Tử và đây Chương Dương… Những chiến trường vang danh vạn đại đã mãi mãi dừng lại vó ngựa hung bạo của đạo quân xâm lược Nguyên Mông. Cuốn tiểu thuyết là một bộ bí kíp về những trận đánh vô cùng tài trí và dũng cảm trong lịch sử quân sự Việt Nam.
"Người Thăng Long" được nhà văn Hà Ân viết năm 1980. Nhân vật trung tâm của truyện là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, người con thứ sáu của vua Trần Thái Tông, thường được dân gian gọi là ông hoàng Sáu. Qua nét bút của nhà văn Hà Ân, ông là một người Thăng Long thanh lịch, tài hoa, không chỉ thông minh trí lự trong việc chỉ huy quân sự, chiến thắng giặc ngoại xâm, mà còn thắng bản thân trong cuộc chiến với những oán cừu của cuộc đời.
"Người Thăng Long" tái hiện không khí náo nức sôi động của buổi Hội thề, không khí căng thẳng, trang nghiêm của hội nghị Bình Than và trang trọng, hừng hực ý chí chiến đấu của hội nghị Diên Hồng, bên cạnh đó là vẻ đẹp lạ lẫm của lễ cướp dâu…
"Khúc khải hoàn dang dở" viết về Đỗ Vĩ, một tình báo tài giỏi của nhà Trần, một điệp viên gần như duy nhất được ghi trong chính sử, một nghệ sĩ đàn ngọt, thơ hay, bút vẽ thần tình, đường kiếm siêu việt…
Đỗ Vĩ đã thâm nhập vào lòng địch, gửi về cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn những tin tức vô cùng quan trọng. Cái chết bi tráng của ông đã góp phần đem lại khúc ca khải hoàn trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai.