Hội thảo khoa học “Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ”
Những đóng góp to lớn cho lịch sử dân tộc
Tham dự hội thảo có các lãnh đạo, chuyên gia nghiên cứu lịch sử, văn hóa đến từ các bộ, ngành, địa phương, đại diện các dòng tộc họ Lưu trên cả nước.
Theo các tài liệu được công bố tại hội thảo, Thái sư Lưu Cơ sinh ngày mùng 3 tháng Giêng năm Canh Tý (940) tại trang Tri Hối (nay là thôn Tuy Hối, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).
Thái sư Lưu Cơ sinh ngày 3 tháng Giêng năm 940 ở Tri Hối, châu Đại Hoảng, nay là xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Lưu Cơ cùng quê, là đồng hương cùng thế hệ của Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Trịnh Tú. Khi Đinh Bộ Lĩnh phất cờ tụ nghĩa ở động Hoa Lư thuộc Gia Hưng, Gia Viễn ngày nay, Lưu Cơ khi mới ngoài 20 tuổi đã cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú sát cánh cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thu giang sơn về một mối. Ông trực tiếp cầm quân đánh dẹp sứ quân Lý Khuê (tức Lý Lãng Công) ở Siêu Loại - Bắc Ninh.
Năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong Lưu Cơ làm Thái sư Đô hộ phủ, Nguyễn Bặc làm Định quốc công, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Đinh Điền làm Ngoại giáp.
Cũng từ năm 971, với tư cách là Thái sư Đô hộ phủ, Lưu Cơ được Đinh Tiên Hoàng giao cai quản thành Đại La và quản lý cả vùng Giao Châu cũ (tức Bắc Bộ ngày nay). Vai trò này của ông sánh ngang hàng Phó vương, giúp Đinh Tiên Hoàng cai quản phần đất trọng yếu và giàu có nhất của Đại Cồ Việt.
Hội thảo khoa học "Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ" tại Hoàng Thành Thăng Long |
Nghiên cứu về đời sống tinh thần chỉ rõ trong ông thấm đậm những tư tưởng đạo lý tích cực nhất của cả Phật, Đạo và Nho giáo đương thời. Thần tích đình làng Đại Từ để lại hai hình ảnh cao đẹp trong di chúc của Lưu Cơ: Chỉ xin được cúng chay với hai món ưa thích là đậu phụ và rau cần; Xin được dùng đất cấp phong và đất công chia đều cho dân làng như tiền thân của chính sách “quân điền” thời Hậu Lê…
Đề tài khoa học chuyên đề nhằm đánh giá vai trò lịch sử của Lưu Cơ được Hội Sử học Việt Nam, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á và Hội đồng Lưu tộc Việt Nam chính thức khởi động từ hơn 10 năm trước. Sau các cuộc điền dã, tra tìm, nhiều tư liệu mới liên quan đến Lưu Cơ đã được phát hiện.
Từ năm 2019 một kế hoạch cụ thể đã ra đời nhằm tiến đến một Hội thảo khoa học chuyên đề về Lưu Cơ. Do tình hình COVID-19, đến nay, tại nơi ông đã từng hiện diện trong 40 năm ròng (971 - 1010), với gần 20 báo cáo khoa học, hội thảo đã đánh giá và vinh tôn những giá trị lịch sử mà Thái sư Lưu Cơ đã làm cho các triều đình Đinh, Tiền Lê và Lý.
Tượng đồng Thái sư Lưu Cơ thờ ở Đình Đại Từ, xã Đại Đồng (Văn Lâm, Hưng Yên) |
Có thể thấy công lao đầu tiên của ông là giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến độc lập, tự chủ đầu tiên của nước ta từ thế kỷ X.
Ở đóng góp thứ hai, Thái sư Lưu Cơ đã có công cai quản "Vựa lúa lớn nhất, cũng là kho người, kho của ở Lĩnh Nam là Giao Châu” (gồm toàn bộ đồng bằng Bắc bộ của nước ta) liên tục 40 năm (971 - 1010), xuyên suốt 3 triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và đầu nhà Lý. Đặc biệt, trong thời Tiền Lê, ông vẫn cai quản Giao Châu và đã huy động sức của, sức người nơi đây giúp vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống xâm lược năm 981.
Một điều rất có ý nghĩa nữa, cũng là đóng góp thứ ba của Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ với Hà Nội ngày nay. Đó là, ông đã cho xây dựng, cải tạo lại thành Đại La vững mạnh để Lý Công Uẩn trên đường về thăm quê cha đất tổ ở trang Cổ Pháp, tận mắt chứng kiến toà thành Đại La khi đó đã thúc đẩy Hoàng đế quyết định tự tay viết ra bức Chiếu Dời đô nổi tiếng ngay khi về đến Hoa Lư.
Đình Đại Từ - Di tích Lịch sử cấp tỉnh tại xã Đại Đồng (Văn Lâm, Hưng Yên) |
Chắc hẳn, quan dân Đô hộ phủ khi đó đã được truyền đạt ý chỉ của Lý Công Uẩn và gấp rút thực hiện cơ sở vật chất trong tòa thành cho cuộc dời đô chỉ diễn ra sau đó chừng hơn 100 ngày.
Trước đó, thành Đại La vốn có hướng trục chính, dinh thự và công sở hướng về phương Bắc. Khi cải tạo, Thái sư Lưu Cơ đã cho quay tất cả về hướng Nam, tức là chầu về kinh đô Hoa Lư của Đại Cồ Việt.
Đề xuất những hành động cụ thể để ghi nhận, vinh tôn và truyền bá công lao của ông
Những báo cáo mở rộng hơn tại hội thảo cũng nhằm đánh giá ý nghĩa lịch sử gắn với sự kiện thống nhất đất nước tạo lập nhà nước độc lập đầu tiên sau nhiều trăm năm đô hộ của ngoại bang: Quốc gia Đại Cồ Việt. Sự nghiệp đó của Đinh Tiên Hoàng Đế không thể tách rời những cận thần quan trọng trong “nhóm trẻ trâu Cờ Lau” mãi lưu truyền trong dân gian, mà Lưu Cơ là một nhân vật đứng đầu.
Nhiều báo cáo khoa học khác tiếp tục đi sâu tìm hiểu về Lưu Cơ trên cơ sở những phát hiện mới, nhận thức mới, ghi nhận nỗ lực của con em Lưu tộc và các nhà khoa học yêu mến Lưu Cơ.
Thành Đại La - Kinh thành Thăng Long xưa |
Một loạt bài viết gửi đến Hội thảo đã liệt kê những đến miếu thờ phụng Lưu Cơ rộng khắp các vùng Bắc Bộ, giúp chúng ta thấy tầm ảnh hưởng lan rộng công lao và đức độ của ông trong dân chúng, làm cơ sở xứng đáng để Lưu tộc Việt Nam vinh tôn ông đại diện cho Tổ họ tộc mình.
Trên cơ sở nhận thức giá trị những đóng góp lịch sử của Đô hộ phủ Thái sư Lưu Cơ, một số báo cáo khoa học đã mạnh dạn đề xuất những hành động cụ thể để ghi nhận, vinh tôn và truyền bá công lao của ông, như phục hồi, tu bổ di tích đền miếu thờ Lưu Cơ và liên quan, đặt tên đường phố, trường học, giải thưởng… mang tên ông.