Nhiều hãng ô tô xem xét mở rộng sản xuất tại Việt Nam

Hiện nhiều hãng ô tô (kể cả các hãng FDI) đang xem xét duy trì và mở rộng sản xuất trong tương lai khi thấy động thái cam kết hỗ trợ cho ngành ô tô trong nước của Việt Nam.
Mỗi ngày có khoảng 214 ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam

Theo Bộ Công thương, từ cuối tháng 6/2020, với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách giảm thuế, phí trước bạ đã và đang tạo ra hiệu ứng tích cực cho các hãng sản xuất ô tô trong nước.

Hiện cũng có nhiều hãng ô tô (kể cả các hãng FDI) đang xem xét duy trì và mở rộng sản xuất trong tương lai khi thấy động thái cam kết hỗ trợ cho ngành ô tô trong nước của Việt Nam.

Thực tế, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang đạt được những dấu ấn phát triển mới, trong đó hãng xe Vinfast của Tập đoàn Vingroup đang nổi lên là một thế lực của Việt Nam, hay việc Thaco đã xuất khẩu xe ra nước ngoài. Kết quả này được tiếp sức từ những chủ trương, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và sự nỗ lực, quyết tâm của doanh nghiệp.

Theo thống kê, hiện Việt Nam có hơn 350 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 680.000 xe/năm, gồm hầu hết các chủng loại xe con, xe tải và xe khách. Một số chủng loại xe đã đạt được tỷ lệ nội địa hóa tương đối cao, cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra vào năm 2020.

4314 anh 71
Ô tô Vinfast trong xưởng sản xuất. Ảnh: Vinfast.

Trong số 350 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô, có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô. Trong đó, năm 2017, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 quy định về điều kiện, sản xuất, lắp ráp nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Trong đó, tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP đã bổ sung chương trình ưu đãi thuế đối với linh kiện ô tô nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô với mục tiêu chính là khuyến khích sản xuất, lắp ráp xe trong nước, tăng quy mô và dung lượng thị trường cho xe ô tô lắp ráp trong nước, đồng thời góp phần giảm giá thành sản xuất, lắp ráp xe trong nước.

Đồng thời, Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ từ 2016 đến năm 2025 cũng đã mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận với các nguồn hỗ trợ về thị trường, kết nối kinh doanh, tư vấn cải tiến, đào tạo, và đổi mới công nghệ.

4543 2 xe kia grand carnival 11 chy xuyt khyu sang thai lan
Thaco xuất khẩu sang Thái Lan 80 xe du lịch Kia Grand Carnival được sản xuất tại Nhà máy Thaco Kia ở Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (Quảng Nam).

Mặc dù có những chính sách hỗ trợ khá thiết thực, song Bộ Công thương cũng thừa nhận ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, còn phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động...

Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, hiện doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô vẫn còn phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng so với nhiều quốc gia trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ năng lực và công nghệ sản xuất để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Trước những vấn đề trên, theo ý kiến của một số chuyên gia, để phát triển mạnh ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc phát triển thị trường ô tô trong nước là một trong những giải pháp quan trọng.

Đồng thời cần có chính sách nhất quán, rõ ràng đối với thị trường ô tô. Hiện nay, mặc dù có nhiều cơ quan Nhà nước cùng tham gia hoạch định chính sách cho ngành ô tô Việt Nam, song các cơ quan này thường trong tình trạng mâu thuẫn về phương hướng phát triển. Sự mâu thuẫn giữa các cơ quan Nhà nước ảnh hưởng tiêu cực đến ngành ô tô, các chính sách thường mang tính cục bộ dựa trên quan điểm của cơ quan ban hành. Vì vậy, cần có một cơ quan thống nhất để phát triển ngành ô tô.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục điều chỉnh các chính sách về thuế và phí giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, dẫn đến giảm giá xe, người dân có nhiều cơ hội để sở hữu ô tô. Song song với chính sách mở rộng phát triển cần có những chính sách bảo vệ thị trường trước sự phát triển nhanh chóng của xe nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc quản lý xe nhập khẩu, nhất là hạn chế gian lận thương mại.

Đặc biệt, vấn đề quan trọng nữa là phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ ô tô. Theo đó, Việt Nam cần mở rộng các cơ sở dạy nghề cơ khí ô tô hiện có và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhất là ở khía cạnh gắn với thực tiễn. Việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề có thể được tiến hành bằng sự liên kết giữa các cơ sở dạy nghề với các công ty trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Văn Huy
Phiên bản di động