Nhà trường chịu thua trước "cơn lũ" chửi thề của học trò?
Người trẻ chửi bậy, chửi thề: Sử dụng công nghệ để đánh giá hạnh kiểm? |
Nói mười câu đến bảy câu tục
Thầy Tuấn Anh, giáo viên dạy Giáo dục công dân ở Trường THCS Colette (TP.HCM) nhìn nhận tình trạng học sinh nói tục đang rất phổ biến. Anh từng tiếp xúc cũng như nghe nhiều em nói tục chửi thế, ngay cả ở trong trường học.
“Khi nghe các em nói bậy, tôi luôn nhắc nhở. Tôi nói với các em rằng làm như vậy người ta sẽ đánh giá không hay về chính các em cũng như cha mẹ, thầy cô. Phản ứng của các em lúc đó là lắng nghe, tuy nhiên không em nào thay đổi ngay”.
Thầy Tuấn Anh nhìn nhận học sinh nói tục chửi thề hiện nay không phân biệt gia cảnh. “Dù là trường có học sinh toàn là con nhà giàu hay trường đa số học sinh là con nhà nghèo thì các em vẫn nói bậy. Dù phụ huynh là người lao động chân tay hay trí thức thì con cái của họ cũng đều chửi thề”.
“Khi ngồi nói chuyện với nhau, các em thường xuyên văng tục. Nhiều em liên tục chửi thề bằng những từ ngữ rất khó nghe. Kể cả những người thân như ba mẹ, ông bà, cụ kị cũng “được” các em réo gọi kèm từ nói tục, thực sự rất phản cảm. Và khi chủ đề buôn chuyện của các em là thầy cô thì…” - anh Minh thở dài.Anh Nguyễn Lê Minh là giáo viên một trường tư thục ở quận Tân Phú (TP.HCM). Anh Minh kể cứ ra quán nước cạnh cổng trường là nghe học sinh chửi thề, văng tục. Đặc biệt là khi các em tụ tập ăn uống thì việc này càng nhiều hơn.
“Trong lớp thì hạn chế nhưng trong trường và trên mạng thì tôi thường xuyên nghe học sinh nói tục chửi thề” – đây là nhận xét của thầy giáo Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM).
Phản ứng của anh Du khi nghe học sinh chửi thề trong lớp là nhắc nhở, còn khi các em nói chuyện riêng với nhau thì… thôi.
Trong một buổi hội thảo với chủ đề ''Học sinh thành phố với văn hóa ứng xử học đường'' diễn ra tại TP.HCM, chính các học sinh đã thẳng thắn thừa nhận việc sử dụng từ ngữ thiếu văn hóa của học sinh diễn ra hằng ngày trong lớp và trong trường học.
Các học sinh cứ giao tiếp với nhau là sử dụng từ ngữ thiếu văn hóa. Có học sinh vừa bước ra khỏi cổng trường, bước vào quán nước là giao tiếp với nhau bằng những từ ngữ thiếu văn hóa. ''Có những bạn không kiểm soát được lời nói của mình. Mở miệng ra là nói tục. Nói mười câu thì đến sáu bảy câu có từ nói tục'' – một học sinh nêu thực trạng.
Nhà trường bất lực?
Dù vậy, không phải đến bây giờ việc chỉnh đốn ngôn ngữ của học sinh mới được các nhà trường lưu tâm.
Sổ tay sinh hoạt năm học 2015-2016 phát cho học sinh của Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình) ngoài nội quy về trường lớp quen thuộc còn có nội dung “Những điều cần lưu ý khi lên Facebook”. Trong đó, ngay lưu ý số 1 là: Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt...
Cách đây 2 năm, Trường THPT Đông Sơn 2 (Thanh Hóa) triển khai một số yêu cầu nghiêm khắc đối với học sinh khi sử dụng Facebook, trong đó cũng có yêu cầu "Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy".Trước đó, từ đầu năm 2013, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) ban hành "Những điều cấm kỵ khi lên Facebook". Theo đó, học sinh không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả bằng những từ viết tắt, phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt; không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai, và chỉ "like" khi đã đọc kỹ nội dung.
Trong 10 điều của Nội quy học sinh Trường TH-THCS-THPT Nam Việt (TP.HCM) có Điều 7 cấm học sinh không nói tục, chửi thề, hút thuốc, uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích; Không chọc ghẹo, gây sự đánh nhau trong trường và ngoài phố…
Thận chí, có giáo viên đã từng dùng biện pháp mạnh đến mức phản cảm để trừng phạt học sinh nói bậy. Sự việc xảy ra cuối năm 2016 ở Trường Tiểu học Ninh Sở (Thường Tín, Hà Nội). Cho rằng một học sinh lớp 4 chửi bậy, cô giáo chủ nhiệm đã cho hơn 40 bạn trong lớp tát vào miệng em này...
Tất cả các trường học đều có nội quy cấm học sinh nói tục, chửi thề, chửi bậy, nhưng nhìn chung, tình trạng học sinh nói tục chửi thề, như một giáo viên thừa nhận, càng ngày càng trầm trọng.
Thầy giáo Nguyễn Viết Đăng Du nhìn nhận nguyên nhân là do ảnh hưởng từ bạn bè, gia đình và xã hội.
“Trong các trường học dù đã có nội quy cấm nói tục, chửi thề nhưng nó chỉ là biện pháp nhất thời” - anh Du nhận xét.
Ông Nguyễn Văn Khả, hiệu trưởng một trường phổ thông ở quận Tân Phú (TP.HCM) cho biết nhà trường cấm học sinh không được nói tục, chửi thề trong trường, ngoài trường và ngay cả trên mạng xã hội.
Khi nghe được em nào nói tục, chửi thề, quy trình xử lý của trường sẽ là: Lần 1 -nhắc nhở; Lần 2 - mời phụ huynh lên làm việc. Nếu nhiều lần mà không thay đổi sẽ trả về gia đình tự giáo dục cùng với địa phương. Nếu năm sau học sinh thay đổi thì nhà trường sẽ nhận vào học lại.
Nhưng dù đưa ra mức kỷ luật rất nghiêm khắc nhưng ông Khả thừa nhận vẫn không thể cấm được học sinh nói bậy.
Nhiều em đến trường không nói tục, chửi thề nhưng chỉ cần ra khỏi cổng trường là các em sẵn sàng văng ra những từ ngữ khó nghe. Nhiều học sinh còn lên mạng xã hội lập tài khoản ảo rồi tham gia vào các nhóm chửi tục. Hoặc khi trao đổi, nhắn tin cho nhau các em cũng sẵn sàng viết những từ ngữ rất tục tĩu.
“Chúng tôi đã làm rất nghiêm, cấm đoán có, xử phạt có nhưng vẫn không xuể vì chỉ quản lý được trong trường, còn bên ngoài nhà trường là những mối quan hệ xã hội khác của các em. Hơn nữa, hiện nay công nghệ thông tin phát triển, các em có đầy đủ phương tiện như điện thoại, máy tính… để sẵn sàng chửi bậy ở bất kỳ nơi nào, giờ nào” - ông Khả nói.