Nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp cần cơ chế công bằng

Việc dừng huy động một phần công suất tại dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW (Ninh Thuận) đang làm nóng lên câu chuyện cơ chế giá, bởi nếu không sớm ban hành thì nhà đầu tư sẽ thiệt hại nặng nề.
Kiến nghị tiếp tục huy động phần công suất chưa có giá tại dự án điện mặt trời 450MW Thủ tướng yêu cầu xem xét kỹ lưỡng về điện mặt trời, điện LNG trong Quy hoạch điện VIII

Mới đây, Công ty Mua bán điện đã có văn bản gửi Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam thông báo dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá (172MW/450MW) của nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW (Ninh Thuận).

Ngay sau khi Công ty Mua bán điện có văn bản dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW, phía nhà đầu tư đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của dự án.

Theo nhà đầu tư, dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW hiện đã đi vào hoạt động hơn 22 tháng, được EVN huy động công suất của toàn dự án để hòa lưới điện quốc gia (trong đó một phần công suất chưa xác định được giá bán điện làm cơ sở thanh toán).

Đặc biệt, dự án đang chịu chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo khác trên địa bàn tỉnh (sau hơn 22 tháng vận hành, sản lượng truyền tải hộ cho các dự án thông qua trạm biến áp 500kV Thuận Nam là khoảng 4,2 tỷ kWh, tương ứng khoảng 360 tỷ đồng) và chịu chi phí quản lý vận hành trạm biến áp khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và chịu áp lực rất lớn trong trả nợ vay ngân hàng theo phương án tài chính.

Nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp cần cơ chế công bằng
Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam 450MW kết hợp Trạm biến áp 500kV

Việc dừng huy động 40% công suất dự án của chủ đầu tư đồng nghĩa dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế, sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất.

"Do đó sẽ dẫn tới dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay, trong khi các nhà đầu tư khác cũng như EVN lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải 500kV giải tỏa công suất (được đầu tư bằng chính nguồn vốn của nhà đầu tư). Đây là một thiệt thòi quá lớn và không công bằng cho nhà đầu tư", phía nhà đầu tư nêu.

Cũng theo phía nhà đầu tư, việc dừng huy động công suất chưa có giá điện của dự án là không phù hợp theo các điều khoản đã thỏa thuận của hợp đồng mua bán điện giữa EVN và Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam.

Cụ thể, theo khoản 5 điều 4 hợp đồng mua bán điện của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam với EVN: "Trường hợp đến hạn thanh toán theo quy định tại khoản 1 điều này nhưng chưa có văn bản thống nhất của Bộ Công thương về việc một phần nhà máy điện hoặc toàn bộ nhà máy điện được áp dụng giá điện theo quy định tại khoản 3 điều 5 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, các bên thống nhất ghi nhận sản lượng điện giao nhận. Tiền điện sẽ được thanh toán sau khi có văn bản thống nhất của Bộ Công thương".

Trên cơ sở đó, nhà đầu tư kiến nghị tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW, nhằm tạo công bằng trong môi trường đầu tư cũng như hỗ trợ nhà đầu tư đã chịu kinh phí xây dựng hệ thống trạm biến áp và đường dây 500kV giải tỏa công suất điện năng lượng tái tạo cả khu vực, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về tài chính tránh nguy cơ phá sản.

"Công ty cam kết tuân thủ chặt chẽ các quy định và yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc thực hiện thanh toán sau khi cơ chế giá được áp dụng, không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện", Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam nêu.

Nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp cần cơ chế công bằng
Việc dừng huy động 40% công suất dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất

Liên quan đến việc này, ngày 5/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, có ý kiến với các cơ quan chức năng và các bộ, ngành xem xét, tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW.

Nhiều ý kiến của chuyên gia năng lượng cũng cho rằng, việc cho phép tiếp tục huy động khai thác năng lượng được sản xuất từ phần công suất chưa có giá điện của dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW là cần thiết, bởi toàn bộ dự án và hạ tầng đi kèm đã được đầu tư và đang vận hành.

Do đó, nếu không được phát điện lên lưới, nguồn năng lượng từ 172,12MW (bị cắt) sẽ lãng phí rất lớn (ước tính ít nhất sẽ sản xuất được trên 258 triệu kWh điện hàng năm từ phần công suất này), trong khi chi phí vận hành và bảo dưỡng không đáng kể. Đây là lãng phí, thiệt hại cho xã hội, trong khi chúng ta đang cần rất nhiều điện và có nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới.

Mặt khác, quy mô của dự án này đã được sự cho phép của Chính phủ theo Văn bản số 70/TTg-CN, ngày 9/1/2020 về việc đồng ý bổ sung dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh). Văn bản nói trên cũng nêu việc triển khai đầu tư dự án điện mặt trời nói trên kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500kV và các đường dây 500kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia “để truyền tải, giải tỏa hết công suất nhà máy điện mặt trời này và các nhà máy điện năng lượng tái tạo khác trong khu vực vào hệ thống điện quốc gia”.

Cũng liên quan đến dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, ngày 14/1/2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 17/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về giá điện với phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhưng không đáp ứng yêu cầu áp dụng giá điện tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg thì Bộ Công thương phải khẩn trương chỉ đạo EVN nghiên cứu, đề xuất theo hướng đấu thầu/đấu giá công khai minh bạch.

Đối với việc vận hành phần phát điện phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn Ninh Thuận mà hiện chưa có giá điện, Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương chỉ đạo EVN có phương án vận hành hợp lý theo quy định chung của ngành điện; đồng thời khẩn trương nghiên cứu, xác định giá điện với phần công suất này theo chỉ đạo nêu trên.

Cuối tháng 7/2022, Bộ Công thương đã có Văn bản 128/BC-BCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đối với các dự án điện gió và điện mặt trời chuyển tiếp đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện và hướng dẫn do bộ ban hành.

Với các vấn đền trên, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công thương cần sớm chỉ đạo EVN tiến hành đàm phán và cân nhắc để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và Nhân dân, nhất là trong thời điểm này, chúng ta đang thực hiện mạnh mẽ cam kết COP 26 về tăng cường năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính.

Hơn thế nữa là việc đồng hành với doanh nghiệp theo quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bởi tiền doanh nghiệp bỏ ra đầu tư cũng là tiền của Nhân dân, điểm mấu chốt bây giờ là hài hòa lợi ích để các bên cùng có lợi. Đừng để lãng phí tiền của Nhân dân trong khi chúng ta đang phải đi mua điện từ nước ngoài. Chúng ta cần đối xử công bằng trong phát triển kinh tế để khuyến khích mọi nguồn lực xã hội vào phát triển nguồn năng lượng phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp.

Hậu Lộc
Phiên bản di động