Nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Trị và Bí thư Thành ủy Đông Hà 'to gan' vượt lệnh Thủ tướng
Quảng Trị: Dân bất bình vì đất tín ngưỡng hàng trăm năm bị lấn chiếm |
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra số 235/TB-TTCP về việc quản lý, sử dụng đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn từ 1/1/2013 đến 30/6/2018. Trong đó, cơ quan thanh tra đã chỉ ra nhiều vi phạm của các cá nhân, tập thể, trong đó có cả lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng ở Quảng Trị không đúng quy định, để xảy ra hàng loạt vi phạm, đến mức phải kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 và 2016 - 2021 đã có liên quan đến các sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng nêu trong kết luận thanh tra.
Cụ thể, theo cơ quan thanh tra, trong giai đoạn 2013 đến 2018, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tại các Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang và Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo không đúng với Nghị định của Chính phủ. Riêng tại khu công nghiệp Nam Đông Hà, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt tăng diện tích xây dựng nhà máy, giảm đất công cộng không đúng với Quyết định của Bộ Xây dựng.
Cũng liên quan đến công tác quản lý đất đai, UBND tỉnh Quảng Trị giao đất cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng các khu dân cư tổ chức bán đấu giá còn dàn trải; một số dự án đã đầu tư xong cơ sở hạ tầng nhưng chưa hoặc không tổ chức bán đấu giá được do không có người mua như dự án Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 3 hiện còn 12,489/25,767 ha chưa tổ chức đấu giá; Quyết định cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng khu Bắc sông Hiếu, thành phố Đông Hà để đấu giá quyền sử dụng đất nhưng chưa có quyết định giao đất...
Ông Nguyễn Đức Chính thời đương nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Báo Dân Trí. |
Đặc biệt, kết quả thanh tra cho thấy, một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Quảng Trị giao, cho thuê đất, trong đó có đất rừng nhưng chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục giao, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng như dự án hạ tầng Cụm công nghiệp Hải Lệ (giai đoạn 1)...
Đồng thời, theo Thanh tra Chính phủ, một số dự án đã được UBND tỉnh Quảng Trị cấp phép khai thác khoáng sản nhưng chưa có hợp đồng thuê đất, chưa nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án theo quy định như Công ty Cổ phần Sông Nhùng, Công ty TNHH MTV Lào Việt Asean, Công ty Cổ phần Thiên Phú, Công ty TNHH MTV Đất Việt, Công ty TNHH MTV Nguyên Hà, Công ty TNHH MTV Dịch vụ số 1 Thành Thành Công...
Việc chấp hành pháp luật về đấu thầu chưa nghiêm, hiệu quả còn hạn chế, các bên trong đấu thầu chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định, quá trình thực hiện còn xảy ra sai sót, vi phạm như: Thực hiện đấu thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh rất hạn chế, không đảm bảo theo quy định, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu quá thấp, hiệu quả không cao, tổ chức đấu thầu chưa đúng quy định khi lưạ chọn nhà thầu không đủ năng lực; công tác giám sát, đánh giá đầu tư còn hạn chế, chế độ báo cáo, kiểm tra, đôn đốc chưa thực hiện đầy đủ theo quy định tại Khoản 3 Điều 5, Điều 16 Nghị định 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 và Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 20/9/2015…
Ngoài ra, những sai phạm của chính quyền và doanh nghiệp ở Quảng Trị cũng bị cơ quan thanh tra phanh phui tại dự án mỏ vàng Apey A. Kết quả thanh tra cho thấy, Công ty Cổ phần phát triển khoáng sản 4 được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác, chế biến mổ vàng tại Apey A, xã A Bung, huyện Đakrông, thời hạn khai thác đã hết từ tháng 8/2018 nhưng doanh nghiệp không làm thủ tục đóng cửa mỏ, chưa nộp tiền ký quỹ phục hồi môi trường với số tiền 1,586 tỷ đồng và tiền cấp quyền khai thác 5,977 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, dự án cũng chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ông Võ Văn Hưng (nay là Bí thư Thành ủy Đông Hà) phải chịu trách nhiệm vụ bán trái phép trụ sở Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thời làm Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị. |
Đặc biệt, trong kết luận thanh tra nhấn mạnh đến sai phạm trong việc bán trụ sở Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và dự án Khu đô thị Bắc Thành cổ do Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn làm chủ đầu tư được hưởng ưu đãi không đúng theo quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2005. Đồng thời, việc xác định và áp giá trị tiền sử dụng đất không đúng quy định của Luật Đất đai 2003, gây thất thoát ngân sách 14.115.418.000 đồng.
"UBND tỉnh cho phép bán trụ sở Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng mà không báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm. Trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính", kết luận thanh tra nêu rõ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 11/2016, xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (nghỉ hưu từ 1/2/2020) đã đồng ý cho tổ chức bán đấu giá trụ sở Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để thu hồi vốn đầu tư xây dựng trụ sở mới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ở thời điểm đó, ông Võ Văn Hưng là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện nay, ông Hưng đã được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Đông Hà nhiệm kỳ 2015 - 2020 (thời điểm bổ nhiệm là tháng 7/2019).
Như vậy, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Đức Chính và ông Võ Văn Hưng phải chịu trách nhiệm chính cho sai phạm trong việc cho bán trụ sở Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng mà không báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Cũng liên quan đến việc bán tài sản trên đất trụ sở Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ làm rõ ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 740/BKHĐT-TTr ngày 6/9/2019 và của Bộ Tài chính tại Văn bản số 1294/BTC-QLCS ngày 25/10/2019, kiến nghị biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/3/2020.
Trở lại với kết luận của Thanh tra Chính phủ, theo cơ quan thanh tra, việc nhiều dự án có nhiều sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng, gây thất thoát ngân sách Nhà nước là do công tác quản lý của chính quyền địa phương tỉnh Quảng Trị còn yếu kém.
Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2011 - 2016 và 2016 - 2021 có liên quan đến các sai phạm được nêu trong kết luận thanh tra.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thu hồi vào ngân sách Nhà nước số tiền 14.257.482.000 đồng từ Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn và thu phí bảo vệ môi trường của 29 chủ đầu tư các dự án khác; thu hồi số tiền 5,718 tỷ đồng đối với các đơn vị còn nợ tiền thuê và tiền sử dụng đất, thu hồi 1,586 tỷ đồng tiền ký quỹ phục hồi môi trường và 5,977 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác của Công ty Cổ phần Phát triển Khoáng sản 4.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch tỉnh Quảng Trị làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể tại các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong việc cấp phép, ưu đãi và còn nhiều sai phạm trong việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ hoặc các nhà đầu tư không đảm bảo được năng lực mà vẫn được chính quyền địa phương ưu ái, tạo điều kiện.