Nguy cơ Tết thiếu thịt lợn

Trong quý cuối năm 2019, tổng nhu cầu khoảng hơn 600.000 tấn thịt lợn trong khi hiện nay tổng cung hơn 400.000 tấn, như vậy dự kiến sẽ thiếu hụt hơn 200.000 tấn.
Giá thịt lợn leo thang, Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương bình ổn Mang thịt lợn chưa nấu chín, một phụ nữ Việt Nam không được nhập cảnh Australia

Chiều 18/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 15/11/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.498 xã thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5,88 triệu con, tổng trọng lượng là 337.000 tấn (chiếm hơn 8,8% tổng trọng lượng lợn của cả nước). Đến nay, có 54% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó 25 tỉnh, thành phố có trên 50% số xã và 9 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày; tỉnh Hưng Yên về cơ bản đã hết dịch. Nhiều địa phương đã chủ động chỉ đạo tái đàn có kết quả để cung cấp lợn thịt cho thị trường.

nguy co tet thieu thit lon
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp. Ảnh: Thành Chung/VGP.

Về vấn đề giá lợn, theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, giá trung bình cả nước khoảng 60.000-67.000 đồng/kg lợn hơi, cá biệt có nơi đã lên tới 75.000-80.000 đồng/kg, nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm nguồn cung tại một số địa phương, nhất là ở những khu vực tiêu thụ lợn thịt tại chỗ do người chăn nuôi không bán lợn ra thị trường. Trong khi đó, vẫn còn hiện tượng vận chuyển lợn theo đường mòn, lối mở sang Trung Quốc.

Mặt khác, người chăn nuôi lớn thường không muốn xuất bán lẻ do e ngại nguy cơ người mua có thể đem dịch vào cơ sở chăn nuôi, dẫn đến những hộ giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được với nguồn cung lợn thịt, phải mua lại của thương lái hoặc những nông hộ ép giá lên cao đã làm cho giá lợn thịt ở những khu vực này tăng cao cục bộ so với giá bình quân chung.

Trong khi đó, theo phân tích của Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn thời điểm này đã tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước, ở miền Bắc, tháng 11/2019, giá lợn hơi ở mức 70.000-75.000 đồng/kg, cá biệt ở Lào Cai, Hưng Yên lên tới 78.000 đồng/kg, ở miền Trung dao động mức 70.000 đồng/kg và miền Nam từ 65.000-75.000 đồng/kg. Tổng cục Thống kê dự báo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng khoảng 0,8-1%, riêng giá thịt lợn tác động đến mức tăng CPI là 0,75%.

Theo dự kiến quý 4/2019, tổng nhu cầu khoảng hơn 600.000 tấn và với mức cung căn cứ trên tổng đàn tháng 10 và mức nhập khẩu như hiện nay thì tổng cung sẽ là hơn 400.000 tấn, thiếu hụt hơn 200.000 tấn. Dự báo nếu giá thịt lợn tăng khoảng 10-15% nữa, đạt đến mức giá 80.000 đồng/kg thì sẽ làm CPI chung tăng khoảng 0,5-0,7%, đưa mức CPI bình quân năm 2019 dự báo tăng dưới 3% so với năm 2018, vẫn trong vùng kiểm soát. Tuy nhiên, phải có hướng để kiểm soát xu thế giá tăng cao, hạn chế lạm phát kỳ vọng, tạo dư địa cho điều hành giá năm 2020.

Nhận định nguồn cung thịt lợn trong nước thiếu hụt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng công bố tình trạng và đưa ra các giải pháp đáp ứng cung-cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là trong dịp Lễ, Tết khi nhu cầu thịt lợn tăng từ 25-30%/ngày. Đáng chú ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phải dự đoán nhu cầu thịt lợn và nguồn cung của từng tháng từ nay tới Tết Nguyên đán Canh Tý.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Chính phủ kế hoạch bù đắp nguồn cung và không để dư thừa nguồn cung trong thời gian tới. Về phần thiếu hụt, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tính toán từng tháng, báo cáo Chính phủ nhập khẩu thêm từ nước ngoài, bảo đảm cung cầu thịt lợn trong nước, hài hòa lợi ích người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp trong lưu thông, phân phối...

Hậu Lộc
Phiên bản di động