Người trẻ và hội chứng overthinking
Giáo dục phòng cháy chữa cháy trong giới trẻ |
Không thể thoát khỏi dù biết trước
Đi cùng sự phát triển của xã hội, người trẻ càng gặp nhiều những vấn đề khác nhau trong cuộc sống, đặc biệt là những áp lực về tâm lý. Mỗi khi gặp phải những chuyện không như mong muốn, nhiều người trẻ có xu hướng nghĩ nhiều về vấn đề đó tới mức mất ăn, mất ngủ, gây ảnh hưởng đến những hoạt động khác trong cuộc sống. Tuy nhiên, những suy nghĩ này lại không giúp ích gì cho việc giải quyết vấn đề đang gặp phải, thậm chí làm cho những vấn đề này ngày càng trở nên rối và khó giải quyết hơn.
Các vấn đề này ngày một khó giải quyết hơn là bởi những người này có xu hướng nghĩ nhiều về những điều đã xảy ra trong quá khứ hoặc lo lắng cho những điều chưa xảy ra trong tương lai. Không chỉ đối với những vấn đề lớn và chỉ một "tiểu tiết" hay một thay đổi nhỏ cũng có thể khiến những người này lâm vào tình trạng "mắc kẹt" trong suy nghĩ của chính mình. Đó chính là những biểu hiện của một hội chứng có tên overthinking.
Overthinking hay còn được gọi là hội chứng rối loạn lo âu hoặc chứng suy nghĩ quá mức là một trạng thái tâm lý trong đó người ta dành quá nhiều thời gian và năng lượng cho những suy nghĩ tiêu cực về quá khứ, hiện tại hoặc tương lai. Những suy nghĩ này có thể gây ra lo lắng, căng thẳng, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe khác.
Người trẻ đang là những người mắc phải overthinking nhiều nhất |
Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng này có thể kể đến như: Trải qua một sự kiện đau buồn hoặc khó khăn trong cuộc sống; Có tính cách cầu toàn hoặc ám ảnh; Trải qua căng thẳng trong công việc hoặc cuộc sống cá nhân; Có tiền sử gia đình mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần...
Lê Nguyễn Thảo Phương (24 tuổi, sống tại quận Ba Đình, Hà Nội là một trường hợp điển hình. Cô gái trẻ cho biết, chỉ một câu nói đùa của bạn bè cũng làm Phương suy nghĩ rất nhiều dù họ đã giải thích rằng họ không hề có ác ý và câu đùa đó là một câu đùa phổ biến họ vẫn thường dùng nhưng Phương vẫn không thể ngừng nghĩ về nó.
"Có một lần, các bạn trêu mình là "đồ yếu đuối, ẻo lả" khi thấy mình khóc. Điều này làm mình suy nghĩ rất nhiều: ''Mình có thực sự yếu đuối hay không?, Hay là họ chỉ đùa thôi, Mình có nên chơi tiếp cùng họ không?, Mình nghĩ oan cho họ rồi chăng?…", Phương kể lại.
Từ đó, mối quan hệ của Phương và các bạn ngày càng tồi tệ hơn. Cô gái 24 tuổi dần trở nên ngại giao tiếp với mọi người vì sợ lại trở thành tâm điểm bị mọi người nhắm đến. Không chỉ vậy, với những vấn đề nghiêm trọng hơn khi chuẩn bị đi ngủ, Phương lại nhớ lại và dằn vặt bản thân. Điều này khiến cho cô gái trẻ liên tục suy nghĩ và không thể "vào giấc", làm ảnh hưởng đến giờ ngủ cũng như là chất lượng của giấc ngủ.
Đây cũng là nguyên nhân khiến Phương thường xuyên mệt mỏi, buồn bã và trở dễ trở nên cáu gắt với những người xung quanh, thậm chí là với chính những người thân trong gia đình. Tuy nhiên, dù đã thử rất nhiều cách khác nhau từ chuyển nơi sống, ít sử dụng mạng xã hội, đi du lịch nhiều hơn... nhưng cô gái trẻ vẫn không thể thoát khỏi tình trạng này.
Tương Tự, Hải Long (21 tuổi, sống tại quận Long Biên, Hà Nội) cũngnhận ra mình là một người bị overthinking khi phát hiện bản thân thường lo lắng lo âu về mọi thứ, suy nghĩ liên tục về một điều gì đó, thậm chí có xu hướng suy nghĩ một cách tiêu cực, nghi ngờ bản thân, nghi ngờ những người xung quanh.
Hải Long chia sẻ: "Thời gian trước mình từng có một mối quan hệ tình cảm. Tuy nhiên, sau một thời gian hẹn hò, mình nhận ra mối quan hệ đó ngày càng có nhiều vấn đề. Điều đó khiến mình suy nghĩ rất nhiều, lúc thì suy nghĩ tích cực, lúc thì tự nghĩ sai về bản thân, nghĩ rằng mình luôn là người có lỗi, sau đó tự trách bản thân không tốt, không xứng đáng được yêu...".
Sự thay đổi nhanh chóng của xã hội kéo theo sự gia tăng của các vấn đề tâm lý |
Giống như Phương, Long cũng nhận ra rằng bản thân mình đang mắc chứng overthinking nhưng không dễ để có thể thoát khỏi những suy nghĩ đó. Long đã thử nhiều cách để tự mình thoát khỏi những suy nghĩ của bản thân. Để vượt qua được overthinking, Long lập kế hoạch sẽ đọc sách, chơi game, nghe nhạc… nhiều hơn vì nghĩ là tay chân hoạt động thì não sẽ không nghĩ nữa.
Tuy nhiên, những việc này chỉ mang tính ngắn hạn. Ngay sau khi kết thúc những hoạt động này, Long lại bị cuốn vào luồng suy nghĩ của bản thân. Những suy nghĩ này chỉ dừng lại khi Long đã trở nên kiệt sức, không đủ sức để suy nghĩ. Điều này khiến cho cô gái trẻ luôn trong tình trạng mệt mỏi, mất tập trung.
Liều thuốc nào cho overthinking?
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thảo Nguyên, nếu "căn bệnh" overthinking này kéo dài, lặp lại nhiều lần có thể dẫn đến trầm cảm, làm giảm chất lượng cuộc sống, gây ra những hệ quả nghiêm trọng.
"Overthinking thường bắt nguồn từ các kỳ vọng của chúng ta về cuộc sống và khả năng chấp nhận rủi ro. Bản thân mỗi người đều hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn, một cuộc sống mà các nhu cầu quan trọng của chúng ta như sinh tồn, an toàn, được yêu thương, thấu hiểu được bản thân, chứng tỏ bản thân… được đáp ứng.
Những người đặt kỳ vọng cao hơn, có xu hướng tìm kiếm sự hoàn hảo hoặc có khả năng chấp nhận rủi ro thấp hơn sẽ dễ overthinking. Tâm trí họ lựa chọn việc suy nghĩ thật nhiều, đào thật sâu như là một cách thức để giúp họ tìm ra các câu trả lời thuyết phục được chính bản thân cho vấn đề gặp phải.
Các lỗi nhận thức giống như tác nhân khiến việc suy nghĩ quá nhiều này trở nên trầm trọng hơn. Thông qua lăng kính sai lệch, người mắc có thể diễn giải vấn đề theo hướng không đúng với bản chất và khiến vấn đề phức tạp hơn rất nhiều", chuyên gia Phạm Thị Thảo Nguyên cho biết.
Nếu "căn bệnh" overthinking này kéo dài, lặp lại nhiều lần có thể dẫn đến trầm cảm, làm giảm chất lượng cuộc sống, gây ra những hệ quả nghiêm trọng |
Cũng theo chuyên gia tâm lý, hội chứng này có thể đi kèm với những vấn đề sức khỏe tâm thần khác, làm cho chẩn đoán và điều trị phức tạp hơn. Một số rối loạn thường đi kèm với rối loạn lo âu tổng quát bao gồm: Rối loạn hoảng sợ, trầm cảm, lạm dụng thuốc, rối loạn stress sau chấn thương.
Để thoát khỏi "căn bệnh" này, theo chuyên gia Phạm Thị Thảo Nguyên, điều quan trọng nhất là mọi người phải học cách thích nghi với cuộc sống hiện tại. Mỗi người đều cần học cách tự cân bằng các mục tiêu trong từng giai đoạn của cuộc đời, chấp nhận những khó khăn, thử thách, rèn luyện tư duy tích cực, quan sát đa chiều, đặt mình vào nhiều vị trí khác nhau để nhận định chính xác về bản thân.
Ngoài ra, nên dành thời gian cho bản thân để thư giãn, tập thể dục (đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga…) mỗi ngày. Hoạt động thể dục rất cần thiết và hiệu quả đối với những người bị overthinking. Nên chăm sóc giấc ngủ, tránh các thức uống có caffein, hoặc chất kích thích, tập luyện hít thở sâu…
"Tìm kiếm bác sĩ tâm lý sẽ là một biện pháp hữu ích hơn cả vì vấn đề mà mỗi cá nhân gặp phải lại có sự khác biệt. Họ sẽ cung cấp và hướng dẫn các bài tập, các kỹ năng phù hợp đối với mỗi cá nhân. Quan trọng hơn cả, họ sẽ không phải ở một mình và có nơi để thực sự giải tỏa những cảm xúc đã kìm nén trong người", chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thảo Nguyên nhấn mạnh.