Người dám dạy phải là người không bao giờ ngừng học

Cô giáo Hà Ánh Phượng - người xuất sắc nhận giải Nobel trong ngành giáo dục và là người Việt duy nhất lọt top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu. Cô gái trẻ 9X đã dám đánh đổi những xa hoa nơi thành thị để chạm đến tri thức nơi miền quê nghèo khó. Câu chuyện về cô giáo người dân tộc Mường dám nghĩ, dám làm đã truyền cảm hứng đến nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm Bí thư Thành ủy Hà Nội: Lựa chọn những đồng chí có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm, nhất là cán bộ trẻ

Tiếp xúc với Phượng (30 tuổi) lần đầu, ít ai nghĩ được rằng cô gái có khuôn mặt đầy đặn, cặp kính luôn thường trực, nụ cười mỉm nhẹ nhàng lại có quyết tâm cao đến vậy. Chia sẻ với chúng tôi, Hà Ánh Phượng cho rằng: “Người dám dạy phải là người không bao giờ ngừng học”. Cô Phượng chia sẻ, nếu người dạy học không biết cách trau dồi, rèn luyện kiến thức, kỹ năng thì sẽ không thể trở thành một nhà giáo giỏi. Giáo dục là không giới hạn.

“Người dám dạy”

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Trường Đại học Hà Nội, cô giáo Hà Ánh Phượng từ chối cơ hội được làm việc nơi thành thị. Cô trở về Phú Thọ để cống hiến cho quê hương.

Chọn trường THPT Hương Cần - một ngôi trường thuộc địa bàn các xã miền núi, vùng sâu, thiếu thốn về cơ sở vật chất của tỉnh Phú Thọ là điểm đến. Cô giáo Hà Ánh Phượng đã đưa những thế hệ học trò cập bến tri thức bằng phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại.

Hà Ánh Phượng - giáo viên toàn cầu
Hà Ánh Phượng - giáo viên toàn cầu

Từ bỏ công việc triệu đô trở về công tác tại ngôi trường có gần 90% là học sinh DTTS, bằng những trăn trở và nỗ lực với nghề giáo, Ánh Phượng đã đưa những học trò của mình đi ngao du ra khỏi ngôi trường làng bằng “lớp học xuyên biên giới”. Cô cũng sáng tạo cách dạy học mới như dạy qua phim ảnh, dự án, tổ chức dạy học online, lập kênh Youtube để dạy tiếng Anh miễn phí.

Với mong ước làm sao cho trẻ em dân tộc vùng cao của quê hương mình được học và biết nói tiếng Anh, những khó khăn về cơ sở vật chất dạy học đã không làm nản lòng cô giáo dân tộc Mường, mà trở thành động lực thôi thúc thêm lòng yêu nghề, mến trò. Đến với điểm trường, trong mỗi tiết dạy, cô Phượng luôn sáng tạo để có những bài giảng sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với học sinh người dân tộc.

Mô hình “lớp học xuyên biên giới” sẽ giúp kết nối nhiều lớp học thuộc các Quốc gia khác nhau lại vào trong một nhóm. Với hình thức học này, những học sinh của cô Phượng có cơ hội được luyện nghe, nói, phát âm tiếng Anh với các thầy cô giáo và các bạn học sinh nước ngoài.

Sau thời gian dài triển khai, mô hình dạy học theo phương pháp này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Những học trò của cô Phượng đã mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh và cả tiếng Việt. Ngoài ra, các em còn có thể chủ động trong việc ứng dụng dạy học hiện đại để tiếp cận tri thức.

Dám nghĩ, dám làm, phương pháp dạy học của cô Phượng đã đưa ngoại ngữ đến gần hơn với học sinh người DTTS. Giúp các em học sinh nơi đây có thể tiếp cận được với nền văn minh tiên tiến.

“Không bao giờ ngừng học”

Là một giáo viên trẻ có năng lực, nhiều hoài bão nên mặc dù công tác tại một ngôi trường miền núi, cô giáo Hà Ánh Phượng vẫn luôn tích cực tham gia vào các buổi phát triển chuyên môn trên các diễn đàn toàn cầu.

Năm 2020, cô được nhận học bổng toàn phần của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ SEAYLP dành cho giáo viên và được công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo của Tập đoàn Microsoft, tham gia dạy học trực tuyến cho học sinh nghèo ở 4 châu lục: Á, Phi, Âu, Mỹ. Cô là thành viên tích cực của Cộng đồng giáo dục Microsoft, nơi quy tụ giáo viên toàn cầu cùng thiết kế bài giảng và tham gia phát triển chuyên môn hàng tuần.

Ánh Phượng luôn tự nâng cao tay nghề của mình từ việc học hỏi bạn bè thế giới. Cô giáo trẻ tích cực tham gia vào các buổi phát triển chuyên môn trên phạm vi toàn cầu. Những diễn đàn kết nối là nơi cô giáo Hà Ánh Phượng tích cực lan tỏa và chia sẻ sáng kiến tới nhiều đồng nghiệp trên khắp mọi miền. Mô hình lớp học xuyên biên giới và các dự án quốc tế của cô đã đem học sinh dân tộc kết nối với quốc tế để trở thành những công dân toàn cầu.

Cô cùng với học trò của mình đã đồng hành với nhau trong nhiều dự án quốc tế, trong đó, phải kể đến dự án “Nói không với ống hút nhựa”. Dự án là sự liên kết ở ba miền (Bắc- Trung – Nam) của Việt Nam và nhiều Quốc gia trên thế giới. Hà Ánh Phượng đã cùng với học sinh làm ra những ống hút bằng tre nứa miễn phí, cùng nhau nghĩ ra chuyến du lịch ảo tuyên truyền tới nhiều học sinh trên thế giới để tuyên truyền tới nhiều học sinh trên thế giới chống rác thải nhựa; cùng nhau tạo nên “Thư viện hạnh phúc” để các em học sinh có thêm nguồn tài liệu ngoại văn miễn phí, phục vụ cho quá trình học tập.

Cô giáo trường làng “vươn ra thế giới”

Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ và nhờ vào sự ủng hộ của bạn bè thế giới, Ánh Phượng đã vượt qua khó khăn, thách thức để kết nối, liên kết hệ thống giáo dục với toàn cầu.

Năm 2020, là một năm vô cùng đặc biệt đối với cô giáo Hà Ánh Phượng khi lần đầu tiên tên cô xuất hiện hai lần trong danh sách đại diện duy nhất của Việt Nam trong hai sự kiện quốc tế lớn, trở thành giáo viên Việt Nam duy nhất được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lựa chọn trong chương trình thủ lĩnh Thanh niên Đông Nam Á. Đồng thời là giáo viên lọt vào Top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu do tổ chức Varkey Foundation đối tác của Unesco có trụ sở tại London bầu chọn.

Cô giáo Hà Ánh Phượng trong lần phát biểu tham luận tại Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020
Cô giáo Hà Ánh Phượng trong lần phát biểu tham luận tại Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020

Khi được hỏi có lúc nào cảm thấy hối hận khi trở về quê dạy học không, cô giáo trẻ chỉ cười rồi nói: “Nhìn học trò từng bước thay đổi và hoàn thiện bản thân, tự tin hơn mỗi ngày, tôi như được tiếp thêm động lực để cống hiến. Tôi thấy sự hi sinh của mình là hoàn toàn xứng đáng”.

Thấu hiểu những khó khăn mà học sinh miền núi gặp phải khi tiếp cận với việc học ngoại ngữ, cô giáo dân tộc Mường luôn kiên định với ước mơ của bản thân, không ngại khó, ngại khổ, miệt mài “gieo chữ” cho từng thế hệ học trò. Với những sáng tạo đột phá, mỗi giờ học của cô Phượng càng trở nên hấp dẫn và thu hút học sinh.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Hà Ánh Phượng mong muốn sẽ phát triển thêm một kênh YouTube chuyên dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh và tích cực chia sẻ các hoạt động phát triển chuyên môn. Đồng thời, cô sẽ cho ra đời nhiều dự án liên quan đến dạy học vì mục tiêu phát triển bền vững.

Một số thành tích của cô giáo Hà Ánh Phượng

- TOP 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu do Qũy Varkey, đối tác UNESCO ghi nhận năm 2020.

- Là giáo viên trẻ người dân tộc với những sáng kiến và sáng tạo đột phá trong giáo dục như mô hình lớp học xuyên biên giới và các dự án quốc tế đem học sinh dân tộc kết nối với quốc tế để trở thành những công dân toàn cầu tại 4 châu lục với hơn 40 quốc gia cùng với nhiều phương pháp dạy học tích cực như MAI, SIC, CLT… do bản thân tự tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng (dùng phim để dạy ngoại ngữ, phương pháp dạy học CLT…) nhiều phương pháp được báo cáo tại các hội thảo quốc tế lớn trong và ngoài nước.

- Được ghi nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo của Micosoft.

- Tốt nghiệp thạc sĩ ngôn ngữ Anh với bảng điểm kết quả học tập loại giỏi khoa Ngôn Ngữ Anh trường ĐH Hà Nội.

- Nhận Bằng khen của thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.

- Nhận thư khen và Bằng khen của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi tháng 3/2019 lọt vào top 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu và những đóng góp trong phong trào thi đua yêu nước ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020.

- Đạt danh hiệu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2020 do TW Đoàn trao tặng và nhiều bằng khen của các cơ quan ban ngành trao tặng.

- Được trao kỉ niệm chương do UBDT vì những đóng góp trong giáo dục với đồng bào dân tộc thiểu số.

- Là sinh viên châu Á năm 2011 đạt Học Bổng tiềm năng lãnh đạo do Viện giáo dục quốc tế Hoa Kì IIE trao tặng khi còn là sinh viên trường ĐH Hà Nội.

- Là GV trẻ người dân tộc với những sáng kiến và sáng tạo đột phá trong giáo dục như mô hình lớp học xuyên biên giới và các dự án quốc tế đem học sinh dân tộc kết nối với quốc tế để trở thành những công dân toàn cầu, các phương pháp dạy học tích cực như MAI, SIC, CLT… do bản thân tự tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng (dùng phim để dạy ngoại ngữ, phương pháp dạy học CLT…) nhiều phương pháp được báo cáo tại các hội thảo quốc tế lớn.

- Được công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft (MIE Expert) có ảnh hưởng đến cộng đồng giáo dục của địa phương, của cả nước và đồng nghiệp quốc tế qua các hội nhóm chuyên môn về ngoại ngữ và phát triển chuyên môn, tích cực hỗ trợ đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh trong việc ứng dụng CNTT vào dạy học, được chứng nhận là giáo viên có thành tích xuất sắc trong việc hỗ trợ cộng đồng giáo dục trọng đại dịch COVID-19 do đề án Việt số hoá công nhận.

- Tham gia nhiều hoạt động từ thiện như dạy học miễn phí cho học sinh tại 4 châu lục, mở "thư viện hạnh phúc" miễn phí cho học sinh... với biệt danh giáo viên 4.0 do siêu sao điện ảnh người Anh Stephen Fry chúc mừng và ca sĩ Thanh Bùi.

- Là giáo viên Việt Nam duy nhất đạt học bổng toàn phần của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ SEAYLP dành cho giáo viên đại diện năm 2020 do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Đại sứ quán Mỹ lựa chọn.

Hoa Thành - Kiều Vân
Phiên bản di động